Hải quan đối thoại doanh nghiệp:
"Nóng" chuyện xuất xứ hàng hóa nhập khẩu
Ngày 12.7, Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã tổ chức đối thoại với 350 doanh nghiệp phía Nam tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM). Gần 100 câu hỏi DN đặt ra, trong đó hết 80% có sẵn trong các văn bản pháp lý hiện hành…
Bà Đặng Thị Bình An, Phó tổng cục trưởng TCHQ có vẻ khá kiên nhẫn trước hàng loạt chất vấn của các DN. Bà An nói: "Tôi nghĩ các DN cần nghiên cứu nhiều hơn các văn bản pháp luật về hải quan. Tất cả đều được giới thiệu trong website của TCHQ, kể cả Luật Quản lý thuế mới ban hành". Có DN đặt ra đến 7 câu hỏi nhưng không câu nào nêu vấn đề mới. Nhiều DN nêu câu hỏi mà ngay cả một người bình thường cũng biết, chẳng hạn sản phẩm dùng nguyên liệu từ nước ngoài chế biến tại Việt Nam có ghi câu "Made in Vietnam" được không? Bà An trả lời, hàng sản xuất tại Việt Nam dĩ nhiên được ghi "Made in Vietnam".
Hội trường thực sự "nóng" lên khi ông Phạm Thanh Bình, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan trả lời thắc mắc về giấy xuất xứ hàng hóa của Công ty thép Thiên Nam. Ông Bình nói: "Kiểm tra xuất xứ hàng hóa không có nghĩa kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mà là kiểm tra nội hàm tiêu chuẩn của xuất xứ hàng hóa. Có những giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Form D, S, AK... nhưng khi kiểm tra thì giấy là thật nhưng nội hàm của nó không đúng, tức sản phẩm có xuất xứ không đúng tiêu chuẩn".
Ông Bình nêu dẫn chứng câu chuyện thời sự của ngành thép là hàng trăm tấn thép cán nguội từ Philippines mà các DN Việt Nam nhập về hiện chưa xử lý xong do phía Philippines chứng nhận xuất xứ hàng hóa không đúng chuẩn. Ngay lập tức, đại diện Tổng công ty thép Việt Nam, ông Lại Quang Trung phản ứng ngay: "Ngành hải quan nói là rất quan tâm và tốn nhiều công sức cho việc này nhưng vụ việc xảy ra từ cuối năm 2005 đến nay vẫn chưa xử lý xong, để các DN thép phải kêu đến Thủ tướng Chính phủ. Hải quan cũng không phải là người phát hiện mà chính các DN là người phát hiện rồi báo cho hải quan". Một DN thép khác bổ sung thêm: "Ngành hải quan nói đã làm việc với phía Philippines, kết quả ra sao? Nếu như bên họ cứ lì ra không quan tâm giải quyết thì người của hải quan có sang bên đó làm việc không?".
Ông Phạm Thanh Bình thừa nhận việc xuất xứ hàng hóa không đúng chuẩn của Philippines là do các DN phát hiện và cho biết, hiện nay phía Philippines đã trả lời chung chung là giấy xuất xứ hàng hóa họ làm không có gì sai nhưng chứng minh cho tiêu chuẩn trong giấy này thì họ không làm. "Qua sự việc này, ngành hải quan rút ra kinh nghiệm là cần phải sâu sát hơn nữa chuyện kinh doanh sản xuất của DN. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch cho người đi "học" quy trình sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề để sau này có thể "bắt giò" các DN làm ăn gian dối" - ông Bình nói.
Thanh nien
|