Xuất Khẩu hàng sơ chế sang Mỹ: Kinh nghiệm từ những vụ kiện bán phá giá
Theo số liệu của Uỷ ban Thương mại quốc tế Mỹ, tính đến hết năm 2006, tỷ lệ hàng sơ chế trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) sang Mỹ của VN chiếm khoảng 26%, mức thấp nhất trong các năm từ 2001 - 2006 (năm 2001 là 78%). Đây là hệ quả của việc Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng sơ chế XK của VN.
Được biết, các mặt hàng sơ chế XK sang Mỹ của VN hiện nay chủ yếu là: Xăng dầu, thuỷ hải sản, rau quả, cà phê, cao su nguyên liệu. Trong đó, xăng dầu đang là mặt hàng XK có giá trị cao nhất, kế đến là thuỷ hải sản. Tuy nhiên, xét về khía cạnh nhân công thì việc XK thuỷ hải sản tạo được nhiều công ăn việc làm hơn hẳn so với XK xăng dầu. Đến nay, cả hai mặt hàng XK lớn nhất trong ngành thuỷ hải sản là cá philê đông lạnh và tôm đông lạnh lại đang phải chịu áp thuế chống bán phá giá của Mỹ. Khiến cho mức XK cá philê đông lạnh (chủ yếu là cá tra, cá ba sa) hàng tháng giảm từ 10 triệu USD xuống dưới 2 triệu USD. Kế đến là mặt hàng XK tôm đông lạnh cũng bị khởi kiện bán phá giá vào cuối năm 2003. Vụ kiện này không những nhằm vào hàng XK tôm đông lạnh của VN mà còn nhằm vào một số quốc gia khác. Tháng 7/2004, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra phán quyết khẳng định sơ bộ về việc VN bán phá giá vào thị trường Mỹ, theo đó áp mức thuế bán phá giá trên toàn nước Mỹ đối với hàng của VN ở mức 93,1%. Ngay lập tức, thị phần của VN giảm từ 13 xuống còn 2%. Rõ ràng hoạt động XK hàng sơ chế VN tại thị trường Mỹ đã bị xuống rất thấp so với mức trước khi áp thuế bán phá giá.
Và bài học quan trọng từ những vụ kiện chống bán phá giá này là VN có thể tiếp tục mở rộng XK sản phẩm mà mình có lợi thế so sánh ngay cả khi bị giới hạn khả năng tiếp cận thị trường một quốc gia (thậm chí là một thị trường lớn như Mỹ) thông qua các biện pháp chế tài thương mại.
Lấy ví dụ như việc áp thuế bán phá giá rõ ràng làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất kinh doanh của VN nhưng dường như nó không có tác động đáng kể tới tổng kim ngạch XK cá tra và cá ba sa. Do có lợi thế cạnh tranh mạnh trong việc sản xuất các mặt hàng này, các nhà XK của VN đã có thể đa dạng hoá mặt hàng XK sang một số thị trường khác. Ngoài ra, để đa dạng hoá thị trường, các nhà XK đã chuyển từ cá philê đông lạnh sang cá philê tươi có giá trị gia tăng cao hơn. Kết quả là, theo báo cáo của Bộ Thuỷ sản, ngành này vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh về doanh thu, số công ăn việc làm và lợi nhuận. Cũng giống như trường hợp cá philê đông lạnh, mặc dù thuế bán phá giá do Mỹ áp đặt có làm tăng chi phí đối với các nhà sản xuất và XK tôm của VN, nhưng nó không có tác động quá lớn đối với kết quả chung của ngành. Thay vì XK sang Mỹ, VN đã chuyển hướng XK sang các thị trường khác, đặc biệt là Nhật Bản, do đó ngành vẫn tiếp tục tăng trưởng về doanh thu, tạo công ăn việc làm và lợi nhuận cao.
Rất nhiều DNVN lo ngại về những thiệt hại đối với các mặt hàng sơ chế XK do các hoạt động chống bán phá giá của Mỹ. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các ngành đã bị áp thuế chống bán phá giá kể trên đã cho thấy VN có thể và nên cố gắng XK các sản phẩm có tính cạnh tranh sang nhiều thị trường khác nhau trên toàn thế giới, đa dạng hoá rủi ro thay cho việc chấp nhận dựa quá nhiều vào một thị trường cụ thể.
Theo Hanoinet
|