Thứ Sáu, 27/07/2007 09:50

Chiến lược tận dụng BTA: Chuyển “tĩnh” thành “động”

DĐDN đã đề cập đến vấn đề “Tận dụng BTA: Chưa có chiến lược khôn ngoan”. Mới đây, khi trò chuyện với DĐDN, PGS TS Trần Đình Thiên - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế VN trăn trở: Việc thực thi BTA đã mang lại những kết quả to lớn không ngờ. Nhưng liệu chúng ta đã có chiến lược đủ khôn ngoan để tận dụng hết lợi thế mà BTA mang lại?

Trong cuộc trao đổi với DĐDN, ông thẳng thắn: Chúng ta cần khách quan đánh giá những gì đã làm trong 5 năm thực hiện BTA, rút ra từ đó những bài học kinh nghiệm để đón nhận và tận dụng tốt nhất những cơ hội mới và rất lớn mà quá trình hội nhập đang mở ra.

- Thưa ông, chúng ta có lợi thế rất lớn khi thực thi BTA?

Đối với nước ta, có thể nói BTA là một thành công có tính chất đột phá. Nó tạo ra sự lan toả phát triển mạnh, thúc đẩy và khai thông một khâu quyết định trong quá trình VN gia nhập WTO, mở ra cho nền kinh tế nước ta nhiều cơ hội mới. Vai trò tích cực to lớn của BTA là không thể nghi ngờ.

Tuy nhiên, chúng ta còn có thể tận dụng tốt hơn cơ hội do BTA mở ra. Sau khi BTA được ký kết, bùng nổ XK vào Mỹ nhưng một phần đáng kể là kết quả của sự dịch chuyển từ các thị trường khác sang thị trường Mỹ. Mặt khác, có phần đóng góp rất lớn, thậm chí là nổi trội hơn của các DN có vốn đầu tư nước ngoài. So với các DN VN, các DN FDI đã chuẩn bị tốt hơn để đón nhận và tận dụng các cơ hội do thị trường Hoa Kỳ mang lại để thu lợi khi BTA được ký kết. Trên quan điểm kinh doanh, chính họ là những người gặt hái được lợi ích lớn nhất từ BTA. Trước đó, họ đã đổ xô đến VN đầu tư để "đón đầu". Khi BTA được ký, XK của họ sang thị trường Hoa Kỳ lập tức bùng nổ. Các DN VN đã có phần "chậm chân" hơn.

Tất nhiên, các DN của chúng ta cũng đã có sự nỗ lực lớn để tận dụng cơ hội do BTA mở ra. Bằng chứng là kim ngạch XK sang thị trường Hoa Kỳ không ngừng tăng qua các năm. Câu chuyện "catfish" (vụ kiện cá ba sa) là một minh họa tuyệt vời. Tôi nghĩ đây chính là một bài học rất đáng giá cho các DN VN khi đứng trước các cơ hội. Sắp tới, VN sẽ ký kết thêm nhiều hiệp định thương mại, đầu tư song phương, khu vực. Nhiều cơ hội mới sẽ được mở ra.

Các DN VN cần học tập kinh nghiệm của DN FDI trong việc săn đón các cơ hội, nỗ lực chuyển đổi cơ cấu để thích ứng với nhu cầu thị trường, cải thiện năng lực cạnh tranh trong việc đón bắt và tận dụng các cơ hội đầu tư.

- Nhưng ông đã từng băn khoăn: VN chưa có chiến lược đủ khôn ngoan để tận dụng thật tốt các cơ hội mà BTA mở ra?

Tôi lấy dệt may làm ví dụ, VN cần có chiến lược để thoát khỏi "cái bóng" gia công, vươn lên sản xuất các phụ liệu, các sản phẩm cao cấp, thậm chí có thể nghĩ đến việc đưa VN trở thành một trung tâm thời trang thế giới. Để làm được điều này, chắc chắn phải mất rất nhiều thời gian. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải xác định việc xây dựng chiến lược tạo dựng thương hiệu cho mình. Chiến lược này gắn với quá trình chuyển từ việc chỉ sử dụng lợi thế "tĩnh" sang việc tạo ra và sử dụng lợi thế "động". Trong cạnh tranh, VN có những lợi thế nhất định về tài nguyên thiên nhiên, lao động rẻ, dồi dào, phù hợp với những ngành thủ công, gia công. Tất nhiên, ta phải tận dụng tối đa những lợi thế so sánh đó.

Nhưng nếu không tạo thêm những lợi thế mới thì trong dài hạn đó là điều nguy hiểm. Bởi những lợi thế “tĩnh” không tồn tại vĩnh viễn và VN đang mất rất nhanh điều đó.

- Trên quan điểm tận dụng cơ hội của phía VN, ông có ý kiến gì đối với Chính phủ và DN?

Qua 5 năm thực hiện BTA, một điều rất rõ là trong khi kim ngạch XK tăng ngoạn mục thì cơ cấu XK của VN lại chưa được cải thiện đáng kể.

Nhìn nhận một cách khách quan, tôi xin lưu ý một sự trùng hợp: 5 năm thực hiện BTA cũng là 5 năm chỉ số năng lực cạnh tranh tăng trưởng của nước ta trong bảng xếp hạng của thế giới bị sút giảm mạnh. Mặc dù không thể đơn giản nói đến quan hệ nhân quả giữa BTA và sự tụt hạng, song có sơ sở để nói đến sự tác động giữa hai yếu tố này. Vấn đề đặt ra là tại sao có BTA mà năng lực cạnh tranh của VN lại bị tụt hạng? Rõ ràng, chúng ta đã không tận dụng tốt BTA để tăng năng lực cạnh tranh. Điều đó giải thích cho việc VN mới chỉ tăng được kim ngạc XK - sản lượng mà chưa cải thiện được cơ cấu - chất lượng. Theo tôi, cần phải có đánh giá sâu hơn về điều này.

Về phía Chính phủ cần tạo ra những điều kiện nền tảng chung thật tốt cho hoạt động kinh doanh, ví dụ hạ tầng giao thông, cung cấp năng lượng... Những cuộc đối thoại giữa các nhà làm chính sách và quản lý nhà nước với DN trong thời gian qua cho thấy vấn đề này đã có sự cải thiện đáng kể, song vẫn còn nhiều việc phải làm.

Bên cạnh đó, nhà nước cần tạo môi trường môi trường pháp lý nghiêm minh và hiệu lực, môi trường chính sách thuận lợi và bình đẳng giữa các khu vực DN. Cần tạo điều kiện để các DN tư nhân, nhất là các DN vừa và nhỏ, dễ dàng tiếp cận các thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính chính thức. Trên thực tế, tuy những rào cản chính thức đã giảm đi nhưng vẫn còn những rào cản vô hình, ví dụ như sự bất bình đẳng về tín chấp, thế chấp trong vay vốn, tiếp cận đất đai, thị trường thế giới giữa DN nhà nước và DN tư nhân.

Trên một mảnh đất màu mỡ, tại sao chúng ta cứ mải mê thâm canh tăng vụ cho mỗi một cây lúa độc canh truyền thống nhưng giá trị gia tăng thấp mà không nghĩ đến việc chuyển sang một loại sản phẩm khác có giá trị gia tăng cao hơn gấp bội khi các điều kiện đã mở ra?

Theo DDDN

Các tin tức khác

>   TNT đầu tư 7 triệu Euro cho dịch vụ phát chuyển nhanh tại VN (27/07/2007)

>   Đồng Nai: DN FDI đầu tiên được cấp phép theo "một cửa" (27/07/2007)

>   Hà Nội: Đấu thầu tư vấn dự án 15km đường sắt ngầm (27/07/2007)

>   Malaysia - Đối tác tiềm năng (27/07/2007)

>   Đức tiếp tục giúp Việt Nam sản xuất khoai tây (27/07/2007)

>   Tăng cường xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu (27/07/2007)

>   Thăng trầm dòng vốn FDI của ASEAN vào Việt Nam (27/07/2007)

>   Báo nước ngoài đánh giá cao sự phát triển kinh tế của VN (27/07/2007)

>   Hơn 4.270 tỷ đồng xây dựng cảng biển Phú Mỹ (27/07/2007)

>   Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện 2006 - 2015 (26/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật