Tăng cường xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu
Đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa đồng thời với việc kiềm chế nhập siêu đang được coi là giải pháp cấp bách để đạt mục tiêu tổng kim xuất khẩu trên 46,7 tỷ USD trong năm nay và phát huy hiệu quả xuất khẩu vào việc ổn định nền kinh tế.
Số liệu của Tổng Cục thông kê cho thấy, 7 tháng đầu năm cả nước đã nhập khẩu trên 32 tỷ USD trị giá các mặt hàng máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng. So với tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá cùng thời gian này là gần 26,8 tỷ USD, con số nhập siêu lên tới 5,2 tỷ USD.
Tốc độ gia tăng nhập siêu so với cùng kỳ năm trước tới 29,8%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 19,6% của kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng nhập khẩu chính có mức tăng cao vẫn là ô tô, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, xăng dầu.
Mặc dù vậy, bức tranh xuất khẩu chung vẫn có những điểm sáng với việc nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục đà tăng trưởng tốt, tới hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Câu lạc bộ đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD tháng 7 này đón nhận thêm thành viên mới là mặt hàng điện tử và máy tính với gần 1,1 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sáu mặt hàng khác vượt ngưỡng 1 tỷ USD là dầu thô, dệt may, giày dép, cà phê, sản phẩm gỗ và thủy sản. Mặt hàng gạo cũng đang có sự tăng tốc nhanh chóng với kim ngạch 7 tháng đạt 904 triệu USD và khả năng đạt trên 1 tỷ USD vào cuối năm là chắc chắn.
Những mặt hàng công nghiệp mới nổi lên gần đây vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng xuất khẩu cao, trong đó sản phẩm nhựa tăng 49%; dây và cáp điện tăng 47%; đồ chơi trẻ em tăng gần 41%.
Báo trước Quốc hội khóa XII trong kỳ họp thứ nhất đang diễn ra tại Hà Nội, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh đền một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan đặc biệt chú trọng tới các giải pháp khuyến khích xuất khẩu trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh và có thị trường như dệt may, giày dép, túi xách, cao su, hàng thủ công mỹ nghệ được yêu cầu thực hiện đồng thời với việc tăng cường khai thác nguồn nguyên liệu trong nước để góp phần giảm giá thành sản xuất và giảm dần sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Chính phủ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên chủ động có chiến lược và kế hoạch đầu tư kinh doanh, nhất là đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước; nâng cao vai trò của các hiệp hội.
Đồng thời, Chính phủ nhấn mạnh đến việc thúc đẩy, vận động tiêu chuẩn hóa và công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các đối tác thương mại thành viên của WTO, đặc biệt là các bạn hàng lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống kiểm dịch nhằm tránh thiệt hại cho hàng xuất khẩu của Việt Nam từ các hàng rào bảo hộ hiện đại.
TTXVN
|