Giá thép tăng: DN thép đối đầu các doanh nghiệp?
Trong cuộc trao đổi với DĐDN, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép VN đã phân bua: Xét đến cùng, DN thép cũng là một loại DN. DN thép cũng phải kinh doanh để kiếm lợi nhuận và cũng như tất cả các DN khác, chúng tôi cũng hoạt động theo nguyên tắc của kinh tế thị trường. Vì vậy, việc giá thép tăng trong thời gian qua cũng không nên đổ hết trách nhiệm cho các DN thép. Không nên đẩy các DN thép vào thế đối đầu với các DN khác”.
- Thưa ông, phụ thuộc vào phôi thép nhập khẩu là lý do thường được các DN sản xuất và kinh doanh thép đưa ra mỗi khi tăng giá. Trong khi đó, thời gian qua đã có hàng loạt dự án đầu tư sản xuất phôi thép được triển khai. Vậy trên thực tế, sự phụ thuộc này là như thế nào?
Đúng là trong nửa đầu 2007, đã có hàng loạt dự án sản xuất phôi thép được công bố, khởi công, tuy nhiên để đến khi các dự án này thực sự phục vụ thị trường còn cả một thời gian dài. Tính cho đến nay, lượng phôi trong nước mới tự túc được khoảng 50% (tính hết năm 2007) và trong những năm tiếp theo, con số này có thể tăng khi các nhà máy phôi đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, có một điều cần làm rõ, đó là phần lớn các nhà máy sản xuất phôi hiện nay đều sử dụng công nghệ lò điện, sử dụng thép phế (nhập khẩu) để sản xuất phôi thép. Vì vậy giá thành vẫn phụ thuộc vào giá chung của thế giới. Vì thế nói chúng ta đã tự túc được 50% vẫn chỉ là con số chung. Thực tế thì giá phôi thép vẫn phụ thuộc vào giá phôi thế giới và phải khoảng 3-4 năm nữa chúng ta mới có thể tự chủ được nguồn phôi. Đây chính là lý do khiến giá thép trong nước tăng mỗi khi giá phôi thế giới tăng.
- Vậy việc các DN tăng giá bán thép do giá phôi tăng là bình thường, thưa ông?
Đúng vậy. Vài tháng gần đây, giá phôi nhập khẩu đã tăng khá nhiều. Giá phôi thép bình quân năm 2006 chỉ là 389 USD/tấn thì con số này của tháng 6 đã là 513 USD/tấn. Như vậy giá phôi chênh lệch tương đương với 124 USD/tấn (khoảng 2 triệu đồng). Do vậy, việc giá thép hiện nay tăng so với cuối năm 2006 khoảng 2 triệu đồng/tấn là có cơ sở. Đó là chưa tính đến các yếu tố đầu vào khác như giá điện, xăng dầu, vận tải trong những tháng qua đều tăng.
Giá thép tăng chủ yếu do giá quặng thế giới tăng mạnh trong thời gian qua. Ba tập đoàn quặng lớn nhất thế giới (chiếm 71% lượng quặng toàn thế giới) gồm CVRD (Brazil) và Rio Tento, BHP Bilinton (Australia) đã liên kết lại để tăng giá lên tới 19%.
Ở đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, các DN sản xuất, kinh doanh thép cũng là một loại DN. Cũng như các DN xây dựng, chúng tôi cũng phải có dự phòng và chịu những rủi ro khi giá đầu vào tăng. Tất cả đều chịu sự chi phối của quy luật thị trường. Chính vì thế, không nên đẩy các DN thép vào thế đối địch với các DN khác. Không thể đổ hết trách nhiệm cho việc tăng giá lên đầu các DN ngành thép được vì bản thân chúng tôi cũng không thể khống chế giá các yếu tố đầu vào.
- Nhưng có ý kiến cho rằng có dấu hiệu các DN thép "găm" hàng để đẩy giá lên cao. Ngoài ra, nhiều DN thép đã nhập lượng lớn phôi từ khi giá còn thấp, nên đến giờ việc tăng giá là không hợp lý?
Như tôi đã nói ở trên, nếu làm theo cách tư duy này là trái với quy luật kinh tế thị trường. Đó là chưa kể tới phần lớn các DN thép của chúng ta hiện nay vẫn có quy mô nhỏ, do vậy lượng dự trữ không nhiều vì không đủ vốn để mua dự trữ lượng lớn khi giá phôi thấp. Thú thực, với vai trò Hiệp hội, chúng tôi chỉ sợ các DN lớn cậy mình trường vốn để dự trữ nhiều phôi và đến thời điểm này bán phá giá để cạnh tranh.
Ngoài ra, hiện nay trung bình mỗi tháng lượng thép tiêu thụ trên toàn thị trường khoảng 250-300 ngàn tấn. Vì vậy lượng thép tồn khoảng trên dưới 200 ngàn tấn là hoàn toàn bình thường. Đây là lượng dự phòng cần thiết để đối phó với các biến động trong khi một chu kỳ nhập khẩu phôi của DN phải mất trung bình khoảng 3 tháng. Thực ra, mức dự trữ này là thấp vì nếu đúng ra mức dự trữ ít nhất cũng phải tương đương với lượng tiêu thụ của 1 tháng. Đây cũng là một nguyên nhân của việc DN thiếu vốn.
- Có rất nhiều ý kiến cho rằng Hiệp hội Thép không quản lý được việc tăng giá của các DN và dự báo rằng giá thép có thể còn tăng nữa?
Đúng là nếu giá phôi thép tiếp tục tăng thì giá thép có thể sẽ tăng. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Còn về việc quản lý giá, Hiệp hội Thép theo dõi giá bán thép ở hai thị trường Hà Nội và TP HCM hàng tháng (có Ban Kiểm soát của HH). Nếu chúng tôi thấy bất bình thường thì mới có ý kiến trực tiếp hoặc tổ chức họp để bảo đảm tính hợp lý trong sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng. Hiệp hội không có quyền can thiệp vào giá bán của các Cy mà chỉ điều hành chung.
Giá bán do thị trường điều tiết và quan trọng hơn, nếu giá trong nước quá cao thì thép từ Trung Quốc sẽ vào VN vì hiện nay họ (Trung Quốc) đang thừa thép nên đẩy mạnh XK. Tôi chắc chắn rằng các DN trong nước cũng đã tính đến điều này. Vì vậy DN không dại gì thu lợi trước mắt để tạo điều kiện cho thép Trung Quốc lấn sân.
- Xin cảm ơn ông.
DĐDN
|