Thứ Năm, 26/07/2007 09:24

Kiềm chế giá tiêu dùng như thế nào?

Tiền phong đã có cuộc trao đổi với Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh về vấn đề kiềm chế giá tiêu dùng đang tăng cao.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng: Bảo đảm cung cầu hàng hóa để không tăng giá

Thưa ông, Chính phủ sẽ có những biện pháp nào đối với tình trạng giá tăng cao?

Quan trọng nhất là bảo đảm cung cầu về hàng hóa, nhất là những hàng hóa thiết yếu. Nếu đó là mặt hàng trong nước sản xuất thì phải điều hành sản xuất, nếu sản xuất không đủ thì cho nhập khẩu để đáp ứng cung cầu, tránh tình trạng “găm” hàng chờ lên giá để bán.

Thứ hai là, biện pháp kiểm soát giá cả hàng hóa, chống đầu cơ.

Thứ ba là, biện pháp liên quan đến tiền tệ, nếu giá cả lên nhiều quá thì chúng ta phải thông qua lượng tiền vào tiền ra, và thông qua lãi suất ngân hàng, để điều chỉnh giá cả... Tinh thần là Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt để giữ được tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 7,87%, để có thể đạt và vượt mức tăng trưởng kinh tế Quốc hội giao, 6 tháng cuối năm tăng trưởng kinh tế phải đạt trên 9%? Như vậy có thể đồng nghĩa với việc thời gian tới lạm phát sẽ “leo thang”?

Chúng ta hiện nay có mâu thuẫn là cần tăng trưởng nhanh để có của cải giải quyết công bằng xã hội, để có nguồn thu chi tiêu cho các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo... Nhưng tăng trưởng nhanh sẽ gắn với lạm phát. Chúng ta phải giải quyết mâu thuẫn đó.

Nếu Chính phủ kìm tăng trưởng lại thì nguồn lực thiếu đi, còn nới ra quá mức thì giá cả lại lên. Cái khó của Chính phủ chính là việc lựa chọn phương án tối ưu nhất để điều hành, trong đó nếu tăng trưởng kinh tế cả năm là 8,5% mà mức lạm phát dưới 8%, coi như Chính phủ điều hành thành công.

Có thể nói rằng kiềm chế tốc độ tăng giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định đời sống nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2007.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Nếu giá xăng dầu thế giới lên sẽ điều chỉnh thuế trong nước

Trả lời Tiền phong về vấn đề chỉ số giá tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói:

Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2007 tăng 5,2%, cao hơn cùng kỳ năm trước (4%), nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân.

Tới đây, Chính phủ sẽ quyết liệt trong điều hành kinh tế cả về vĩ mô lẫn vi mô. Về vĩ mô là các đảm bảo cân đối tiền tệ, cân đối tín dụng, cân đối ngân sách, cân đối hàng hóa...

Làm sao giữ được chỉ số giá tiêu dùng như quyết định của Quốc hội. Trong đó có mấy biện pháp rất quan trọng là: điều hòa lãi suất và tỷ giá; hút nguồn vốn ngoại tệ bên ngoài vào; phát hành trái phiếu để làm sao cân đối cung cầu về tiền tệ và tín dụng.

Chính phủ vừa phải thu hút ngoại tệ về để tăng dự trữ, mặt khác cũng phải có những giải pháp như phát hành trái phiếu Chính phủ... Hiện trái phiếu Chính phủ phát hành rất tốt. Ngoài ra, Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư, giải ngân, để thu hút các nguồn vốn đó. Ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp thị trường mở để làm sao điều hòa cân đối tiền tệ trên thị trường...

Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII, nêu tình hình giá cả trong 6 tháng đầu năm chịu tác động của giá thế giới, trong đó các mặt hàng xăng dầu, thép, nhựa, lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng cao..., thưa Bộ trưởng?

Nhập khẩu 6 tháng đầu năm tương đối lớn, chủ yếu là nhập nguyên vật liệu, nhiên liệu dùng cho sản xuất. Để cân đối, 6 tháng cuối năm chúng ta phải tính toán lại sao cho phù hợp...

Nếu như giá trong nước tăng là do giá thế giới lên, Chính phủ sẽ điều hành bằng nhiều biện pháp, trong đó có kết hợp với điều chỉnh thuế trong nước, sao cho giá cả không tăng đột biến.

Ví dụ như mặt hàng xăng dầu, nếu giá quốc tế tăng cao thì thuế chúng ta phải hạ xuống, để làm sao xăng dầu trên thị trường trong nước không biến động mạnh tác động đến sản xuất và tiêu dùng.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Từng bước nâng dần mức lương tối thiểu chung

Phạm vi của Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2007 – 2010, bao gồm: từng bước nâng dần mức lương tối thiểu chung, tiến tới thực hiện thống nhất lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp; điều chỉnh mở rộng quan hệ tiền lương và hoàn thiện thang, bảng lương, chế độ phụ cấp; cải cách tiền lương phải đồng bộ với cải cách hành chính và đổi mới khu vực sự nghiệp; tiếp tục làm rõ và thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quản lý tài chính, biên chế và trả lương của các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ cải cách bảo hiểm xã hội và chính sách trợ cấp ưu đãi người có công, nhưng có sự độc lập tương đối với cải cách tiền lương.

Nguồn: Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ.

TP

Các tin tức khác

>   Gần 7,5 tỷ vốn FDI vào Việt Nam từ đầu năm (26/07/2007)

>   Giá cả vẫn “lù lù” tiến lên! (26/07/2007)

>   SAP SummIT lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (26/07/2007)

>   Những doanh nghiệp nào sản xuất nước tương sạch và an toàn? (26/07/2007)

>   Khuyến khích DN nước ngoài đầu tư phát triển nguồn điện (26/07/2007)

>   Tập đoàn đóng tàu Nhật mở công ty thiết kế tại VN (26/07/2007)

>   Kim ngạch xuất khẩu của VN sang Inđônêxia tăng 70% (26/07/2007)

>   Thủ tướng: Tập trung thực hiện kế hoạch phát triển năm 2007 (26/07/2007)

>   7 nhóm hàng xuất khẩu đã vượt 1 tỷ USD (25/07/2007)

>   Bỏ của, chạy lấy người: Thêm một doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng chấm dứt hoạt động (25/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật