Thứ Sáu, 27/07/2007 10:24

Giá tăng vùn vụt, người tiêu dùng hụt hơi

Thị trường vừa trải qua một đợt điều chỉnh giá quy mô lớn hồi cuối tháng 6 đầu tháng 7 với mức: hàng thực phẩm tăng 5%-7%, hóa mỹ phẩm tăng 5%-20%, sữa bột tăng 5%-10%... Người tiêu dùng chưa kịp thích nghi với mức giá này thì giá một số mặt hàng, đặc biệt là các loại lương thực thực phẩm, sữa lại âm thầm leo thang.

Đã, đang và sẽ còn tăng

Từ đầu tháng đến nay, giá cả nhiều mặt hàng liên tục điều chỉnh lên, nhất là các mặt hàng dầu ăn, thực phẩm tươi sống, đóng hộp... Ở chợ sỉ TPHCM, giá các loại gạo 15% tấm, 25% tấm Long An, gạo thơm Thái, thơm Đài Loan tăng thêm 100 đồng - 250 đồng/kg; giá đường cũng tăng 100 đồng - 500 đồng/kg. Gần đây nhất, Công ty Vissan điều chỉnh giá một số loại xúc xích và đồ hộp lên 5% - 10%. Một số công ty sữa cũng vừa báo giá sẽ tăng thêm 8% - 10% vào cuối tháng 7, đầu tháng 8. Cụ thể, từ ngày 28-7, 20 loại sản phẩm của hãng Dumex sẽ đồng loạt tăng từ 6.000 đồng – 23.000 đồng/hộp. Từ ngày 1-8, 32 sản phẩm Mead Johnson tăng thêm 20.000 đồng – 96.000 đồng/hộp. Các nhãn hiệu Dutch Lady, Lothamilk... cũng sẽ tăng giá sữa thêm 3.000 đồng – 20.000 đồng/sản phẩm.

Một trong những nhóm hàng đã tăng giá mạnh, nay vẫn còn tiếp tục tăng là nhóm hàng vật liệu xây dựng, đặc biệt là sắt thép. Giá thép xây dựng tại thị trường TPHCM lại vừa tăng thêm 150.000 đồng/tấn so với đầu tháng (thép cuộn hiện 10,35 triệu đồng/tấn, thép cây 10,45 triệu đồng/tấn)...

Vẫn còn “té nước theo mưa”

Trước tình trạng hụt hơi chạy theo giá cả, nhiều người bắt đầu đặt vấn đề: Vì sao giá tiêu dùng tăng liên tục?

Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc Citimart, nhìn nhận: “Hầu hết nhà cung cấp tăng giá bán hàng là do giá nguyên phụ liệu đầu vào (trong nước và cả trên thế giới), giá xăng, giá điện... đồng loạt tăng, doanh nghiệp không kham nổi nên phải điều chỉnh giá”. Đối với một số ngành hàng, nhận xét này là chính xác, nhất là nhóm hàng thép và giày dép nhựa. Theo tính toán của một doanh nghiệp sản xuất thép lớn tại TPHCM, giá thành sản xuất một tấn thép hiện nay là 10,7 triệu đồng (cao hơn giá bán hiện nay). Nhưng đơn vị có quy mô nhỏ thì giá thành còn cao hơn. Còn với giày dép nhựa, gần 50% cơ sở sản xuất giày dép nhựa phải ngưng hoạt động vì giá nguyên liệu, thuế cao; giá xăng, điện và các chi phí khác tăng... sản phẩm làm ra giá cao hơn hàng Trung Quốc cùng loại, không thể cạnh tranh nổi...

Tuy nhiên, một thực tế khác là vẫn có hiện tượng “té nước theo mưa”, chủ yếu tập trung ở nhóm hàng tiêu dùng hằng ngày như lương thực, thực phẩm, sữa...

Thông tin về dịch bệnh làm người tiêu dùng quay lưng với thịt heo, gà, vịt và chuyển qua mua rau củ quả, tôm cá. Mặc dù cung đủ cầu nhưng vì sức mua tăng mạnh nên giá những mặt hàng này tăng chóng mặt. Sáng 26-7, giá nhiều mặt hàng thủy hải sản, thực phẩm tươi sống ở chợ sỉ TPHCM đã giảm 1.000 đồng – 4.000 đồng/kg nhưng tại các chợ lẻ, giá vẫn rất cao.

Giá sữa bột nguyên liệu thế giới cuối năm ngoái khoảng 2.800 USD- 3.000 USD/tấn, tháng 7-2007 tăng lên 5.500 USD- 5.700 USD/tấn (chưa tính thuế, chi phí vận chuyển). Nhưng theo một chuyên gia ngành sữa, các hãng sữa lớn có tiềm lực tài chính thường ứng trước 10% cho nhà cung cấp nguyên liệu (thường vào tháng 10 hằng năm) để ký hợp đồng cả năm với mức giá ổn định. Như vậy cho đến hết tháng 10-2007, nhiều hãng sữa vẫn mua nguyên liệu giá từ 2.800 USD-3.000 USD/tấn. Nhưng từ đầu năm, khi giá nguyên liệu thế giới tăng thì họ ùn ùn đẩy giá lên 10%-20%... và hiện vẫn tiếp tục tìm cơ hội để tăng giá thêm.

Sẽ quyết liệt trong kiểm soát giá

Đối diện với nguy cơ lạm phát, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ sẽ quyết liệt trong điều hành cả vi mô và vĩ mô về giá cả. Chính phủ vừa phải thu hút ngoại tệ về để tăng dự trữ, mặt khác cũng sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành biện pháp thị trường mở nhằm điều hòa cân đối tiền tệ trên thị trường để không gây tác động đến giá cả. “Điều hòa hàng hóa để thị trường không thiếu hàng cũng là một biện pháp quan trọng, nếu thấy cần thiết Chính phủ có thể cho nhập thêm hàng hóa để bảo đảm đáp ứng yêu cầu ngay” - ông Ninh nói.

Một quan chức của Cục Quản lý giá cũng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành khác tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, không để các chủ thể sản xuất kinh doanh lợi dụng sự biến động của thị trường để tăng giá bất hợp lý.

Theo NLĐ

Các tin tức khác

>   Xây dựng xong Khu vực mậu dịch thương mại tự do ASEAN vào năm 2020 (27/07/2007)

>   Xi măng Hoàng Thạch: Chú trọng đầu tư (27/07/2007)

>   Chiến lược tận dụng BTA: Chuyển “tĩnh” thành “động” (27/07/2007)

>   TNT đầu tư 7 triệu Euro cho dịch vụ phát chuyển nhanh tại VN (27/07/2007)

>   Đồng Nai: DN FDI đầu tiên được cấp phép theo "một cửa" (27/07/2007)

>   Hà Nội: Đấu thầu tư vấn dự án 15km đường sắt ngầm (27/07/2007)

>   Malaysia - Đối tác tiềm năng (27/07/2007)

>   Đức tiếp tục giúp Việt Nam sản xuất khoai tây (27/07/2007)

>   Tăng cường xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu (27/07/2007)

>   Thăng trầm dòng vốn FDI của ASEAN vào Việt Nam (27/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật