Xây dựng cách ứng xử đối với thông tin tài chính đa dạng, đa chiều
Trong Bản nghiên cứu đánh giá thị trường đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản), Bộ phận nghiên cứu, phân tích thị trường của Merrill Lynch (ML) đưa ra khuyến nghị nên rút vốn khỏi thị trường Việt Nam để đầu tư sang thị trường Trung Quốc.
Theo đó, ML chỉ ra 3 lý do chính. Thứ nhất, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã tăng 145% năm 2006, sau 2 năm đạt mức tăng trưởng 85% mỗi năm và đạt mức tăng 55% tính đến thời điểm tháng 3/2007. Theo ML, chỉ số chứng khoán 1.000 điểm là mức chống đỡ tâm lý và sẽ khó tiếp diễn. Thứ hai, các DN Việt Nam hiện có thói quen phát hành cổ phiếu mới và điều này khiến cho tốc độ tăng trưởng của EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) chỉ dao động khoảng 10%. Và thứ ba, ML đề cập khả năng Chính phủ Việt Nam sẽ khuyến nghị thay đổi thời gian thực hiện các đợt IPO của các tập đoàn lớn và ngân hàng để tránh tình trạng các đợt IPO này diễn ra cùng một thời điểm... Dư luận không khỏi bất ngờ về những khuyến cáo của ML, một tổ chức tài chính uy tín trên thế giới, nhất là khi chính tổ chức này hồi tháng 2/2006 đã từng có một báo cáo khuyên nhà đầu tư hãy vào TTCK Việt Nam, mua và "ngủ" 10 năm sẽ có lợi nhuận lớn. Vậy nhà đầu tư Việt Nam nên đón nhận báo cáo mới của ML như thế nào?
ĐTCK-online xin giới thiệu quan điểm của một số chuyên gia về vấn đề này.
Ông Tô Hải, Giám đốc Chi nhánh Công ty Chứng khoán Bảo Việt TP. HCM (BVSC)
Sau khi đưa ra báo cáo lạc quan vào tháng 2/2006, nhân sự của ML đã sang Việt Nam một tháng sau đó và mở tài khoản tại BVSC cho ML và một số khách hàng của ML. Tháng 10/2006, ML tiếp tục bảo vệ quan điểm đầu tư tại Việt Nam. Nhưng kể từ khi mở tài khoản đến nay, khách hàng của ML đã giải ngân kha khá trong khi ML lại hầu như không giải ngân. Với báo cáo về chiến lược đầu tư tại châu Á vào tháng 7/2007, quan điểm của ML về cơ hội đầu tư tại Việt Nam có nhiều thay đổi, có thể là do nhóm nhân sự làm báo cáo lần này có quan điểm khác so với nhóm làm hai báo cáo trước đây. BVSC hiện cũng đang thảo luận thêm với nhóm làm báo cáo lần này của ML để tìm hiểu.
Cá nhân tôi vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường 6 tháng cuối năm 2007 và khả năng VN-Index trên 1.000 điểm là khá chắc chắn, trong khi khả năng VN-Index giảm xuống dưới 900 điểm là rất khó. Với những báo cáo gần đây của IMF, HSBC và ML, nhà đầu tư trong nước rất quan tâm, nhưng các tổ chức đầu tư nước ngoài lại có quan điểm riêng của họ. ML lo ngại việc doanh nghiệp Việt Nam tăng vốn quá nhanh có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tính trên cổ phiếu (EPS), nhưng việc doanh nghiệp Việt Nam giữ được chỉ tiêu EPS không giảm trong giai đoạn tăng vốn nhanh cũng đã là thành công. Tại BVSC, hai tổ chức có khoản đầu tư khá lớn trong thời gian qua là JP Morgan và Deustch Bank đều khá lạc quan với cơ hội trung và dài hạn.
Ông Dominic Scriven, Giám đốc Công ty Dragon Capital
Sau nhiều báo cáo của IMF, HSBC và ML gần đây, chúng ta phải bắt đầu quen với việc các tổ chức sai sót từ phép cộng trừ nhân chia. Về báo cáo của ML, tôi nghĩ phải xem cách mà họ làm báo cáo và họ làm báo cáo cho ai đọc.
ML là những người ngồi ở trung tâm của thị trường vốn thế giới và nhìn ra các nước, góc nhìn của họ khác với chúng ta. Thị trường vốn quốc tế là nơi các dòng vốn luôn chạy nhanh theo cơ hội. Tại đây, các ông lớn như ML và những ngân hàng đầu tư quốc tế dùng uy tín của mình để tư vấn và đưa ra các gợi ý chiến lược như báo cáo của ML lần này. Quan điểm của ML là quan điểm đầu tư phổ biến với một định chế đồng thời đầu tư tại nhiều nước với tầm nhìn "dài hạn" từ 6 tháng đến 1 năm và danh mục đầu tư bao gồm những khoản mục chạy theo cơ hội. Có thể ML thấy cơ hội của Việt Nam năm 2006 quá hấp dẫn còn cơ hội năm nay không quá hấp dẫn nữa, nên họ chuyển vốn đi đâu đó rồi rất có thể lại chuyển vốn đến Việt Nam sau 6 tháng sau nữa.
Tôi có ý kiến nhiều lần rằng, Việt Nam cần nghiên cứu các nhà đầu tư nước ngoài là ai và tầm nhìn thế nào, vì không phải ai cũng giống những nhà đầu tư ở Việt Nam hiện nay. Tôi không hiểu rõ về thị trường Trung Quốc, nhưng theo tôi được biết thì chứng khoán Trung Quốc thời gian qua tăng nóng và còn đắt hơn chứng khoán Việt Nam. Việc ML khuyên bán chứng khoán Việt Nam và mua chứng khoán Trung Quốc cũng có thể liên quan đến quyền lợi của họ, bởi vì trong vai trò của mình, ML có thể được hưởng phí mỗi khi khách hàng mua và bán.
Cũng có một số yếu tố khách quan rằng, các tổ chức như HSBC, ML, IMF có lẽ đầu tư không đủ thời gian và công sức cho các bản báo cáo. Dragon Capital có đội ngũ 20 người quanh năm chỉ chuyên phân tích doanh nghiệp, trong khi các chuyên gia của những tổ chức kia chỉ bay đến Việt Nam có vài ngày. Phía các CTCK Việt Nam không đủ thông tin cho họ và thực sự văn hóa kinh doanh của người Việt cũng khác, kế hoạch lợi nhuận được trình trước Đại hội đồng cổ đông thường thấp hơn nhiều so với mức mà các thành viên hội đồng quản trị dự tính sẽ đạt được… Và để hiểu được những khác biệt này thì cần phải có thời gian.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tài chính Dầu khí
Tôi chưa đọc báo cáo mới của ML, nhưng về nguyên lý tôi thấy khó có thể chấp nhận quan điểm rằng, TTCK Việt Nam không còn hấp dẫn. Thứ nhất, với thị trường của mình, thời gian qua những sản phẩm lên sàn chưa phải là sản phẩm tốt nhất, nên quy mô thị trường còn rất nhỏ. Tới đây, nhiều sản phẩm tốt sẽ chào sàn, nên tính hấp dẫn sẽ tăng lên nhiều. Thứ hai, thời gian vừa qua, nhà đầu tư cá nhân Việt Nam tham gia thị trường chưa chuyên nghiệp làm cho giá lên quá cao, giá điều chỉnh là tất yếu, không thể tăng mãi như thế nữa. Tóm lại, về tương lai thị trường có nhiều tín hiệu tốt, chưa có gì đáng thất vọng.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc TTGDCK Hà Nội
HSBC, ML, IMF là các tổ chức tài chính chuyên nghiệp, đồng thời là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ có nghiên cứu, có quan điểm riêng, nhưng mình là nhà đầu tư, cần phải hiểu thị trường của mình. Có những vấn đề về thể chế, kinh tế chính trị, chắc chắn người VN hiểu rõ hơn, nói như thế nhưng vẫn nên tôn trọng phương pháp luận của họ.
Tôi không bình luận về báo cáo này, nhưng xin kể ra đây một ví dụ để cùng nhìn nhận. Chủ tịch Hội đồng quản trị PVFC cho biết, khi xác định giá trị doanh nghiệp, Công ty trình lãnh đạo tập đoàn hai phương án, cả hai đều tốt, nhưng chênh nhau tới 1.000 tỷ đồng. Ví dụ này cho thấy, cùng một dữ liệu đầu vào, nhưng khi hệ thống giả thiết khác nhau thì kết quả khác nhau. Vì vậy, nên xem xét thông tin một cách thận trọng.
Ở Việt Nam hiện nay còn thiếu các tổ chức phân tích chuyên nghiệp, thiếu hệ thống tư vấn và đưa ra các báo cáo về thị trường một cách độc lập. Nếu có những tổ chức này, họ sẽ cung cấp những nhận định đa chiều và khi thị trường có nhiều tiếng nói thì nhà đầu tư sẽ có cơ hội nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau.
Ông Nguyễn Sỹ Hồng, Luật sư Đoàn Luật sư Nghệ An
Dưới góc độ lý luận pháp lý, tôi xin chia sẻ một số nhìn nhận về báo cáo mới của ML như sau:
Tại Anh, theo bộ Các chuẩn mực về an toàn dành cho các ngân hàng, các hội nhà cửa (một dạng tổ chức tín dụng), các quỹ đầu tư thì một tổ chức dịch vụ tài chính phải nhận thức rằng, thông tin mà họ cung cấp nếu sai sót hay cẩu thả sẽ là trọng yếu nếu thông tin đó thay đổi hay ảnh hưởng đến việc đánh giá hay ra quyết định của người sử dụng.
Bản báo cáo của ML được công bố rộng rãi thông qua các chi nhánh hoặc đại diện của họ tại các quốc gia mà ML có sự hiện diện thương mại, nên nó bị luật pháp và các quy định về thông tin tài chính tại nhiều thị trường điều chỉnh. Tại bản báo cáo này, ML đã khuyến cáo nội dung đề cập chỉ mang tính tham khảo cho thấy, khách hàng của ML không nên dựa duy nhất vào thông tin tại đây để ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, bản thân ML cũng khuyến cáo các khách hàng về khả năng xung đột lợi ích giữa ML (với tư cách là ngân hàng đầu tư) với các công ty có tên trong báo cáo. Các khuyến cáo của ML dành cho khách hàng của mình còn dựa trên cơ sở cơ cấu danh mục đầu tư của khách hàng, các chỉ số kinh tế và mục tiêu đầu tư... Vì thế, báo cáo không hoàn toàn phù hợp với các đối tượng không phải là mục tiêu phục vụ của ML.
Thực tế, báo cáo của ML hay những tổ chức tài chính quốc tế khác về TTCK Việt Nam thực sự là quá ít so với con số không thể đếm được về số bản báo cáo, nghiên cứu, phân tích được cung cấp hàng ngày tại thị trường tài chính quốc tế. Vì vậy, với nhà đầu tư Việt Nam thì đây có thể là một sản phẩm thông tin hiếm có, những với nhà đầu tư nước ngoài thì báo cáo của ML hay các tổ chức khác cũng chỉ là một trong số rất nhiều dạng tài liệu tham khảo.
Theo tôi, nhà đầu tư Việt Nam cần làm quen, xây dựng cách ứng xử đối với các thông tin tài chính đa dạng và đa chiều. Nói cách khác, NĐT nên tự bảo vệ mình trước các thông tin nhạy cảm bằng việc nâng cao năng lực nhận thức, phân tích, kỹ năng sử dụng tư vấn, đa dạng hóa kênh thông tin. Cũng cần lưu ý là tại Việt Nam, hiện chưa có quy định pháp lý cụ thể nào về khung pháp lý cũng như kiểm soát nội dung đối với báo cáo hay thông tin mà các tổ chức dịch vụ công bố, ngoại trừ trường hợp có dấu hiệu cho thấy có biểu hiện lũng đoạn thị trường thì sẽ bị xử lý theo các quy định về công bố thông tin và vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
ĐTCK
|