Thứ Ba, 17/07/2007 08:09

10 năm phát triển, tổng công suất điện chỉ tăng... 8.000MW

Từ năm 1996 đến nay, Việt Nam đã có 2 Tổng sơ đồ phát triển Điện lực (1996-2000 có xét triển vọng đến 2010 và 2001-2010 có xét triển vọng đến 2020) gọi tắt là Tổng sơ đồ điện IV và V. Không hoàn thành những mục tiêu vạch ra trong Tổng sơ đồ, nhất là về phát triển nguồn, chính là lý do gây nên tình trạng thiếu điện kéo dài.

Theo Tổng sơ đồ phát triển Điện lực Việt Nam giai đoạn 1996-2000 có xét triển vọng đến 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/9/1997 đã nêu rất rõ tình trạng vận hành của hệ thống điện trong giai đoạn 1996-2000 là hết sức căng thẳng, sự chậm trễ trong tiến độ xây dựng cũng như phục hồi các nguồn điện đều có thể dẫn tới cắt giảm cung cấp điện.

Với nhận định như vậy nên chương trình phát triển nguồn điện trong Tổng sơ đồ cũng đã đưa ra các tính toán về công suất tăng thêm trong giai đoạn 1996-2010 là 15.261 MW, với chương trình phát triển nguồn này đến 2010 tổng công suất các nhà máy điện của Việt Nam sẽ đạt khoảng 19.000 MW, không kể các nhà máy điện sẽ thanh lý trong quá trình phát triển, trong đó công suất thuỷ điện chiếm 47% (9.000MW), công suất nhiệt điện và tua bin khí phủ đỉnh chiếm 53%.

Vậy nhưng suốt từ 1996 đến nay cả nước mới đạt tổng công suất đặt của toàn hệ thống là 12.200 MW và công suất khả dụng chỉ khoảng 10.200 MW (năm 1996 tổng công suất đặt là 4.435 MW) như vậy trong vòng 10 năm mới tăng thêm gần 8.000MW.

Xem xét các dự án nguồn điện cụ thể, thì thấy không ít dự án đã hoàn thành quá chậm so với kế hoạch đề ra.

Chẳng hạn theo Tổng sơ đồ điện IV thì kế hoạch đưa Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh (tổ máy I) 300 MW vào hoạt động từ năm 1999-2000, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Bên cạnh đó Dự án Thuỷ điện Đại Ninh 300 MW theo dự kiến đưa vào hoạt động từ 2000-2002 nhưng đến 2003 mới khởi công và phải tới 2008 mới có thể hoạt động. Phần đuôi hơi Phú Mỹ 2.1 dự kiến đưa vào vận hành 200-2001 cũng không thành hiện thực, chậm tới năm 2003 mới xong...

Tiếp đến với Tổng sơ đồ V, cũng ghi rất rõ từ 2001 đến 2010 cần xây dựng mới và mở rộng 37 nhà máy điện với tổng công suất khoảng 12.400MW trong đó có 22 nhà máy thuỷ điện tổng công suất khoảng 4.000MW, 8 nhà máy nhiệt điện khí và nhiệt điện ngưng hơi khoảng 5.200MW và 7 nhà máy nhiệt điện than 3.200MW. Với chương trình này đến 2010 tổng công suất các nhà máy điện ở nước ta là hơn 20.500MW, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải ở mức 16.033 MW và dự phòng 28,4% vào mùa nước, 12,7% vào mùa lũ. Nhưng như đến nay tổng công suất như đã nói, mới có 12.200 MW và công suất dự phòng thì hoàn toàn không có.

Với Tổng sơ đồ V cũng có nhiều dự án nguồn điện thực hiện rất chậm so với tiến độ đề ra, điển hình là Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng I, công suất 300MW dự kiến vận hành năm 2005, nhưng đến nay mới đang phát thử nghiệm, chậm 2 năm. Rồi Nhiệt điện than Ninh Bình công suất 300MW dự kiến đưa vào hoạt động 2007 nhưng nay còn đang vướng mắc với địa phương về địa điểm đặt nhà máy. Nhiệt điện Hải Phòng 600MW dự kiến hoạt động 2006-2007 cũng chưa thấy đâu...

Hệ thống điện của Việt Nam đã luôn trong tình trạng căng thẳng suốt từ năm 1996 đến nay, điều đó ai cũng biết và để giải quyết vấn đề này thì việc quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu của đất nước là điều cần thiết. Và chính vì vậy mà các Tổng sơ đồ điện đã được xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu xem xét 2 Tổng sơ đồ điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì thấy có nhiều nhận định, đánh giá, dự báo về nhu cầu sử dụng điện theo kịp từng giai đoạn, nhưng việc phát triển các nguồn điện để đáp ứng nhu cầu này thì không theo kịp.

Một số ý kiến cho rằng đến nay thiếu điện chỉ còn biết kêu gọi tiết kiệm điện và cắt điện là do đã không xem xét ngược lại việc thực hiện phát triển nguồn điện, lưới điện có đúng theo các Tổng sơ đồ điện đã vạch ra không, vì sao không thực hiện được? Tổng sơ đồ điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là căn cứ để thực hiện phát triển hệ thống điện, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, nếu thực hiện đúng như kế hoạch thì có lẽ tình trạng thiếu điện đã không còn căng thẳng như hiện nay.

VNN

Các tin tức khác

>   Việt Nam đứng gần cuối bảng về cạnh tranh CNTT (17/07/2007)

>   Bình gas giả tràn ngập thị trường (17/07/2007)

>   Phạt nặng, nếu đưa ra thị trường hàng xuất khẩu bị trả lại (17/07/2007)

>   TP.HCM: đường tiếp tục tăng giá (17/07/2007)

>   Xây dựng cảng biển trị giá 165 triệu USD (17/07/2007)

>   Dự báo: Quý III, nhiều nhóm hàng “đồng diễn” kịch bản tăng giá (16/07/2007)

>   Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hơn 460 triệu USD vào Lào (16/07/2007)

>   Xuất khẩu muối có thể đạt 800.000USD (16/07/2007)

>   Bay từ Việt Nam đến Bangkok chỉ mất 19USD (16/07/2007)

>   Sóng từ các trạm thông tin di động trong giới hạn cho phép (16/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật