Thứ Hai, 16/07/2007 23:24

Dự báo: Quý III, nhiều nhóm hàng “đồng diễn” kịch bản tăng giá

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, so với quý II/2007, tình hình giá cả quý III tiếp tục có những biến động tăng. Dự báo quý III chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm khoảng 1,4%, tính chung cả 3 quý giá tiêu dùng tăng so với tháng 12/2006 khoảng 6,1%. Mức tăng có xu hướng ổn định trong tháng 7 và 8, tuy nhiên sẽ tăng cao trong tháng 9. Những nhóm hàng có khả năng tăng giá cao nhất gồm giáo dục, gạo, thực phẩm và dịch vụ ăn uống, du lịch

Bên cạnh đà tăng nóng của một số nhóm hàng hoá, trong quý III còn có một số yếu tố gây bất lợi đến thị trường trong nước như: Dịch cúm gia cầm có khả năng bùng phát mạnh mẽ, cả nước bước vào mùa bão lụt. Đây chính là những yếu tố sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực, thực phẩm trên thị trường. Mặt khác, giá cả trên thế giới vẫn tiếp tục biến động, trong đó, nhiều nhóm mặt hàng quan trọng dự báo vẫn còn tăng nhẹ như xăng, phân bón... Điều này sẽ tạo ra sức ép lên giá cả một số mặt hàng trong nước.

Điển hình nhất trên phương diện này có lẽ là những tác động cơn sốt nóng giá gạo thế giới có nhiều dấu hiệu là sẽ vẫn tiếp tục cho đến hết năm nay. Theo số liệu thống kê của IMF, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng từ 309,3 USD/tấn tháng 12/2006 lên 322,3 USD/tấn trong tháng 4 vừa qua. Kéo theo đó là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bình quân trong 6 tháng qua đã đạt kỷ lục 313,49 USD/tấn, tăng 14,31% so với cùng kỳ năm 2006. Xét trên bình diện rộng hơn, trong bối cảnh “hậu El’ Nino” hiện nay, việc giá gạo nói riêng và giá nông sản thế giới nói chung sẽ còn tiếp tục leo thang là đ ương nhiên. Trong điều kiện như vậy, “kịch bản” giá nông sản trong nước liên tục nóng lên giống như năm “El’ Nino thế kỷ” 1998 và cũng chính là năm giá tiêu dùng sốt nóng kỷ lục trong vòng 8 năm 1996-2003 đã, đang và sẽ còn tiếp tục lặp lại trong năm nay là điều khó tránh khỏi.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng sẽ tăng mạnh trong quý này do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng từ ngày 7/5, đến thời điểm này giá hàng hoá sẽ bắt đầu tăng sau một thời gian các nhà sản xuất và phân phối nghe ngóng tình hình. Mặt khác, trước tình trạng dịch cúm gia cầm bất ngờ tái bùng phát vào quý II và vẫn chưa thể dập tắt được trong III, nguy cơ nguồn cung thực phẩm trên thị trường trong quý này sẽ khan hiếm, khiến giá cả nhóm hàng thực phẩm và dịch vụ ăn uống tăng. Dự đoán giá hàng lưu thông tăng khoảng 5-7%. Cùng với nguyên nhân tăng giá xăng dầu, nhóm chỉ tiêu phương tiện đi lại, bưu điện cũng có thể tăng giá, đặc biệt phương tiện đi lại bằng taxi.

Từ tháng 8 và đặc biệt là tháng 9, do bước vào mùa học hè và khai giảng năm học mới nhu cầu mua sắm tăng cao nên cũng như tiền lệ, giá cả nhóm hàng giáo dục (sách vở, đồ dùng học tập) được dự báo là sẽ tăng cao nhất trong quý III.

Theo phân tích của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, lĩnh vực dịch vụ trong quý III dự báo sẽ tăng trưởng mạnh. Nối tiếp quý II, trong những tháng cuối năm sẽ diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch như: Hội thảo Nhịp cầu xuyên á và các hoạt động du lịch nhân dịp 27/7; lễ hội biển Cửa Tùng; Hội nghị Lãnh đạo các Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN - NTOs, chuẩn bị Diễn đàn du lịch ATF 2009 (tháng 7/2007); các hoạt động xúc tiến du lịch tại Đồng bằng Sông Cửu Long và công tác chuẩn bị Năm du lịch 2008 tại Cần Thơ với chủ đề Miệt vườn Sông nước Cửu Long (quý III); Festival Hoa Đà Lạt (tháng 12/2007) và một số sự kiện khác. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động xúc tiến ngoài nước: Hiệp hội du lịch chủ trì tham gia xúc tiến du lịch tại Vladivostok và phối hợp với Hàng không Việt Nam tham gia Hội chợ Otdukh-Leisure vào tháng 9/2007; Hội chợ JATA tại Nhật Bản (tháng 9/2007); Hội chợ du lịch Côn Minh (tháng 11/2007); Hội chợ WTM tại Anh, các hoạt động quảng bá du lịch tại Mỹ... Đây cũng là khoảng thời gian đang trong mùa du lịch, vì vậy quý III hứa hẹn sự phát triển khá sôi động của lĩnh vực du lịch, thu hút lượng khách trong nước và quốc tế cao hơn so với quý II. Trong khi đó, nguồn cung phòng khách sạn lại có hạn, giá thực phẩm cũng tăng cao nên giá cả nhóm hàng dịch vụ- du lịch bị đẩy lên một bước là điều khó tránh khỏi. Trên thực tế, ngay tuần đầu tháng 7, giá phòng khách sạn ở nhiều địa điểm du lịch đã tăng thêm cùng với hiện tượng “cháy phòng”.

Nhóm hàng may mặc, giầy dép, mũ nón cũng được dự báo là vẫn tiếp tục tăng giá do thu nhập người dân càng được cải thiện, nhu cầu mua sắm cho may mặc có xu hướng tăng lên trong mấy năm trở lại đây. Thêm vào đó, tháng 9 có đợt nghỉ lễ nên nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho đi tham quan, du lịch cũng tăng lên. Nhóm Văn hóa, thể thao, giải trí cũng có xu hướng tăng nhẹ trong quý và tăng cao nhất trong tháng 9, do dịp nghỉ lễ 2/9 nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí tăng cao. Đặc biệt, nhóm hàng đồ uống và thuốc lá giá tăng hơn so quý II do bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ đồ uống sẽ tăng lên.

Trong suốt quý III, mặc dầu có lúc chồi, lúc sụt nhưng tính tổng thể thì nhiều khả năng giá vàng vẫn tiếp tục tăng, với tốc độ tăng cao hơn so với tốc độ tăng của quý II, do giá vàng trên thế giới có xu hướng tăng (giá vàng trên thế giới tăng phụ thuộc vào cầu tiêu thụ vàng, trong quý III lượng cầu tiêu thụ tăng cao do bắt đầu vào mùa cưới ở ấn Độ - nước có lượng tiêu thụ vàng lớn nhất trên thế giới).

Tuy nhiên, cùng với các mặt hàng tiếp tục tăng nóng, trong quý III, một số nhóm hàng hoá lại cũng có dấu hiệu “hạ nhiệt”, góp phần làm giảm sức tăng nóng của giá cả. Trong đó, nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng có xu hướng giảm nhẹ, do thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng xuống, tuy nhiên mức tăng của nhóm hàng này vẫn cao nhất nhì trong 10 nhóm hàng thống kê. Giá đô la sẽ vẫn có xu hướng giảm giá như tình trạng các quý đầu năm. Dự báo tốc độ tăng giá đô la Mỹ năm 2007 sẽ được duy trì ở mức độ thấp, trong khoảng 1% như năm 2006. Nguyên nhân chính vẫn là do nước ta kiềm chế mức độ tăng giá đồng VND so với đồng USD để duy trì lợi thế cạnh tranh hàng xuất khẩu của ta.

Theo các chuyên gia, xét trên tổng thể, giá cả tiêu dùng trong quý III/2007 sẽ chịu một số tác động chung đến tất cả các nhóm hàng. Thứ nhất, theo quy luật những quý cuối năm hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng mạnh hơn các quý đầu năm, do đó mặt bằng giá chung sẽ tăng lên. Thứ hai, giá các nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới và trong nước có xu hướng vẫn tiếp tục tăng (như giá dầu thô, giá xăng, thép, phân bón,…), khiến cho chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp tăng lên, đẩy giá tiêu dùng tăng… Tuy nhiên, do các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có những biện pháp để quản lý về giá, đảm bảo bình ổn thị trường và thực hiện mục tiêu kế hoạch về chỉ số giá tiêu dùng tăng nhỏ hơn tốc độ tăng trưởng GDP, nên giá hàng hóa tiêu dùng sẽ vẫn tăng nhưng ở mức thấp hơn so với quý II. Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với những động thái hiện nay của thị trường trong nước và thế giới, có nhiều khả năng năm nay sẽ là năm thứ tư liên tiếp giá tiêu dùng trong nước sốt nóng. Dự báo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong quý III đạt 174 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với quý II, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2007 dự báo sẽ lên đến 506 nghìn tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2006.

TTXVN

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hơn 460 triệu USD vào Lào (16/07/2007)

>   Xuất khẩu muối có thể đạt 800.000USD (16/07/2007)

>   Bay từ Việt Nam đến Bangkok chỉ mất 19USD (16/07/2007)

>   Sóng từ các trạm thông tin di động trong giới hạn cho phép (16/07/2007)

>   Sụt giảm xuất khẩu vào EU (16/07/2007)

>   Đối phó với Nhật, DN thuỷ sản mượn "code" nhau (16/07/2007)

>   Xuất khẩu muối có thể đạt 800.000USD (16/07/2007)

>   Tìm hiểu kỹ trước khi… ‘‘kết hôn’’ (16/07/2007)

>   Thuỷ sản tiêu thụ nội địa: Bỏ ngỏ dư lượng kháng sinh (16/07/2007)

>   Thành lập 3 tập đoàn thuộc Bộ Xây dựng (16/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật