Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hơn 460 triệu USD vào Lào
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến nay các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang CHDCND Lào 70 dự án, với tổng vốn đầu tư 461 triệu USD, chiếm gần một nửa trong tổng số vốn hơn 1 tỷ USD của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào 33 nước và vùng lãnh thổ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, thủy điện là lĩnh vực chiếm số vốn lớn nhất trong các dự án đầu tư vào Lào, riêng Dự án thủy điện Xêkamanda với công suất 250 MW của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Việt Lào được khởi công năm 2006, đã có số vốn hơn 270 triệu USD. Tiếp đến là các dự án về thăm dò và khai thác khoáng sản, trồng và chế biến các sản phẩm công nghiệp.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, sau khi triển khai dự án tại tỉnh Chămpaxắc của Lào, Tập đoàn lại tiếp tục thực hiện dự án trồng cây cao su và cây công nghiệp tại tỉnh Xavănnakhệt ở miền Trung nước này với 1.000 ha cây cao su và 700 ha cây keo lai tai tượng. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2009, Tập đoàn sẽ trồng thêm 4.900ha cây cao su và 3.600ha cây công nghiệp tại Xavănnakhệt.
Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định, việc triển khai đầu tư trong thời gian qua là tốt đẹp và hiệu quả, tạo động lực mới cho phát triển đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Công tác xúc tiến đầu tư đã được quan tâm đáng kể với nhiều cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư vào Lào được tổ chức tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đà Nẵng và các tỉnh Tây nguyên. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như khoáng sản, thuỷ điện, trồng cây công nghiệp ở vùng đất phù hợp và tham gia xây dựng Khu thương mại biên giới Đensavẳn.
Tuy nhiên, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư tại Lào thời gian qua vẫn còn gặp nhiều hạn chế, nhất là thị trường tiêu thụ hạn hẹp, chi phí đầu tư cao. Để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào, Nhà nước cần có sự hỗ trợ nhiều mặt như: Có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư sang Lào; xây dựng cơ chế thanh toán hàng xuất nhập khẩu và việc chuyển đổi từ đồng Việt Nam sang Kíp Lào và ngược lại; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ việc lưu thông hàng hóa giữa hai nước như miễn giảm thuế xuất nhập khẩu, miễn giảm các loại phí xuất nhập khẩu; tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp xúc và đối thoại định kỳ hàng năm với các cơ quan quản lý Nhà nước của Lào nhằm phản ánh khó khăn và kiến nghị biện pháp hỗ trợ...
TTXVN
|