Bình gas giả tràn ngập thị trường
Trong 6 tháng đầu năm 2007, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã tạm giữ 305 bình gas giả (loại 12 kg) trong khi cùng thời điểm năm trước con số này chỉ là 41. Theo cơ quan QLTT, bình gas chính là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất hiện nay.
Niêm chống giả cũng bị... làm giả !
Hiện mức xử phạt hành vi kinh doanh gas giả vẫn còn nhẹ, không đủ răn đe những người sang chiết gas trái phép bởi nguồn lợi bất hợp pháp mà họ thu được quá lớn. Theo tính toán của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas, những người làm gas giả "móc túi" người tiêu dùng khoảng 30.000đ/bình.
Để chống tình trạng bình gas của hãng mình bị chiếm dụng, làm giả..., các DN gas lớn đã thiết kế niêm chống giả dán trên van bình gas. Thế nhưng hiện nay chính những chiếc niêm chống giả này cũng bị làm giả. Đáng lo ngại là loại niêm giả này xuất hiện ngày càng nhiều và càng lúc càng tinh vi, giống niêm thật hơn. Ông Nguyễn Trí Vị, Đội trưởng Đội QLTT Q.Bình Thạnh cho biết: "Lúc trước nhìn bằng mắt thường còn phân biệt được chứ nay đành chịu. Mỗi lần kiểm tra lại phải gọi người của các công ty gas đến để xem giúp".
Theo ông Trần Minh Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dầu khí An Pha (Công ty Anpha Petrol), đa số các vụ cháy nổ xảy ra thường do van hoặc dây dẫn không đảm bảo dẫn đến xì gas. Nhiều đại lý đã bán những van, dây không đủ chất lượng cho người tiêu dùng. Thậm chí có nơi còn bán cả dây ống nước nhựa làm dây dẫn gas. Các công ty kinh doanh gas lớn đều khuyến cáo người tiêu dùng nên thay van, dây dẫn sau 3 năm sử dụng. Công ty Anpha Petrol cũng là đơn vị kinh doanh gas đầu tiên tại Việt Nam cung cấp van điều áp và dây dẫn gas chuyên dùng được sản xuất tại châu Âu với thời hạn bảo hành 5 năm.
30 - 50% bình gas không được kiểm định
Hiện có 3 trung tâm tại miền Nam làm nhiệm vụ kiểm định bình gas. Trong đó, Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực 2 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) là lớn nhất. Năng lực kiểm định của trung tâm này là hơn 30.000 bình gas/tháng. Thế nhưng trên thực tế, mỗi tháng có chưa đến 15.000 bình gas được mang đến kiểm định tại đây. Có hai mốc kiểm định bắt buộc với bình gas: Đầu tiên khi bình gas mới sản xuất, nhập khẩu phải được đăng ký sử dụng và kiểm định ngẫu nhiên 5%. Tiếp theo là sau 5 năm sử dụng các doanh nghiệp (DN) phải mang toàn bộ số bình gas đó đến tái kiểm định. Trên thực tế chỉ có những DN kinh doanh gas lớn tuân thủ nghiêm túc quy định này.
Kết quả kiểm tra gần đây nhất của Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM vào tháng 2.2007 cho thấy hơn 83% DN kinh doanh gas bị kiểm tra có vi phạm nghiêm trọng với hơn 1,7 triệu bình gas các loại chưa được đăng ký sử dụng. Đại diện Thanh tra Sở LĐ-TB-XH cho biết, trong thời gian qua các DN đã đăng ký hơn 700.000 bình gas nhưng vẫn còn hơn 1 triệu bình chưa được đăng ký trôi nổi trên thị trường. Ông Nguyễn Sĩ Thắng, Giám đốc Công ty Petro Vietnam, nói: "Chúng tôi luôn thông báo trước 3 tháng với các đại lý để thu lại bình gas mang đi tái kiểm định nhưng cũng chỉ thu lại được khoảng 70 - 80% số bình đã đưa ra thị trường". Một công ty khác là Elf Gas cho biết dù đã rất nỗ lực nhưng cũng chỉ thu về được khoảng 70% số bình gas. Điều này lý giải tại sao số bình gas sang chiết trái phép được phát hiện mỗi năm mỗi tăng.
Thanh nien
|