Thứ Ba, 31/07/2007 15:40

Tìm lối ra cho doanh nghiệp thủy sản

Ngành thuỷ sản nước ta thời gian qua là một trong những ngành phải "rát mặt" nhiều nhất với quá trình hội nhập.

Sau khi cá basa và tôm bị “vướng án” bán phá giá ở thị trường Mỹ rộng lớn, Nhật Bản, thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam cũng đang “báo động đỏ” sẵn sàng áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu đối với hàng thuỷ sản Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP), việc kiểm tra ngặt nghèo về chất lượng tại Nhật Bản khiến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng tôm, sang thị trường này sụt giảm đáng kể.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 5/2007, xuất khẩu tôm sang Nhật giảm 15,6% về lượng và gần 20% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Cảnh giác với những rào cản kỹ thuật

Việc Nhật Bản liên tục cảnh báo và kiểm tra 100% các lô tôm xuất khẩu của Việt Nam cũng như đưa ra những quy định khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm là nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Song cũng cần phải nhìn nhận trên thực tế đó còn có thể là rào cản kỹ thuật mà các doanh nghiệp của chúng ta phải lường trước khi thâm nhập vào thị trường khó tính này.

Sau vụ cá basa và tôm ở thị trường Mỹ, Nhật Bản cùng với các nước EU đã trở thành thị trường chuyển đổi cho các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam. Nhưng khi Việt Nam trở thành một trong ba khách hàng lớn nhất thì cũng là lúc Nhật tỏ ra chặt chẽ không kém gì Mỹ và có phần khó khăn hơn cả EU.

Vào thời điểm tháng 5/2006 khi luật vệ sinh thực phẩm sửa đổi của nước này có hiệu lực thì 31 nước bán thuỷ sản sang Nhật bị phát hiện dư lượng kháng sinh cấm, trong đó có Việt Nam.

Nhật đã nâng mức kiểm tra từ 5%, 10% lên 50% và sau cùng là 100% lô hàng tôm nhập của Việt Nam. Và hiện nay Nhật kiểm tra 100% các lô hàng thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam nói chung.

Đầu tháng 7/2007, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hattori đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc cảnh báo rằng cơ quan phụ trách kiểm dịch của Nhật sẽ xem xét áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam.

Trong thư, Đại sứ Hattori cho biết từ năm 2006 tới nay, cơ quan hữu trách của Nhật liên tiếp phát hiện các chất kháng sinh bị cấm trong tôm và mực xuất khẩu từ Việt Nam. Do đó nếu trong thời gian tới vẫn còn các trường hợp vi phạm thì Bộ Y tế lao động và Phúc lợi Nhật Bản bắt buộc phải xem xét áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu.

Một số chuyên gia trong ngành thuỷ sản của Việt Nam cho rằng vướng dư lượng là một thực tế nhưng Việt Nam vẫn ở tỉ lệ rất thấp. Việc dùng máy móc tối tân để phát hiện dư lượng kháng sinh ở tỷ lệ 0,7 phần tỷ thì quả là quá khắt khe. Tuy nhiên, về phía Nhật, sau khi đã áp dụng nhiều biện pháp từ nhẹ tới nặng, nước này đã ra tối hậu thư đi đến hình phạt cấm nhập khẩu.

Rõ ràng những hàng rào kỹ thuật và thương mại ngày càng chặt chẽ, với các quy định về dư lượng kháng sinh, về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, về kiểm dịch đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

 Trên thực tế, Bộ Thuỷ sản Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động để kiểm soát tốt hơn hoạt động của người nuôi. Điển hình là dự án hướng dẫn mô hình BMP.

Đó là mô hình “Qui phạm thực hành quản lý tốt hơn” trong nuôi trồng thuỷ sản, bảo đảm từ ao nuôi theo giải pháp của Tổ chức lương thực thế giới (FAO). Tuy nhiên, với đặc thù nhiều ao nuôi tôm cá nhỏ lẻ qui mô chưa đến nửa hécta trải dài từ Bắc chí Nam thì việc quản lý lại là một câu hỏi khác.

Quyết không để mất uy tín

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành nếu giải quyết tốt thị trường Nhật Bản, Việt Nam sẽ có thêm các đơn hàng từ Mỹ do thị trường này giảm sút nguồn cung từ Trung Quốc.

Ngược lại nếu Việt Nam xử lý không tốt vấn đề dư lượng kháng sinh tại Nhật sẽ dẫn đến hệ luỵ các nhà nhập khẩu gây sức ép về giá và chất lượng đối với hàng Việt Nam.

Chính vì vậy, bắt đầu từ ngày 1/8, danh sách 56 doanh nghiệp được miễn kiểm tra khi xuất khẩu hàng thuỷ sản sang Nhật Bản sẽ chính thức được công bố. Đây được xem như là một trong hàng loạt biện pháp mạnh của ngành thuỷ sản trong công tác kiểm tra vệ sinh an toàn đối với những lô hàng xuất khẩu sang thị trường này.

Trước đó, khi có thêm các lô tôm bị phía Nhật phát hiện các chất cấm, trong đó có 4 dẫn xuất của chất Nitrofuran, bao gồm AOZ, AMOZ, AHN và SEM, Bộ Thuỷ sản đã cùng với các doanh nghiệp thống nhất sẽ kiểm tra toàn bộ các loại hoá chất kháng sinh mà phía Nhật cấm, tương đương với tổng lượng châu Âu và Mỹ cấm, cộng lại là 17 chất. Việc kiểm tra được tiến hành đối với 100% lô hàng không kể doanh nghiệp có bị đưa vào danh sách đen hay không đen nữa.

Sau bức thư cảnh báo của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Thuỷ sản đã ban hành Quyết định mới nhất về kiểm soát chất lượng thuỷ sản vào Nhật.

Theo đó, từ 26/7/2007, các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm tra chứng nhận Nhà nước về dư lượng, hoá chất kháng sinh cấm đối với 100% lô hàng giáp xác (tôm, cua, ghẹ... ), nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc...).

Quyết định cũng quy định cụ thể các trường hợp doanh nghiệp có bao nhiêu lô hàng thuỷ sản từng bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh cấm thì không được phép xuất khẩu hai nhóm hàng này vào thị trường Nhật.

Bộ Thuỷ sản thông báo, doanh nghiệp chỉ được phép xuất khẩu trở lại lô hàng giáp xác, nhuyễn thể chân đầu sang Nhật sau khi có báo cáo đúng nguyên nhân, thiết lập biện pháp khắc phục có hiệu quả và được Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản (Nafiqaved) công nhận. Các doanh nghiệp chỉ có thể được miễn kiểm tra chứng nhận bắt buộc khi có liên tiếp 10 lô hàng giáp xác và nhuyễn thể chân đầu không bị cảnh báo.

Về phía Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đang phối hợp với Bộ Thủy sản, Cục Nafiqaved thay đổi Quy chế 649 và 650 về phương thức kiểm soát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm chất lượng và cấp chứng thư xuất nhập khẩu, nhằm giảm chi phí doanh nghiệp, giảm thủ tục phiền hà và lãng phí, tăng hiệu quả và trách nhiệm kiểm soát của các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Tp.HCM rục rịch tăng giá nước (31/07/2007)

>   Tổng quan kinh tế 7 tháng có gì đáng chú ý? (31/07/2007)

>   Đồng Nai: Kim ngạch xuất khẩu tăng trên 30% (31/07/2007)

>   Ngày mai, giá sữa tại VN lại tiếp tục tăng mạnh (31/07/2007)

>   Thuế thu nhập: càng thảo luận càng rối (31/07/2007)

>   “Bùng nổ” dự án đầu tư cho ngành thép: Lợi hay hại? (31/07/2007)

>   Lãi suất tiền gửi và dư nợ USD tăng, vì sao? (31/07/2007)

>   Đừng quên trái phiếu (31/07/2007)

>   Đồng ý nhận vốn của AFD cho dự án phát triển nông thôn (31/07/2007)

>   Dầu thô: Khai thác, xuất khẩu đều giảm (31/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật