“Bùng nổ” dự án đầu tư cho ngành thép: Lợi hay hại?
Như DĐDN đã thông tin, giá thép đang lên cơn sốt nóng. Thậm chí, dự báo của các chuyên gia kinh tế cho biết thời gian tới, giá thép còn tiếp tục tăng. Không những vậy, theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, Chủ tịch Hội KTKT đúc luyện kim VN, đang xảy ra hiện tượng “bùng nổ” các dự án đầu tư cho ngành thép.
Cũng theo ông Cường, ba vấn đề lớn rút ra trong thời kỳ phát triển ngành thép VN thời gian qua rất cần thiết để xem xét khi DN quyết định đầu tư các công trình thép mới.
Nguyên, nhiên liệu đang cạn kiệt
Cho tới nay VN đã thăm dò đối với quặng sắt ở 2 mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh), Quý Xa (Lào Cai) và một số mỏ nhỏ ở Cao Bằng. Còn lại hầu hết các mỏ là thăm dò tìm kiếm, thăm dò sơ bộ; con số trữ lượng hoàn toàn không đủ độ tin cậy. Nếu xây dựng lò cao với ý định sử dụng quặng ở địa phương cần phải cân nhắc kỹ lưỡng nguồn nguyên liệu quặng ổn định có thể cung ứng cho 20 – 30 năm, thậm chí tới 50 năm của tuổi thọ 1 lò cao và của khu liên hợp.
Có ý kiến nói rằng, hiện VN mỗi năm xuất cho Trung Quốc tới trên 2 triệu tấn quặng. Nhưng kinh nghiệm vận hành lò cao ở VN và các nước cho thấy, lò cao không thể sử dụng quặng tùy tiện. Chất lượng quặng phải tốt, được trung hòa đồng đều thành phần nếu không sẽ không còn tính cạnh tranh vì giá gang sẽ rất cao.
Hiện nay, với trào lưu các địa phương có mỏ quặng sắt đã để cho dân khai thác tùy tiện để XK. Nhiều người ảo tưởng VN có nhiều quặng sắt, cứ xây dựng lò cao là sẽ có quặng. Điều này rất nguy hại vì ngay như 1 số lò cao 20 – 30 m3 ở Thái Nguyên và Bắc Kạn mới xây gần đây đã có lúc phải dừng lò vì không đủ quặng.
Cty Gang thép Thái Nguyên khi quyết định đầu tư mỏ sắt Ngườm Tráng (Cao Bằng) đã thăm dò lại tỷ mỉ, trữ lượng quặng của mỏ đã giảm còn ½ so với đánh giá của báo cáo địa chất. Vận hành lò cao khác với lò điện, khi đã bắt đầu khai lò thì 8 – 10 năm mới dừng lò để đại tu, không thể ngừng lò bất kỳ để chờ quặng.
Nếu xây dựng lò cao dựa vào quặng nhập thì phải nghĩ tới nguồn quặng nhập ở đâu? Các nước xuất quặng hiện nay là Australia, Brazil, Ấn Độ... đều ở xa VN. Nhập quặng muốn giá rẻ phải có tàu lớn, có cảng biển nước sâu có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn trên 7 vạn tấn, phải có cảng chuyên dụng... những điều kiện ấy, VN chưa sẵn sàng.
Đặc biệt, VN gần như không có than mỡ để luyện than cốc cho luyện kim. Khu gang thép Thái Nguyên chỉ có mỏ than mỡ nhỏ, phải nhập thêm than cốc của Trung Quốc và gặp không ít khó khăn vì chất lượng than cốc NK. Các lò cao xây dựng sau này, chắc chắn cũng phải sử dụng than cốc NK.
Công nghệ cũng... nhỏ
Những dự án đầu tư nêu ở phần trên, trừ các dự án liên doanh hoặc 100% của nước ngoài có dự định lựa chọn các thiết bị công nghệ hiện đại có quy mô lớn, phổ biến ở các liên hợp luyện kim các nước như lò cao 2.000 – 3.000 m3, lò thổi luyện thép trên 100 tấn/mẻ... Đây là những thiết bị đã hoạt động có hiệu quả trong các liên hợp luyện kim trên thế giới.
Nhưng ở các Cty luyện gang thép ở VN, do bị hạn chế về vốn đầu tư nên hầu hết chọn thiết bị công nghệ có công suất nhỏ, do Trung Quốc chế tạo. Nếu nghiên cứu kỹ Chính sách phát triển của ngành công nghiệp thép Trung Quốc ban hành ngày 20/7/2005 thì Trung Quốc đã cấm vận hành các thiết bị có công suất nhỏ như vậy (lò cao dưới 300 m3, lò thổi ôxy và lò điện dưới 20 tấn/mẻ). Hơn nữa, khi vận hành các thiết bị công nghệ này, lượng khí thải, bụi thải, nước thải đều cao hơn nhiều so với các thiết bị hiện đại.
VN mới phát triển luyện kim nhưng nếu nghiên cứu kỹ những thiết bị luyện kim giai đoạn 1 của Gang thép Thái Nguyên, chúng ta hoàn toàn có thể rút ra được bài học cho các dự án đầu tư sắp tới.
Liên kết để phát triển
Những năm gần đây trên thế giới, xu hướng mua lại các cơ sở luyện kim, sáp nhập, tổ chức lại các Cty luyện kim để trở thành các tập đoàn luyện kim lớn đang diễn ra ở Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... Điển hình như Mittal (Ấn Độ) mua lại Acelor (Tây Âu) để có công suất trên 100 triệu tấn/năm trở thành tập đoàn thép lớn nhất thế giới.
Đối chiếu với những dự án đầu tư thép ở VN, những năm qua, chúng ta thấy hầu hết có công suất nhỏ bé, rất phân tán và manh mún. Tổng công suất các nhà máy cán thép xây dựng ở VN đã đạt trên 6 triệu tấn/năm gần gấp đôi nhu cầu. Tuy tổng công suất lớn, nhưng công suất từng nhà máy lại nhỏ bé, các nhà máy cán có công suất phổ biến 200.000 – 300.000 tấn/năm, chỉ có 2 cơ sở sản xuất lò điện công suất 500.000 tấn/năm.
Những dự án đầu tư mới cho ngành thép của các Cty ở VN trong những tháng đầu năm 2007 cũng nằm trong quy mô nhỏ bé nêu trên. Các nhà đầu tư thép ở VN chưa có sự liên kết để có đủ tiềm lực xây dựng những cơ sở luyện kim có quy mô vừa và lớn, chưa có đủ vốn để đưa các thiết bị công nghệ hiện đại, có sức cạnh tranh cao vào các dự án đầu tư của mình.
Mặt khác, vấn đề đầu tư cho bảo vệ môi trường trong điều kiện đầu tư nhỏ bé phân tán chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai.
CÁC CÔNG TRÌNH VÀ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ NGÀNH THÉP 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2007
Các công trình của nước ngoài và liên doanh
1. Nhà máy cuộn cán nóng liên doanh giữa TCty Thép VN và Tập đoàn Essar (Ấn Độ) tại Bà Rịa – Vũng Tàu công suất 2 triệu tấn, tổng đầu tư trên 500 triệu USD được ký kết ngày 12/2/2007.
2. Nhà máy cán nguội 1,2 triệu tấn/năm và cuộn cán nóng 3 triệu tấn/năm tổng đầu tư trên 1 tỷ USD của tập đoàn POSCO (Hàn Quốc) tại Phú Mỹ - Bà Rịa Vũng Tàu, ngày 1/8/2007 làm lễ động thổ.
3. Nhà máy Liên hợp thép Hà Tĩnh liên doanh giữa tập đoàn TATA (Ấn Độ) với TCty Thép VN sản xuất thép cuộn cán nóng cán nguội, thép tấm… với công suất dự kiến 4,5 – 5 triệu tấn/năm, tổng đầu tư khoảng 3.5 tỷ USD vừa được ký bản ghi nhớ MOU tại Ấn Độ có sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng từ 4-6/7/2007.
4. Nhà máy thép liên hợp liên doanh giữa Tập đoàn thép POSCO (Hàn Quốc) với tập đoàn Vinashin công suất dự kiến 5 triệu tấn/năm sản xuất thép tấm thép cuộn cán nóng, cán nguội dựa trên công nghệ Finex, đã được ký bản ghi nhớ tháng 5/2007, địa điểm đang trong giai đoạn khảo sát để lựa chọn.
5. Liên hợp thép giữa Cty thép Jinnan (Trung Quốc) với Tycoon (Đài Loan) công suất 5 triệu tấn phôi/năm đầu tư trên 1 tỷ USD ở Dung Quất (Quảng Ngãi) được cấp phép từ tháng 10/2006 dự kiến khởi công 5/2007 đã hoãn lại và hiện có tin Jinnan (TQ) đã rút khỏi liên doanh.
Các công trình đầu tư trong nước
1. Nhà máy luyện kim công suất 300.000 tấn/năm Cửu Long – Vinashin, khởi công xây dựng tại Yên Bái, sử dụng quặng địa phương với quy mô dự kiến gồm 2 lò cao 180 m3, 2 lò thổi 15 tấn/mẻ, băng thiêu kết 12 m2 đã làm lễ khởi công quý 1/2007.
2. Nhà máy lò cao, lò điện ở Hải Phòng của Cty CP Thép Vạn Lợi. Sau khi khởi công xây dựng lò điện số 2, dung tích 40 tấn/mẻ, Vạn Lợi bắt đầu xây dựng 2 lò cao dung tích 220 m3/1 lò ngay tại đó để cung ứng gang lỏng cho lò điện (công suất 500.000 tấn/năm).
3. Nhà máy liên doanh giữa Cty thép Vạn Lợi và Cty Thương mại và Khoáng sản Hà Tĩnh xây dựng 2 lò cao 220m3, lò thổi 40 tấn/mẻ. Máy đúc liên tục để sản xuất phôi thép cũng đã chính thức khởi công 6/2007.
4. Nhà máy thép Vạn Lợi ở Bắc Kạn vừa khởi công xây dựng tháng 6/2007 với dây chuyền công nghệ 2 lò cao 220 m3, lò thổi oxy 40 T/mẻ, máy đúc liên tục, sản xuất 500.000 T phôi/năm.
5. Cty cổ phần Thép Đình Vũ – Hải Phòng dự định xây dựng 1 lò cao 230 m3 để cung ứng gang lỏng cho lò điện 30 tấn/mẻ hiện đang sản xuất.
6. Các Cty Pomina, Hòa Phát cũng đang khảo sát thiết bị ở Trung Quốc để thời gian tới, thực hiện dự án liên hợp luyện gang lò cao – lò thép – đúc liên tục sản xuất phôi thép cho các nhà máy cán thép hiện có của Cty.
DĐDN
|