Đâu là nguyên nhân tăng giá tiêu dùng?
Sau nhiều năm được hưởng giá tiêu dùng tăng thấp, năm 2004 người tiêu dùng đã xôn xao khi giá tiêu dùng đột ngột tăng lên đến 9,5%; nhưng hai năm sau đó tốc độ tăng đã giảm dần lần lượt là 8,4% và 6,6%, nên độ nóng có dịu đi. Từ mấy tháng nay, không khí lại nóng lên và trên các phương tiện thông tin đại chúng đã dồn dập cảnh báo về tốc độ tăng giá tiêu dùng.
Không dồn dập sao được, khi giá tiêu dùng tháng 7 đã tăng 6,2% so với tháng 12.2006 và tăng 8,4% so với tháng 7.2006 - cao hơn cả lãi suất gửi tiền tiết kiệm và có nguy cơ sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa? Nếu 5 tháng tới tăng 2,02% bằng với mức tăng của cùng kỳ năm trước, thì cả năm nay sẽ tăng 8,34%.
Còn nếu tăng 2,94% (bằng với mức tăng từ tháng 3 đến tháng 7 - không kể tháng 1 tăng 1,05%, tháng 2 tăng 2,17% là hai tháng có Tết dương lịch và Tết âm lịch do nhu cầu của người tiêu dùng cao hơn nhiều nên giá tăng hơn nhiều so với các tháng khác trong năm) như dự đoán của nhiều chuyên gia, thì cả năm nay sẽ tăng 9,31%, không những cao hơn tốc độ tăng của hai năm trước đây, mà còn không đạt được mục tiêu do Quốc hội đề ra là tốc độ tăng của giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng của GDP. Thậm chí có chuyên gia còn cảnh báo về tốc độ tăng giá tiêu dùng năm nay có thể đạt mức hai chữ số (tức là trên 10%)! Như vậy, nếu ai đó nói rằng diễn biến giá tiêu dùng vẫn nằm trong tầm kiểm soát là chủ quan duy ý chí.
Đứng trước tình hình trên, có người đã lý giải bằng các nguyên nhân khác nhau; phần lớn đều cho rằng do giá thế giới tăng, còn ở trong nước thì do giá lương thực, giá thực phẩm, giá vật liệu xây dựng - cứ như đó là những thủ phạm chính gây ra tình hình tăng giá cao như thời gian qua. Nhưng đó chỉ là một sự nhầm lẫn, những nguyên nhân đó đã không chỉ ra "lạm phát dù ở đâu và bất cứ lúc nào thì cũng là từ chính sách tiền tệ" như tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề cập trong bài Thay đổi cách nhìn về lạm phát - Báo Đầu Tư số 91 ra ngày 30.7.2007.
Ông đã chỉ ra rằng "Giá xăng, giá điện tăng cũng có thể tạo ra lạm phát, nhưng với điều kiện là cung ứng tiền tăng lên. Còn nếu cung ứng tiền không tăng thì giá điện, giá xăng tăng có nghĩa là những mặt hàng khác phải giảm. Tiền chỉ có ngần đó, nếu một vài mặt hàng tăng giá nghĩa là mặt hàng khác giảm giá, nếu mặt hàng khác không giảm thì cung phải giảm, khi đó sẽ có nhà cung cấp phá sản". Hơn nữa, giá xăng dầu tăng đâu chỉ ở Việt Nam, ở các nước khác có khối lượng sử dụng gấp hàng trăm hàng nghìn lần Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, nhưng lạm phát cũng chỉ trên dưới 2%, còn Nhật Bản gần như bằng không trong mấy năm nay.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, về chính sách tiền tệ có hai biểu hiện đã làm tăng sức ép lạm phát. Thứ nhất, một lượng tiền lớn được cung ứng cho thị trường chứng khoán khi chỉ số giá chứng khoán "phi mã" hồi đầu năm để đạt đỉnh điểm vào 12/3 (1.170 điểm), đã vượt qua đỉnh sang dốc bên kia, hiện nay chỉ còn 940 điểm và đang có dự đoán sẽ còn giảm xuống nữa! Một phần tiền sẽ được quay về sau chỉ thị 03, một phần được đưa ra tham gia khi các đại gia IPO, một phần đưa ra mua vàng, mua bất động sản... và đưa vào lưu thông hàng hóa, dịch vụ thông thường, tạo sức ép tăng giá tiêu dùng. Thứ hai, nguồn vốn từ nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh và theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước ta mua vào 7 tỉ USD, bằng tổng số USD mua vào của 10 năm trước cộng lại và phải cung ứng một lượng tiền tương ứng, tạo ra sức ép tăng giá.
Gần đây, Ngân hàng nhà nước đã đưa ra những biện pháp mạnh để thắt chặt tiền tệ - đó là nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và khống chế tỷ lệ cho vay chứng khoán không được vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, những biện pháp này mới được áp dụng từ tháng 6. Người viết bài này cũng đồng ý với tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, ngoài các biện pháp trên, cần chấp nhận nội tệ tăng giá trong mức độ nhất định (hiện vẫn mất giá khoảng 4,5%) để chống lạm phát.
Thanh nien
|