Thứ Ba, 31/07/2007 11:35

Đừng quên trái phiếu

Nhiều loại cổ phiếu (CP) giảm giá mạnh thời gian qua khiến không ít nhà đầu tư (NĐT) thua lỗ. Trong khi đó, theo các chuyên gia thì trái phiếu (TP) chính là một loại chứng khoán ít rủi ro cho NĐT đồng thời là công cụ vốn mà doanh nghiệp (DN) cần sử dụng để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn cho hiệu quả. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) trao đổi về vấn đề này.

* Thưa ông, vai trò của TP trong TTCK và lĩnh vực tài chính của một quốc gia như thế nào?

- Các công cụ nợ hay công cụ vốn (trong đó có TP) tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho những người có tiền nhàn rỗi, chứ không chỉ nhất nhất đưa tiền vào CP hay các định chế ngân hàng và phi ngân hàng. Đối với quốc gia, để duy trì được tốc độ phát triển kinh tế lớn hơn 7%/năm trong 10 năm tới, các nhà kinh tế tương đối thống nhất là chúng ta cần lượng vốn đầu tư 40-50 tỉ USD. Lượng vốn này nếu từ ngoài nước tuy lớn nhưng lại không ổn định. Còn nếu từ các định chế tài chính trung gian trong nước, ngoài việc giới hạn về quy mô, thời hạn vay và các yếu tố khác, thì lượng vốn này được trông chờ rất quan trọng từ việc phát hành TP (khi mà số tiền nhàn rỗi của dân chúng được đánh giá trên dưới 20 tỉ USD).

Đối với NĐT, TP trên TTCK có ưu điểm: tiền lãi cố định, đều đặn, tái đầu tư khi TP đáo hạn. An toàn về vốn đầu tư, nhất là đối với TP Chính phủ, TP đô thị vì được Nhà nước bảo đảm. Đối với Chính phủ, TP giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt ngân sách, thiếu vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng mà không phải phát hành thêm tiền tạo ra sức ép về lạm phát như bấy lâu nay. TP còn là biện pháp bình ổn kinh tế hữu hiệu vì lãi suất của TP Chính phủ có ảnh hưởng rất lớn đến lãi suất trên thị trường. Do đó việc phát hành TP ảnh hưởng rất lớn tới khả năng tiết kiệm, khả năng đầu tư và tổng cung tiền tệ quốc gia.

Đối với DN, nếu chỉ huy động vốn bằng CP thì lượng vốn chủ sở hữu quá lớn trong cơ cấu nguồn vốn của công ty. Mặc dù công ty có phương án khả thi về việc sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành CP nhưng triển vọng cổ tức như trước khi phát hành có thực hiện được không là điều đáng nói. Trong chiến lược tài chính năng động, việc làm tăng và chỉ sử dụng toàn vốn chủ sở hữu là hành vi không hiệu quả so với việc một phần vốn bằng CP và một phần là TP công ty. Nói cách khác, TP là công cụ huy động giúp công ty tăng vốn mà không làm thay đổi cấu trúc của vốn chủ sở hữu.

* Tại sao các loại TP đang được niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán hầu như không có giao dịch, thưa ông?

- Theo tôi, do hàng loạt các nguyên nhân từ kinh tế, xã hội đến yếu tố tâm lý khiến các loại TP đó không có người mua bán. Các nguyên nhân chủ yếu như: số tiền đầu tư tối thiểu khá lớn vì mệnh giá TP cao; TP luôn chịu ảnh hưởng nặng nề khi tỷ lệ lạm phát tăng cao mà lạm phát ở Việt Nam theo tôi khó giữ được mức bằng hoặc dưới tốc độ phát triển của nền kinh tế; TP sẽ giảm giá trị khi lãi suất thị trường tăng mà lãi suất thị trường đang theo xu hướng này; sự hấp dẫn về lợi tức (gồm cổ tức, lãi vốn...) so với CP không cao, đặc biệt về lâu dài; không có nhiều công ty mạnh gọi vốn bằng TP trong khi các công ty có tiềm lực tài chính không mạnh thì lại chứa chất tính rủi ro về thanh khoản. Một điều quan trọng nữa là trên TTCK Việt Nam hiện nay, trào lưu đám đông dường như không quan tâm đến thị trường này.

* Khi TP không thật sự hấp dẫn NĐT, làm thế nào để DN có thể gọi vốn bằng TP?

- Trong điều kiện hiện tại ở Việt Nam, quả thực TP không hấp dẫn với cả NĐT và tổ chức phát hành. Để phát hành TP thành công theo tôi trước hết nhà phát hành phải nhận thức được tính ưu việt của TP trong cơ cấu nguồn vốn của công ty bởi nếu dùng toàn nguồn vốn từ việc phát hành CP là không tối ưu về tài chính cũng như bắt buộc có sự chia sẻ quyền kiểm soát công ty. Hơn nữa, cần phải có sự gia tăng hiểu biết và lòng tin của NĐT về lĩnh vực này cũng như sự bình ổn ở tầm vĩ mô về lạm phát, lãi suất thị trường...

* Vậy NĐT nên cơ cấu danh mục đầu tư của mình với bao nhiêu phần trăm là TP?

- NĐT phải xác định được mục tiêu của mình như bảo toàn vốn, thu nhập trong hiện tại và mức tăng trưởng; hệ số rủi ro chấp nhận được rồi mới xác định một danh mục đầu tư gồm nhiều loại tài sản khác nhau. Riêng phần dành cho chứng khoán, ngoài CP còn nhiều hàng hóa như TP, chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng khoán chuyển đổi... Do đó, phần dành cho TP trong danh mục đầu tư là nên có nhưng tỷ lệ phần trăm chính xác tùy thuộc vào mỗi NĐT cùng với chiến lược đầu tư khác nhau.

TNO

Các tin tức khác

>   NHC giải trình biến động giá cổ phiếu (31/07/2007)

>   SDN giải trình nguyên nhân tăng lợi nhuận Quý II/2007 so với Quý I/2007 (31/07/2007)

>   Đấu giá tài sản ở Việt Nam (31/07/2007)

>   Vốn vào chứng khoán: Chủ động là chủ yếu (31/07/2007)

>   Yên Nhật tăng giá mạnh so với USD (31/07/2007)

>   “VNPT muốn mở rộng hoạt động sang đầu tư tài chính” (31/07/2007)

>   Nhân sự tài chính ngân hàng thiếu trầm trọng (30/07/2007)

>   Thị trường bảo hiểm Việt Nam: Cạnh tranh gay gắt (30/07/2007)

>   Prudential Việt Nam tiếp tục chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng (30/07/2007)

>   ACB được phát hành 6.500 tỷ đồng giấy tờ có giá dài hạn  (30/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật