Thị trường bảo hiểm Việt Nam: Cạnh tranh gay gắt
6 tháng đầu năm 2007, sức cạnh tranh trên thị trường BH Việt Nam tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Nhiều DN BH mới thành lập đã đi vào ổn định và bắt đầu mở rộng hoạt động như: BIC phát triển mạnh nhờ sự hỗ trợ tích cực của BIDV trong các dự án đầu tư lớn. BH Toàn Cầu tận dụng khai thác triệt để ở các dịch vụ bảo hiểm kỹ thuật và tài sản từ các cổ đông lớn là SFC (Công ty bay dịch vụ) và EVN. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đang có kế hoạch thành lập Cty BH.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, trong 6 tháng đầu năm 2007 doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam đạt tăng trưởng khoảng 12-13%, trong đó Bảo hiểm Dầu khí (PVI) tăng trưởng trên 40%, Bảo Minh tăng trưởng khoảng 11%, Pjico tăng trưởng khoảng 15%. Bảo Việt Việt Nam (BVVN) trong 6 tháng đầu năm 2007, doanh thu phí bảo hiểm đạt 46% kế hoạch năm, tăng trưởng 10,5% so với cùng kỳ năm 2006. Theo đánh giá của các chuyên gia, một điểm đáng chú ý là thời gian qua là việc ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 42-43 và các thông tư hướng dẫn về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được ban hành cùng với các cam kết của Việt Nam về gia nhập WTO có hiệu lực từ 1/1/2007, đã bắt đầu tác động tới hoạt động khai thác dịch vụ của các DNBH có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Một số văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động kinh doanh bảo hiểm được ban hành đã tác động tích cực tới khả năng tăng trưởng doanh thu bảo hiểm cho tòan thị trường như Nghị định bắt buộc về bảo hiểm cháy nổ, BH xe cơ giới, hay Nghị định mới qui định về BH y tế thay đổi cách thức chi trả (bệnh nhân tự đóng 20%), Nghị định qui định chi tiết luật du lịch yêu cầu các Cty lữ hành mua BH bắt buộc cho khách.
Đối với nghiệp vụ BH xe cơ giới, các DNBH đã chú ý hơn đến chất lượng dịch vụ và gia tăng giá trị cho chủ phương tiện như đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết bồi thường nhanh chóng, bổ sung dịch vụ cứu hộ, hỗ trợ lái xe. Việc khai thác ồ ạt và thiếu thận trọng trong mấy năm qua đã cho thấy không có hiệu quả. Trong khi hoạt động khai thác dịch vụ BH kết hợp với ngân hàng được phát triển mạnh hơn thông qua các hình thức thẻ tín dụng ngân hàng… Sự phát triển đó sẽ khẳng định vị trí của từng DNBH trên thị trường. Nghị định của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch cũng đã được ban hành ngày 01/6/2007 nhưng vẫn chỉ quy định chung chung về việc mua BH cho khách du lịch. Tổng Cục du lịch hiện vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về mức mua BH cũng như công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện của các DN lữ hành, vì vậy trong 6 tháng cuối năm 2007 sẽ chưa có sự thay đổi đột biến về nghiệp vụ này. Đối với lĩnh vực BH hàng hóa, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện gặp phải sức cạnh tranh gay gắt. Nhiều DNBH đưa ra mức hạ phí bảo hiểm từ 40-60%, kể cả các mặt hàng nhạy cảm có tỉ lệ bồi thường cao. Bên cạnh đó các DN môi giới BH luôn đưa ra các điều khoản mở rộng trái tập quán BH như thiếu hàng trong container nguyên chì, điều khoản BH cho các rủi ro bị loại trừ trong qui tắc BH …, đã dẫn đến tình trạng phí thu ngày càng thấp nhưng trách nhiệm của người BH ngày càng cao.
Trong lĩnh vực BH cháy ổ, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 130 về chế độ BH cháy nổ bắt buộc, tiếp đó Bộ Tài chính và Bộ Công an đã ban hành hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Nghị định. Nhận thức chung của nhiều doanh nghiệp, cá nhân về bảo hiểm tài sản ở một số địa bàn lớn như Hà Nội, Bà Rịa Vũng Tàu và một số địa bàn nhỏ khác đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chế độ bảo hiểm Cháy nổ bắt buộc với hệ thống biểu phí cao hơn nhiều so với biểu phí đang áp dụng gây khó khăn, lúng túng cho các DNBH. Một thực tế đáng lưu ý là hiện nay, mặc dù những thiệt hại do các nguyên nhân cháy, nổ trên tòan quốc là rất lớn, nhưng việc tham gia bảo hiểm tài sản của các doanh nghiệp của Việt Nam thuộc các lĩnh vực như điện lực, xi măng, dệt may, da giầy, nhựa, hóa chất, thuốc lá,… còn hạn chế trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì ngược lại.
Từ thực tiễn hoạt động kinh doanh cũng cho thấy, hiện các DNBH trên thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn sử dụng kênh khai thác chính là Đại lý chuyên nghiệp. Tính đến hết tháng 6/2007, BVVN có gần 4.000 đại lý chuyên nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, hoạt động ổn định. Doanh thu do lực lượng này khai thác tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2006. BVVN còn có lợi thế hơn so với các DNBH khác là phối hợp sử dụng khỏang 4.300 đại lý từ hệ thống Bảo Việt Nhân thọ thai thác các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. Doanh thu do đội ngũ này khai thác tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia trong ngành, hiện nay tình hình cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu bằng cách hạ phí phi kỹ thuật, tăng chi phí khai thác vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt từ các DNBH nhỏ, trong khi đó, hoạt động của các Cty BH nước ngoài tiếp tục hướng vào chuyên môn hóa, với chiến lược "chọn lọc rủi ro, tập trung vào khúc thị trường mục tiêu" nên mặc dù mức độ cạnh tranh chưa cao, nhưng họ đang chiếm lĩnh dần các khúc thị trường có hiệu quả tốt. Các môi giới bảo hiểm nước ngoài tiếp tục hoạt động tốt, tuy nhiên có sự chuyển dịch hướng khai thác bảo hiểm tài sản sang các sản phẩm bảo hiểm y tế, con người, trách nhiệm nghề nghiệp có nhiều tiềm năng hơn.
Theo DDDN
|