Thứ Ba, 31/07/2007 15:38

Tp.HCM rục rịch tăng giá nước

Nghị định 117 được Thủ tướng Chính phủ kí ngày 11/7 đã quy định rõ: giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ để đảm bảo các chi phí sản xuất hợp lí của quá trình sản xuất, phân phối nước sạch, bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước.

Dựa trên cơ sở đó, hiện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đang phối hợp với Viện Kinh tế Tp.HCM triển khai đề án lộ trình giá nước giai đoạn 2007-2013 và dự kiến sẽ trình UBND thành phố trong thời gian tới.

Mức giá cũ không còn phù hợp

Vấn đề nước sạch tại Tp.HCM từ trước tới nay luôn làm "đau đầu" các nhà quản lý. Chất lượng nước sạch chưa ổn định, nhiều khu vực trong thành phố chưa có hệ thống nước máy, tình trạng nước đục diễn ra nhiều nơi, thuỷ lực nước nơi mạnh nơi yếu...

Giải thích cho vấn đề này, các đơn vị cấp nước tại Tp.HCM cho biết, do ngành không đủ vốn để duy tu và đầu tư mới.

Năm 2004, giá nước sạch trên địa bàn Tp.HCM đã được điều chỉnh và áp dụng đến nay. Theo đó, giá nước sạch được Sawaco đang áp dụng là 2.700 đồng/m3 đối với định mức 4 m3/người, từ 4-6 m3: 5.400 đồng/m3/tháng và trên 6 m3 là 8.000 đồng/m3, cơ quan hành chính 6.000 đồng/m3, giá nước sản xuất: 4.500 đồng/m3, giá nước kinh doanh dịch vụ là 8.000 đồng/m3.

Theo Phòng Nghiên cứu phát triển đô thị (Viện kinh tế Tp.HCM), giá nước hiện nay chỉ phù hợp với cách tính đúng và tính đủ của thời điểm thị trường năm 2003. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, giá nguyên vật liệu trên thị trường thay đổi liên tục, đặc biệt thời gian gần đây giá cả trên thị trường theo chiều hướng tăng vọt.

Ngành cấp nước Tp.HCM đang trong tình cảnh không chủ động được trong sản xuất kinh doanh, thu không đủ chi, phần lớn các chi phí duy tu cải tạo và tái đầu tư đều phụ thuộc vào sự hỗ trợ của ngân sách thành phố và nguồn vốn vay.

Do vậy, để ngành cấp nước phát triển thì không thể giữ mãi mức giá nước sạch như hiện nay.

Giá nước mới, cần tính đúng tính đủ

Theo Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam, ông Nguyễn Tôn, thì giá nước sạch được tính theo nguyên tắc đúng và tính đủ sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cấp nước nâng cao chất lượng nước, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và còn khuyến khích người sử dụng nước tiết kiệm hơn.

Khi chủ động được nguồn chi tiêu, các doanh nghiệp sẽ cố gắng giảm thêm mức chi phí nâng cao lợi nhuận, từ đó sẽ có nguồn đầu tư cải tạo lại hệ thống làm giảm dần tỉ lệ thất thoát nước.

Mục đích của việc tính giá nước sạch theo cách tính đúng tính đủ là để các doanh nghiệp cấp nước hoạt động kinh doanh bình đẳng với các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác.

Tính đúng tính đủ là phải đảm bảo chi phí vận hành gồm tiền điện, nhân công, nguyên vật liệu, hoá chất xử lí nước, duy tu sửa chữa, đầu tư dịch vụ nợ, thuế...

Theo cách tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu á (ADB), khả năng chi trả phí sử dụng nước của người dân được xác định ở mức trên dưới 3% thu nhập bình quân thực tế/người/tháng.

Nếu giá nước sinh hoạt bình quân 4.000 đồng/m3 và với định mức 4 m3/người/tháng thì một người phải trả 16.000 đồng/tháng. Khoản tiền nước này vẫn còn thấp hơn mức chi tiêu tiền nước mà WB và ADB tính toán đối với nguồn thu nhập bình quân khoảng 800.000 đ/tháng/người.

Vì vậy, khả năng chi trả chi phí sử dụng nước sạch còn lớn và có tính đúng tính đủ cũng chưa vượt qua mức chi trả người dân.

Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Tp.HCM, ông Lê Hiếu Đằng, cũng cho rằng giá nước còn phải tính sao để cho doanh nghiệp cấp nước có lãi. Khi đó, doanh nghiệp mới có điều kiện bù chéo cho những đối tượng được hưởng mức giá nước thấp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để người tiêu dùng chấp nhận việc tăng giá nước, các đơn vị cấp nước phải nâng chất lượng dịch vụ, chất lượng nước phải tốt hơn, không thể để tình trạng nước đục, nước yếu diễn ra thường xuyên.

TTXVN

Các tin tức khác

>   Tổng quan kinh tế 7 tháng có gì đáng chú ý? (31/07/2007)

>   Đồng Nai: Kim ngạch xuất khẩu tăng trên 30% (31/07/2007)

>   Ngày mai, giá sữa tại VN lại tiếp tục tăng mạnh (31/07/2007)

>   Thuế thu nhập: càng thảo luận càng rối (31/07/2007)

>   “Bùng nổ” dự án đầu tư cho ngành thép: Lợi hay hại? (31/07/2007)

>   Lãi suất tiền gửi và dư nợ USD tăng, vì sao? (31/07/2007)

>   Đừng quên trái phiếu (31/07/2007)

>   Đồng ý nhận vốn của AFD cho dự án phát triển nông thôn (31/07/2007)

>   Dầu thô: Khai thác, xuất khẩu đều giảm (31/07/2007)

>   Đấu giá tài sản ở Việt Nam (31/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật