Thứ Ba, 31/07/2007 12:08

Ngày mai, giá sữa tại VN lại tiếp tục tăng mạnh

Ngày mai (1/8), đợt tăng giá sữa thứ 4 kể từ đầu năm sẽ khởi động với “phát súng” đầu tiên là 32 chủng loại sữa của hãng Mead Johnson. Trong đó, có loại tăng tới 100.000đ/hộp. Vì sao giá sữa tại VN lại liên tục tăng vọt làm "choáng váng" người tiêu dùng đến vậy?

Sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 24% nhu cầu

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), dự tính năm 2007, sản lượng sữa trong nước sẽ tăng khoảng 12,7% so với năm 2006 (đạt khoảng 243.000 tấn).

Thế nhưng, nguồn sữa trong nước cũng chỉ đáp ứng được 24% nhu cầu tiêu dùng, nghĩa là năm nay Việt Nam phải nhập khoảng 770.000 tấn sữa (quy đổi).

Hiện trong nước có khoảng 132.000 con bò sữa, 23 nhà máy và cơ sở chế biến sữa. Theo kế hoạch, đến năm 2010, đàn bò sữa trong nước sẽ tăng lên 200.000 con và đáp ứng 28-30% nhu cầu sữa trong nước.

Đến năm 2015, các con số này lần lượt là 300.000 con và 37-38%; năm 2020 là 500.000 con và 40-43% (tương đương 1,1 triệu tấn sữa). Đây được xem là ngưỡng bền vững trong phát triển bò sữa, cân xứng với các điều kiện có thể ở trong nước.

Do đó, có thể nói, hàng chục năm sau, nước ta vẫn phải nhập lượng sữa lớn hơn sản lượng sữa trong nước. Điều đó cho thấy, giá sữa trong nước sẽ còn phụ thuộc thị trường sữa nước ngoài lâu dài.

Giá sữa thị trường nước ngoài thời gian qua tăng khoảng 70% so với giá trung bình năm 2006. Thử hạch toán: Giá sữa bột nguyên chất là 4.700 USD/tấn, tiền thuế 12%, vị chi giá sữa nhập vào trong nước là 5.640 USD/tấn, tương đương 90.200 đồng/kg. Đấy là chưa tính chi phí khi pha trộn thêm các hoạt chất bổ sung khác trước khi bán ra thị trường.

Trong khi người chăn nuôi bán cho nhà máy với giá trung bình 6.500 đồng/lít sữa tươi (đầu năm 2007, chỉ 4.300 đồng/lít) thì người tiêu dùng lại phải mua với giá trung bình 11.280 đồng/lít. Sự chênh lệch quá lớn này khiến cả người chăn nuôi và người tiêu dùng chịu thiệt đáng kể.

Sữa bột của hãng Mead Johnson bắt đầu tăng mạnh từ 1/8. Theo đó, EnfaGrow loại 1,8kg tăng từ 329.000 đồng/hộp lên 425.000 đồng; EnfaProA+ loại 900g tăng từ 219.000 đồng lên 245.000/hộp. Một số sản phẩm sữa (chủ yếu là dòng sữa tươi) của Vinamilk, HancoFood, Nutifood tiếp tục tăng khoảng 5% so với thời điểm cuối tháng 7/2007.

Đại diện Vinamilk cho biết, một số sản phẩm, nhất là dòng sữa bột của hãng này cũng sẽ tăng giá.

Giảm thuế để người dân hưởng lợi

Giá sữa tăng còn do nhiều nguyên nhân khác. Nhiều ý kiến cho rằng nhiều hãng sản xuất và phân phối sữa chi phí nhiều cho khâu trung gian và để cạnh tranh, họ tăng tốc “chạy đua” trong quảng cáo, tiếp thị sản phẩm khiến giá sữa đội cao trong thời gian qua. Tất cả chi phí này được tính vào giá bán sản phẩm và không ai khác, người tiêu dùng phải gánh chịu.

Có nhiều ý kiến cho rằng, giá sữa trong nước hiện cao hơn so với nhiều nước, ngay cả với Thái Lan - đất nước không có thế mạnh về chăn nuôi bò sữa.

Thực hư ra sao? Tại Thái Lan, sữa Similac IQ 900 g giá 225.000 đồng/hộp nhưng tại Việt Nam tới 275.000 đồng/hộp. Sự chênh lệch này chủ yếu là do chính sách thuế khác nhau giữa các quốc gia. Đối với các loại sữa dành cho trẻ em, thuế nhập khẩu ở Thái Lan là 15% nhưng ở Việt Nam cao gấp đôi (30%).

Trao đổi với PV Tiền phong, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) cho biết, việc giảm thuế nhập khẩu là cần thiết, vì lợi ích người tiêu dùng. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trong nước còn non yếu thì phải thực hiện từng bước, theo lộ trình đã cam kết với WTO.

Trong 5 năm tới, thuế nhập khẩu sữa sẽ chưa có thay đổi đáng kể, vì chỉ giảm 5% (còn lại 25%) đối với các loại sữa thành phẩm. Như thế, người tiêu dùng nước ta sẽ còn phải dùng sữa giá cao trong nhiều năm tới.

Vậy là lại rơi vào vòng luẩn quẩn. “Dù có giải thích bằng lý do gì đi chăng nữa thì cũng phải đặt lợi ích của hơn 80 triệu người tiêu dùng Việt Nam lên hàng đầu, chứ không phải là số ít nhà sản xuất” - Một chuyên gia kinh tế Bộ Thương mại bức xúc. Đó cũng là đòi hỏi của người tiêu dùng trong nước.

Tiền Phong

Các tin tức khác

>   Thuế thu nhập: càng thảo luận càng rối (31/07/2007)

>   “Bùng nổ” dự án đầu tư cho ngành thép: Lợi hay hại? (31/07/2007)

>   Lãi suất tiền gửi và dư nợ USD tăng, vì sao? (31/07/2007)

>   Đừng quên trái phiếu (31/07/2007)

>   Đồng ý nhận vốn của AFD cho dự án phát triển nông thôn (31/07/2007)

>   Dầu thô: Khai thác, xuất khẩu đều giảm (31/07/2007)

>   Đấu giá tài sản ở Việt Nam (31/07/2007)

>   Đấu giá bán tiếp cổ phần Nhà máy nước Bảo Lộc (31/07/2007)

>   “VNPT muốn mở rộng hoạt động sang đầu tư tài chính” (31/07/2007)

>   Đâu là nguyên nhân tăng giá tiêu dùng? (31/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật