Thứ Hai, 30/07/2007 10:15

SCIC bán cổ phần tại Cty giày Đông Anh: Bên thoái vốn - bên ngăn cản

Tổng Cty Đầu tư & kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tiếp nhận và quản lý 45% vốn nhà nước tại Cty cổ phần giày Đông Anh (DAFCO) từ Bộ Thương mại. Sau khi cơ cấu bộ máy ổn định tình hình, SCIC bán phần vốn trên cho đối tác chính của DAFCO. Thế nhưng việc thoái vốn trên đã bị ngăn cản bởi chính những thành viên của DAFCO. Vì sao vậy?

DAFCO rối ren

Có thể nói, sự rối ren, mâu thuẫn, sai phạm... mà cuối cùng là sự làm ăn kém hiệu quả đã trở thành nỗi ám ảnh trong quá trình phát triển của DAFCO.

Vào tháng 8.2006, thừa lệnh của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thương mại chuyển giao 45% vốn nhà nước cho SCIC quản lý và là đại diện sở hữu. Theo lãnh đạo SCIC, sự tiếp nhận này quả là khó khăn khi vào thời điểm đó, DAFCO rơi vào tình trạng bê bối và đình trệ.

Cụ thể, tình trạng công nhân đình công đã xảy ra. Bên cạnh đó, hầu hết đội ngũ lãnh đạo của DAFCO đều bị Cơ quan cảnh sát điều tra và Đảng ủy Bộ Thương mại kết luận có vi phạm pháp luật. Thậm chí, một số thành viên đã bị cơ quan pháp luật khởi tố hình sự.

Sau khi tiếp nhận phần vốn, SCIC cùng DAFCO tổ chức thành công Đại hội cổ đông và bầu ra Hội đồng quản trị mới, trong đó có một số lãnh đạo cũ của DAFCO (dù đã có tì vết về sai phạm).

Sau một thời gian, tình hình sản xuất, kinh doanh của DAFCO đi vào ổn định. Thực tế, đây là một thành công khi SCIC là cơ quan nhà nước có phần trách nhiệm tái cơ cấu các DN có dấu hiệu khủng hoảng.

Tháng 1.2007, SCIC thực hiện chủ trương thoái phần vốn nhà nước bằng cách bán lại 45% vốn cho Cty Jim Brother's (Đài Loan). Thế nhưng, không đồng thuận với việc làm của SCIC, các thành viên lãnh đạo của DAFCO đã ngăn cản.

SCIC và DAFCO nói gì?

Tại đơn kiến nghị do ông Nguyễn Đức Đăng, thay mặt chi bộ và các thành viên ban lãnh đạo DAFCO gửi đi nhiều nơi kiến nghị các cơ quan chức năng làm rõ các vấn đề. Cụ thể những câu hỏi được đặt ra là: SCIC bán phần vốn trên trước thời hạn quy định là đúng hay sai?

Bên cạnh đó, SCIC cũng không thực hiện bán đấu giá phần vốn trên mà lại thực hiện theo phương thức thỏa thuận liệu có được luật pháp cho phép?

Đặc biệt, các thành viên ban lãnh đạo DAFCO cũng đặt nghi vấn: Việc SCIC bán 45% vốn liệu có vi phạm quy định về mức góp vốn của DNNN tại VN? Cùng với việc đặt ra những câu hỏi trên, các lãnh đạo của DAFCO đã gây sức ép và dùng biện pháp hành chính ngăn cản việc SCIC và Jim Brother's bán và tiếp nhận cổ phần.

Trả lời những vấn đề trên; đồng thời báo cáo giải trình với Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan, lãnh đạo SCIC cho biết: Qua thời gian tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, SCIC nhận thấy DAFCO có nhiều vấn để rủi ro; làm ăn không mấy hiệu quả. Đây chính là nguyên nhân khiến SCIC quyết định bán phần vốn trên để bảo toàn phần vốn của Nhà nước được Chính phủ giao cho SCIC quản lý.

Ngoài ra theo SCIC,  việc bán phần vốn trên hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật. Cụ thể, việc bán cổ phần trước thời hạn đã được Đại hội đồng cổ đông DAFCO thông qua với tỉ lệ cho phép là 86,79%.

Bên cạnh đó, việc bán thoả thuận số cổ phần trên mà không thông qua đấu giá cũng thuộc thẩm quyền của SCIC. Lãnh đạo SCIC giải thích: "Tại Quyết định về Điều lệ tổ chức và hoạt động do Thủ tướng ban hành đã quy định: SCIC được chuyển nhượng cổ phần theo quy định của Luật DN và Điều lệ Cty".

Theo đó, SCIC được quyền chọn phương thức bán cổ phần trên cơ sở tạo hiệu quả và chọn đối tác tốt cho DN. Đồng thời, SCIC cũng khẳng định việc bán số vốn trên không vi phạm tỉ lệ sở hữu của NĐTNN tại VN.

Đặc biệt, việc chọn đối tác để bán cũng phù hợp bởi Jim Brother's chính là đối tác cung cấp toàn bộ nguyên liệu, máy móc, bao tiêu sản phẩm (DAFCO chỉ thu phí gia công).

Hơn thế khi bán phần vốn, SCIC đã đạt được điều kiện có lợi gồm: Cty Jim Brother's cam kết tôn trọng Hợp đồng hợp tác kinh doanh đã ký kết với DAFCO; cam kết đảm bảo quyền lợi cho NLĐ; cam kết giữ ổn định cơ cấu ban lãnh đạo DAFCO trong thời gian dài. Cuối cùng, giá bán phần vốn cũng đạt mức cao.

Rõ ràng, mâu thuẫn trên tự thân SCIC và DAFCO đã không thể giải quyết được; vì thế rất cần sự "cầm cân nảy mực" từ phía các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong khi chờ "trọng tài" phân xử thì mâu thuẫn giữa SCIC và ban lãnh đạo DAFCO tiếp tục phát sinh và ngày càng căng thẳng. Chính điều này khiến tập thể công nhân Cty lo ngại DAFCO rất có thể rơi vào cơn khủng hoảng mới.

Các tin tức khác

>   Cổ tức cho nông dân: Ý tưởng vẫn khó khả thi (30/07/2007)

>   25.100 cổ phần Vincom bị từ chối (28/07/2007)

>   Giao dịch OTC sẽ như thế nào? (28/07/2007)

>   Thông báo bán tiếp cổ phần Vincom (28/07/2007)

>   Cuộc đua IPO ngân hàng (27/07/2007)

>   Vinasun sắp lên sàn (27/07/2007)

>   Xung quanh chuyện đổi đất lấy cổ phần (27/07/2007)

>   Cổ phần hóa VinaPhone và MobiFone chậm: Phải chăng VNPT không có kinh nghiệm? (27/07/2007)

>   10.8: Hidico bán đấu giá 328.000 cổ phần (27/07/2007)

>   Hội thảo lấy ý kiến về phương án tổ chức và quản lý giao dịch của Công ty đại chúng (26/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật