Xung quanh chuyện đổi đất lấy cổ phần
Nông dân góp vốn bằng đất xây dựng khu công nghiệp, nuôi tôm, sản xuất nông nghiệp, mô hình đổi đất lấy cổ phần đã xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước song có nơi thành công, có nơi thất bại. Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội có đánh giá về mô hình này, trong đó câu chuyện về CTCP Bắc Vọng (Sóc Sơn, Hà Nội) được đưa ra mổ xẻ.
Ý tưởng hay
Ba năm trước, từ một đề tài nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhằm liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà DN, nhà khoa học và Nhà nước), lãnh đạo TP. Hà Nội lúc đó đã quyết định chỉ đạo thí điểm mô hình DN nông thôn do “nông dân góp đất cổ phần” với 277 cổ đông, phần lớn là các hộ dân thôn Bắc Vọng (xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Có hơn 250 cổ đông góp vốn bằng đất và có 20 sáng lập viên góp vốn bằng tiền mặt từ 50 triệu đồng trở lên, riêng Giám đốc Nguyễn Hữu Thực góp 300 triệu đồng, cộng thêm 2 thành viên góp vốn là Công ty Giống cây trồng Trung ương và Công ty Bia Việt Hà. Công ty cổ phần Bắc Vọng được thành lập với số vốn 800 triệu đồng tiền mặt và 50 héc-ta đất cổ phần.
Theo mô hình CTCP được xây dựng, ngoài cổ tức được hưởng theo tỷ lệ đóng góp, mỗi sào ruộng góp sẽ được trả tiền hoa lợi 230.000 đồng/vụ. Theo tính toán ban đầu, Công ty sẽ đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, gia cầm, trồng lúa chất lượng cao và xây dựng 1 nhà máy bia với kỳ vọng sẽ cho doanh thu khoảng 8,7 tỷ đồng/năm, lợi nhuận gần 2 tỷ đồng/năm. Đề án như vậy nhưng khi thực hiện nhiều rắc rối đã nảy sinh, nhiều cổ đông không thống nhất cách góp đất, nên chỉ “vận động” được hơn 30 héc-ta, tạo ra tình trạng ruộng Công ty đan xen ruộng dân khiến khó áp dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất bia lạc hậu, cũ kỹ, vận hành kém… Hiện CTCP Bắc Vọng gần như phá sản, nợ dân 280 triệu đồng.
Ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, khó khăn lớn nhất khi thực hiện mô hình nông dân góp cổ phần bằng đất ở chỗ tính giá trị quyền sử dụng đất sao cho hợp lý, nếu cao quá doanh nghiệp không chịu, còn thấp quá người dân lại thiệt và không tham gia, có thể dẫn tới đổ vỡ dự án. Một trong những mục đích lớn của mô hình này là người nông dân thông qua việc được mua cổ phiếu của nhà máy, cuộc sống của họ sẽ ổn định hơn nhờ được hưởng cổ tức lâu dài khi nhà máy đi vào hoạt động, tuy nhiên bảo hộ quyền đó ra sao khi DN phá sản, chuyển đổi sản xuất lại chưa có một văn bản pháp luật nào quy định. Ngay cả trường hợp nông dân muốn rút cổ phần, chuyển nhượng cũng cần quy định chặt chẽ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, đổi đất lấy cổ phiếu là một sáng kiến hay và có thể triển khai trong thực tế. Nhìn ra khu vực, ở Đài Loan, Hàn Quốc... mô hình này được thực hiện từ lâu và rất tốt. Hơn 1 năm trước, TP. HCM cũng đã thí điểm triển khai thực hiện việc góp đất vào các dự án đầu tư phi nông nghiệp. Ngay khi chuẩn bị Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa IX), vấn đề này cũng được đưa ra thảo luận rất kỹ và có khá nhiều ý kiến tán đồng, pháp luật hiện hành cũng khuyến khích cơ chế góp vốn bằng đất vào các dự án đầu tư.
Gỡ vướng
Câu chuyện đổi đất lấy cổ phần gần đây lại được dư luận quan tâm khi ông Y Thông, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) - nơi có 3 công trình thủy điện lớn được xây dựng trên địa bàn gồm Nhà máy Thuỷ điện sông Ba Hạ, Vĩnh Sơn - Sông Hinh; Krông H'năng, nhắc lại đề xuất đền bù giải phóng mặt bằng các công trình thủy điện cho dân bằng cổ phiếu của chính những công trình này. Sau khi xây dựng xong, hầu hết nhà máy thủy điện này đều cổ phần hóa, cổ phiếu được giới đầu tư mua bán sôi động, trong khi đó đời sống của người dân các khu vực giải tỏa, tái định cư rất khó khăn.
Đề xuất của ông Y Thông, theo các chuyên gia, thực hiện không dễ bởi những nơi dành đất xây dựng nhà máy điện thường là những vùng khó khăn. Tâm lý đa số nông dân nằm trong diện bị thu hồi đất vẫn muốn cầm ngay tiền mặt. Ít người tính đến cơ chế dùng một phần vốn để mua cổ phiếu nhằm lấy lợi tức chưa chắc lắm sau này.
Đề cập đến giải pháp gỡ vướng vấn đề này, ông Võ đề xuất, Nhà nước có chính sách riêng, có thể cho phép tính giá đất nông nghiệp để bồi thường cao hơn đối với những trường hợp người bị thu hồi đất đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ bằng cổ phiếu, ngoài ra nên có chính sách bán cổ phiếu ưu đãi cho những đối tượng này.
Từ giai đoạn đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng đến khi phát hành cổ phiếu là một quá trình, do vậy để đảm bảo quyền lợi cho người dân, trước khi giải tỏa, chủ đầu tư phải cam kết phát hành cổ phiếu ưu đãi ngay sau khi công trình hoàn thành; hoặc quy đổi ngay số cổ phiếu ưu đãi (được chuyển đổi từ một phần tiền đền bù đất thành cổ phiếu) thành vốn góp ngay từ khi tiến hành các đợt phát hành cổ phiếu huy động vốn đối với những công trình xây dựng mới. Thực hiện chế độ kiểm toán chặt chẽ đối với những dự án áp dụng cơ chế này nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hệ thống tài chính, kế toán để tránh tình trạng “lỗ giả tạo”.
“Với điều kiện thị trường như hiện nay, nhiều người dân bắt đầu quan tâm đến việc làm giàu từ chứng khoán, vấn đề quyết định thành công hay không thuộc về tính nghiêm túc của nhà đầu tư và cơ chế giám sát hoạt động kinh tế đối với doanh nghiệp”, ông Võ nói.
TP. HCM đang thực hiện đề án huy động nông dân góp vốn bằng giá trị đền bù quyền sử dụng đất để xây dựng khu công nghiệp, với dự án đầu tiên là Khu đô thị công nghiệp Cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Theo dự kiến của Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP. HCM, tổng mức đầu tư tạm tính cho dự án là 6.000 tỷ đồng, trong đó vốn của chủ sở hữu là 2.000 tỷ đồng, gồm nông dân góp bằng tiền đền bù quyền sử dụng đất khi giải tỏa (gần 1.000 tỷ đồng). Thay vì nhận tiền đền bù giải tỏa, người dân sẽ quy đổi toàn bộ hoặc 1 phần thành cổ phiếu, trái phiếu và hưởng lợi tức hàng tháng từ giá trị chuyển đổi này. Cổ phiếu góp vào Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận - đơn vị thực hiện dự án - sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
ĐTCK
|