Cổ tức cho nông dân: Ý tưởng vẫn khó khả thi
Theo điểu tra xã hội học, có gần 80% nông dân sau khi giao đất xây dựng khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mới. Một đề án giúp người nông dân trở thành những cổ đông mà vốn đóng góp ban đầu chính là phần diện tích đất họ được quyền sử dụng vào các dự án phát triển KCN, nó không chỉ vừa mang lại lợi ích kinh tế mà nếu được làm tốt, còn mang lại tính ổn định cho cuộc sống của người nông dân sau khi bị thu hồi đất.
Tuy nhiên, những thử nghiệm đề án này lại gặp không ít khó khăn trên thực tế.Vì lý do tế nhị mà nhóm chủ nhiệm đề tài và những công ty cổ phần công nghiệp tham gia đề án yêu cầu được giấu tên...
Từ ý tưởng mua cổ phiếu bằng đất ...
Hiện nay, trên cả nước có tổng cộng 300 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích chiếm trên 200.000 ha. Đại đa số những KCN được xây dựng (XD) trên đất nông nghiệp. Người nông dân thì không được đào tạo nghề để kịp tiến độ công nghiệp hoá nên sau khi giao đất, nhận tiền bồi thường, nhiều hộ gặp không ít khó khăn để thích nghi với cuộc sống mới... Cho nông dân góp cổ tức bằng giá trị quyền sử dụng đất của họ, tại sao không?
Trong cao trào cổ phần hoá các DNNN để kịp lộ trình cam kết gia nhập WTO thì các DNNN sở hữu các KCN cũng được CPH. Đã từng có một nhóm xây dựng một dự án vạch ra một lối thoát cho người nông dân: Cho nông dân góp cổ tức vào dự án KCN bằng giá trị quyền sử dụng đất của họ, chính điều này thúc đẩy nhanh quá trình CPH. Tuy nhiên, đề án mang bao tâm huyết này gần 10 năm qua không thực hiện được bởi nó mang tầm vóc vĩ mô và gặp phải không ít rào cản trong thực tế áp dụng
Những rào cản từ thực tế
Rào cản lớn nhất để đưa đề án vào cuộc sống lại chính là nhận thức của người nông dân. Bao đời nay họ chỉ biết đến mảnh vườn, mảnh ruộng đã mang đến cho họ cuộc sống bình yên. Chính quan niệm kinh tế tự cung tự cấp khép kín này đã hằn sâu vào tâm thức bao thế hệ người nông dân nên khi nhóm chuyên gia của đề án lý giải cổ đông, cổ tức, chia lợi tức, hầu hết mọi người nghe đều mơ hồ và thấy xa vời với thực tế.
Bởi tài sản của mình mà giao cho người khác quản lý thì không một người nông dân nào chấp nhận. Trong tài liệu ít ỏi về công tác triển khai đề án được lưu tại Vụ quản lý khu công nghiệp và chế xuất- Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy: Đề án được mang ralàm thí điểm tại KCN Long Hậu- huyện Cần Giuộc-Long An. Cty công nghiệp, đơn vị chủ đầu tư xây dựng KCN thông báo cho những hộ dân bị thu hồi đất: Nông dân có quyền lựa chọn một trong hai cách góp vốn, thứ nhất là góp bằng quyền sử dụng đất đai, hai là nhận tiền bồi hoàn và dùng tiền đó mua lại cổ tức.
Danh sách người được mua lại cổ tức dựa trên danh sách thu hồi đất và ai mua bao nhiêu tuỳ khả năng mỗi người. Khi công ty tiến hành bồi hoàn xong, ưu tiên cho những người nông dân mua cổ tức với giá ưu đãi dành cho CBNV. Mệnh giá 1 cổ tức là 10.000 đồng. Họ cũng tham gia mua, nhưng mua xong lập tức bán sang tay cho những cán bộ, nhân viên của công ty cổ phần công nghiệp này với giá gấp đôi. Điều này buộc Ban giám đốc Cty lập tức ra lệnh ngưng ngay bán cổ tức cho nông dân... Hiện nay KCN này đã hoàn tất và lấp đầy các nhà đầu tư, điều đó đồng nghĩa với giá cổ tức đã sinh lợi tức nhưng không một nông dân nào còn là cổ đông của công ty. ...
Chương trình thí điểm thất bại. Tuy nhiên, những người thực hiện đề án một lần nữa thử nghiệm tại 1 dự án KCN khác. Nhưng tại đây một khó khăn mới lại nảy sinh: Nông dân đòi góp hết đất vào để mua cổ phiếu. Điều này ngoài sự tưởng tượng ban đầu. Nhưng tìm hiểu sâu hơn mới vỡ lẽ: Những người nông dân là chủ thực sự của những phần diện tích nằm trong dự án KCN đã bán đất và ra đi từ lâu.
Những người đòi đóng góp 100% quyền sử dụng đất để trở thành cổ đông của công ty thực chất là những đại gia bất động sản và những đầu lậu đã đầu cơ đất đai khi KCN mới được quy hoạch trên chủ trương, giấy tờ. Và đề án rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, những chủ đất mới yêu cầu nếu mua cổ tức bằng quyền sử dụng đất thì phải cho họ mua 100% giá trị quyền sử dụng đất, nếu không thì họ neo giá bồi hoàn theo giá thị trường...
Từ những thí điểm không mang lại thành công trên, đề án nhằm giảm gánh nặng, những vấn đề bức xúc cho người nông dân khi mất đất cho các dự án phát triển KCN vẫn rất cần sự ủng hộ của các cơ quan, chính quyền và các đoàn thể để ngăn chặn tình trạng thu gom đất của nông dân. Thực tế, việc phát triển các dự án KCN đang là yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương nhưng những thách thức trong việc tạo cuộc sống ổn định cho người dân "hậu khu công nghiệp", khi mà diện tích đất canh tác bị thu hẹp vẫn là thách thức không nhỏ.
Hanoinet
|