Thứ Sáu, 27/07/2007 17:44

Cuộc đua IPO ngân hàng

Dù ít hay nhiều, TTCK Việt Nam đã xuất hiện khá đầy đủ cổ phiếu DN của hầu hết ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường vẫn ngóng chờ sự xuất hiện của cổ phiếu các ngân hàng quốc doanh sau khi được cổ phần hóa (CPH) như một sự kiện có thể tạo chuyển biến mới về chất.

CPH dưới con mắt nhà tài chính

CPH ngân hàng bắt đầu từ Vietcombank và MHB với tư cách là những ngân đầu tiên được thí điểm. Tuy nhiên, điều được quan tâm nhiều nhất trong giai đoạn đầu CPH các ngân hàng quốc doanh lại chính là sự chậm trễ, nhùng nhằng và và điều chỉnh chính sách. Đến khi cái “nút” tư vấn CPH của Vietcombank được tháo gỡ thì hai ngân hàng khác là BIDV và Incombank cũng gần như đã bắt kịp tốc độ. Một cuộc đua CPH giữa các DN lớn nhất nước đã xóa tan mọi hình ảnh về sự ngần ngại, né tránh trong tiến trình CPH DNNN như đã từng thấy.

Tính chủ động của các ngân hàng trong CPH đã thúc đẩy sự sáng tạo của chính lãnh đạo các ngân hàng cũng như cơ quan chỉ đạo đổi mới DNNN. Trước hết, đó là đề xuất của Incombank và BIDV để Chính phủ chấp thuận cho áp dụng cơ chế ngân hàng được lập phương án CPH, chủ trì lựa chọn tư vấn CPH. Đây thực sự là bước đột phá nếu chúng ta biết rằng, chính Vietcombank và MHB đã vướng tại khâu này rất lâu.

Ông Đỗ Đức Cường, chuyên gia tư vấn của MHB đã từng nói thẳng: “CPH chậm không thể trách các ngân hàng mà nguyên nhân chính là các ngân hàng không được quyền chọn nhà tư vấn cho chính mình. Nếu Nhà nước giao quyền, các ngân hàng sẽ đi nhanh hơn”.

Chuẩn bị CPH, lãnh đạo các ngân hàng đi sau như BIDV và Incombank đều tìm cách nâng cao giá trị của ngân hàng dựa trên những thế mạnh và cả điểm yếu của mình. BIDV với trách nhiệm là ngân hàng đầu tư nhà nước và trách nhiệm này cũng để lại hậu quả nặng nề là Ngân hàng có số nợ xấu rất lớn. Ngay sau khi được chấp thuận CPH, lãnh đạo BIDV đã quyết định tập trung xử lý điểm yếu này bằng một “lát cắt” khá đau: áp dụng ngay tiêu chuẩn cao nhất trong hai sự lựa chọn về xếp hạng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cho phép vào thời điểm cuối năm 2006. Lẽ thông thường, không mấy ai chọn cách làm này để lộ thêm điểm yếu của mình nhưng BIDV thậm chí còn chấp nhận thực hiện xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s với những kết quả ban đầu không hẳn là dễ chịu.

Tuy nhiên, lãnh đạo BIDV lại nghĩ khác, việc chấp nhận một “lát cắt” đau đã mang lại cái lợi là BIDV nhận thức rõ hơn về nhiệm vụ trước mắt của mình cần thực hiện và quan trọng hơn, hành động của BIDV đã mang lại giá trị, uy tín lớn trong mắt nhà đầu tư và đối tác khi dám nhìn vào sự thật để khắc phục. Đến nay, nợ xấu của BIDV từ gần 10% đã xuống dưới 5% càng cho thấy đây là quyết định đúng và BIDV cũng tăng điểm uy tín nhờ “nói được và làm được”.

Trong quá trình cơ cấu lại để CPH, BIDV luôn thể hiện mình là một tổ chức đầu tư tài chính dẫn đầu khi liên tục đưa vào vận hành các quỹ đầu tư lớn; phát triển hệ thống công ty. Đặc biệt, BIDV thể hiện thành công vai trò trong việc đứng ra kêu gọi và dẫn đầu tổ hợp nhà đầu tư lớn trong nước thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng. BIDV đã dần thể hiện sự hình thành của một tập đoàn tài chính ngân hàng trong tương lai.

Trong khi đó, Incombank có lợi thế là tỷ lệ nợ xấu rất thấp. Với điểm mạnh này, không có gì lạ khi lãnh đạo Incombank ký hợp đồng với công ty kiểm toán hàng đầu thế giới Ernst&Young để kiểm toán hoạt động tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế, đồng thời đánh giá toàn diện danh mục cho vay, đầu tư và hoạt động kiểm tra, kiểm soát của Incombank.

Một thế mạnh riêng có của Incombank là hệ thống phân phối rộng khắp. Vì vậy, ngân hàng này có lẽ là một trong những DN đầu tiên xác định giá trị đất theo giá thị trường khi ký hợp đồng với Công ty Thẩm định giá (Bộ Tzài chính) để thẩm định giá trị tài sản của Ngân hàng mà chủ yếu là đất đai và bất động sản của hệ thống giao dịch. Ông Phạm Huy Hùng, Tổng giám đốc Incombank cho biết, nếu tính cả đất đai thì tài sản của Incombasnk sẽ tăng gấp 3 - 4 lần số vốn chủ sở hữu hiện nay.

Mỗi ngân hàng một cách, nhưng cảm nhận chung của nhà đầu tư là cả BIDV và Incombank đang có những lãnh đạo “chắc tay”, có cách làm khôn ngoan, biết tận dụng mọi điểm mạnh để nâng tầm giá trị của DN mình, tạo hình ảnh đẹp và niềm tin về giá trị thực của DN trước khi chuyển đổi và đưa cổ phiếu lên sàn.

Chúng tôi có “tiền tươi - thóc thật”

Đây là câu thành ngữ mà lãnh đạo các ngân hàng quốc doanh thường nói về triển vọng của cổ phiếu ngân hàng mình sau khi CPH và lên sàn.

Ông Phạm Huy Hùng trong buổi lễ ký kết tư vấn CPH vào tuần trước đã không ngần ngại tuyên bố: “Nếu được phép, Incombank sẵn sàng bán hết 49% cổ phần ngay trong năm nay và chậm nhất là trong quý I/2008”. Đây thực sự là một tuyên bố mạnh dạn đến bất ngờ khi toàn thị trường đang nghe ngóng chuyện giãn tiến độ IPO các DN lớn, trong đó có 4 NHTM quốc doanh.

Giải thích điều này, ông Hùng cho rằng, 49% cũng không đáng ngại, vấn đề là tỷ lệ phân phối cho các nhóm đối tượng khác nhau. Incombank có 5 nhóm đối tượng để bán cổ phiếu, trong đó riêng nhà đầu tư chiến lược đến nay đã có tới hơn 10 ngân hàng ngoại đăng ký. Tỷ lệ bán dự kiến cho mỗi nhà đầu tư chiến lược là 10%. Có lẽ nhờ đó mà Incombank rất tự tin vào quyết định của mình.

“Incombank cũng đã lường đến việc cổ phiếu các ngân hàng lớn lên sàn chắc chắn sẽ tạo ra sự điều chỉnh, nhưng đó là sự điều chỉnh tốt cho thị trường theo xu hướng ổn định dài hạn. Thậm chí, nếu cổ phiếu Incombank xuất hiện, nhà đầu tư có thể sẽ bán bớt cổ phần các DN khác trong danh mục đầu tư của mình để chuyển sang cổ phiếu Incombank. Đơn giản vì chúng tôi có tài sản lớn, lợi nhuận thực sự”, ông Hùng tự tin nói.

Ông Trần Bắc Hà, Tổng giám đốc BIDV cũng cho rằng, cổ phiếu của những DN có chất lượng sẽ giúp thị trường phát triển bền vững hơn, dù ban đầu sẽ có sự điều chỉnh. Chính ông Hà là người đề xuất Chính phủ điều tiết lại tiến độ IPO các DN lớn và cho biết, BIDV sẽ lùi lại nếu có yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, việc IPO sớm hay muộn đối với BIDV không quan trọng, BIDV tin vào giá trị của mình. Vấn đề lớn hơn là làm sao có được mức giá hợp lý cho Nhà nước và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Chính vì thế, khi được hỏi về triển vọng của BIDV, ông Hà đã không bình luận nhiều mà chỉ nói rằng: nhà đầu tư đến với BIDV hoàn toàn yên tâm, vì lợi nhuận của chúng tôi là “tiền tươi, tiền thật”.

Theo Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy thì việc giãn IPO hay không cần được xem xét cẩn trọng bởi vì giá IPO mới chỉ là một vấn đề của CPH, còn giá trị thực của một DN sẽ luôn được thị trường nhìn nhận đúng.

Trên thị trường, mỗi bước tiến CPH của các NHTM quốc doanh đều được nhà đầu tư chờ đón. Vietcombank muốn IPO vào tháng 8, Incombank vào tháng 10, BIDV quyết định sẽ xong trong quý IV. Một cuộc đua giữa các ngân hàng là điều nhìn thấy rõ và nhà đầu tư cũng cảm thấy thú vị khi chờ đợi xem ai là người đầu tiên chạm đích. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là tất cả các ngân hàng đang được chờ đón ở đích.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Vinasun sắp lên sàn (27/07/2007)

>   Xung quanh chuyện đổi đất lấy cổ phần (27/07/2007)

>   Cổ phần hóa VinaPhone và MobiFone chậm: Phải chăng VNPT không có kinh nghiệm? (27/07/2007)

>   10.8: Hidico bán đấu giá 328.000 cổ phần (27/07/2007)

>   Hội thảo lấy ý kiến về phương án tổ chức và quản lý giao dịch của Công ty đại chúng (26/07/2007)

>   Ra mắt Cty Cổ phần Sở hữu Công nghiệp INVESTIP (26/07/2007)

>   PVFC mở chi nhánh Sài Gòn (26/07/2007)

>   Làm cổ phiếu giả trị giá gần 100 tỷ đồng (26/07/2007)

>   HODECO đạt trên 7 tỷ đồng lợi nhuận (26/07/2007)

>   Phần lớn doanh nghiệp cổ phần kinh doanh có lãi (26/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật