Rung cây dọa … nhà đầu tư yếu bóng vía
Năm 2007 sẽ là năm đáng nhớ của đa số nhà đầu tư (NĐT) trên TTCK Việt Nam. Đó là sự biến động trên thị trường, tâm lý hoang mang băn khoăn do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan tác động đối với TTCK. Sau đây chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.
TS Lê Đăng Doanh (Chuyên gia cao cấp của Bộ Kế hoạch - Đầu tư)
Báo cáo của Merrill Lynch (ML) là một tiếng nói đáng chú ý song không phải là tiếng nói duy nhất. Phân tích của ML chỉ nêu lên một số các góc độ và chỉ tiêu nhưng có lẽ cần phải thấy TTCK của Việt Nam còn non trẻ và tỷ lệ vốn hóa so với GDP đang còn rất thấp. Thứ hai nữa là nguồn vốn đầu tư châu Âu, châu Mỹ ở Việt Nam hiện nay đang tăng cao. Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mà các nhà đầu tư chứng khoán châu Á cũng rất quan tâm. Tôi vừa mới từ Seoul về, nhận thấy các nhà đầu tư Hàn Quốc đang hết sức chú ý đến TTCK Việt Nam.
Chính phủ quyết định đưa ra 15, rồi sau đó đến 30 công ty lớn ghi danh trên TTCK (tức chuẩn bị IPO và sẽ niêm yết). Nếu các công ty này bán được số cổ phiếu như đã dự kiến thì có thể số vốn sẽ gia tăng từ 12 lên đến 17 tỷ USD, tức tăng khoảng 100% so với quy mô của TTCK Việt Nam hiện nay. Như vậy chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh của các nhà đầu tư. Do vậy có thể các nhà đầu tư sẽ bán các CP mà họ đang nắm giữ để mua các CP của những công ty lớn, thí dụ như Vietcombank hoặc các doanh nghiệp lớn khác. Việc tăng thêm các công ty quan trọng để ghi danh như vậy cho thấy cung cầu ở TTCK Việt Nam sẽ được cân bằng trên một mặt bằng mới, tức là trên quy mô mới hơn, lớn hơn. Sẽ có quy mô tương đương với tổng cộng tất cả các doanh nghiệp đã ghi danh khác. Vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần phải điều chỉnh.
Cần hiểu rằng TTCK Việt Nam dẫu sao vẫn còn rất non trẻ, nó cần phải được điều chỉnh bổ sung. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể rút đi rồi lại quay vào. Theo tôi không thể coi họ có tiếng nói duy nhất đúng. Và tôi cũng không tin rằng tất cả các nhà đầu tư nước ngoài sẽ làm theo lời khuyên của ML.
Trần Thanh(Nhà đầu tư sàn ACBS)
“Căn bệnh” 03 chưa kịp hồi phục thì một báo cáo của bộ phận nghiên cứu thị trường Ngân hàng Hồng Công và Thượng Hải (HSBC) khuyến cáo đã làm cho nhiều NĐT phải “lên máu” khi cho rằng TTCK Việt Nam sẽ còn giảm dưới 900 điểm vào cuối năm 2007. Thông tin trên cũng làm cho nhiều NĐT yếu bóng vía tin sái cổ. Cuối cùng ngưỡng 1.000 điểm của TTCK vẫn trụ vững. Vụ HSBC chưa nguôi ngoai thì Tổ chức tài chính ML tiếp tục khuyến nghị họ sẽ rút tiền đầu tư trên TTCK ra khỏi Việt Nam và chuyển hướng đầu tư sang Trung Quốc do chỉ số P/E (thu nhập/thị giá) của Việt Nam quá cao, khoảng 39,5% trong khi EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) chỉ khoảng 10% nên không còn hấp dẫn. Mặc dù đã rút kinh nghiệm từ HSBC nhưng rõ ràng sự nhạy cảm của TTCK dễ làm cho NĐT chao đảo.
Việc ML khuyến nghị tổ chức của họ nên chuyển sang đầu tư tại Trung Quốc cũng là chuyện bình thường. Nhận định của mỗi quỹ về thị trường mỗi nước mỗi khác, bởi không phải chỉ có TTCK Việt Nam mới hấp dẫn cho các NĐT. Tóm lại đã là TTCK thì sẽ có nhiều nhận định khác nhau, mâu thuẫn nhau, NĐT chỉ nên tham khảo, xem nó có độ tin cậy bao nhiêu để từ đó đánh giá lại những nhận định của họ.
Tuy nhiên, từ việc ML, chúng ta cũng nên đặt vấn đề về cơ sở để đưa ra khuyến cáo. Những chuyên gia viết báo cáo này chỉ có một vài ngày sang Việt Nam tìm hiểu số liệu nên xem ra hiểu không nhiều về TTCK Việt Nam. Báo cáo của HSBC trước đây và báo cáo của ML gần đây cho thấy có sự mâu thuẫn. HSBC dù nhận định không tích cực về TTCK Việt Nam nhưng cho rằng TTCK Trung Quốc đang trong giai đoạn điều chỉnh sâu, có nghĩa là hãy cẩn thận khi đầu tư vào. Trong khi đó ML thì khuyến nghị nên chuyển sang đầu tư vào Trung Quốc? Vậy phải chăng đây là “chiêu” làm khuynh đảo thị trường vì một lý do sâu xa nào đó, bởi suy cho cùng HSBC hay ML cũng chỉ là tổ chức đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
Lê Hồng Vàng (Nhà đầu tư trên sàn SSI)
Phải nói thật là bản báo cáo này đã làm cho rất nhiều NĐT vô cùng khó chịu vì nó hoàn toàn trái ngược với những gì là ML đưa ra vào cuối năm 2007. Trong khi đó ML chưa có đại diện tại Việt Nam và mức đầu tư cũng chỉ mới quanh quẩn ở mức 60 triệu USD. Vậy ML đưa ra có ý đồ gì ?
Đi sâu vào bản chất của sự việc mới thấy rằng vừa qua dư luận đã “đại chúng” một bản báo cáo chỉ dành cho nội bộ của một tổ chức. Đây chỉ là bản báo cáo dành cho khách hàng của ML và được thực hiện ở Quảng Tây, Trung Quốc - nơi thị trường đang sôi động, nên qua lăng kính ấy thì các thị trường khác sẽ kém hấp dẫn hơn. Bản báo cáo trên được thực hiện như các báo cáo khác mà các CTCK đang làm để gửi đến khách hàng của mình. Đó chỉ là một tài liệu tham khảo. Do đó, khi NĐT tham khảo hoặc áp dụng, ML sẽ không chịu trách nhiệm. Càng đọc càng thấy số liệu của ML về thị trường Việt nam đã rất lạc hậu so với hiện tại, nên dễ dàng thấy điểm yếu của nó cũng như tính thuyết phục không cao của bản báo cáo này. Vậy sao nhà đầu tư lại hoang mang? Đó là do chúng ta là không phân tích rõ mọi “tài liệu tham khảo”, ví von như không đọc hướng dẫn sử dụng trước khi dùng!
Một khía cạnh khác, là hơn tháng nay TTCK Trung Quốc lên cơn sốt trở lại, trong khi thị trường Việt Nam chững lại. ML khuyên khách hàng nên rút khỏi Việt Nam và chuyển sang Trung Quốc đã bộc lộ rõ chiến lược mà ML đưa đến cho khách hàng chính là chiến lược đầu tư ngắn hạn. NĐT nên thận trọng vì ngay trong điều kiện kinh doanh bình thường, NĐT vẫn được khuyên là mua vào trong lúc giá thấp và bán ra lúc giá cao. Trong khi đi đó ML lại khuyên ngược lại ! Hơn nữa trong dài hạn, thị trường Việt Nam vẫn được đánh giá có hệ số tăng trưởng cao (7-8% năm) trong khu vực, chỉ đứng sau Trung Quốc.
SGGP
|