Thứ Năm, 19/07/2007 18:34

Kiểm soát luồng vốn ngoại theo hướng khuyến khích và minh bạch

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình Chính phủ đề án thành lập Ban giám sát thị trường chứng khoán.

Theo đề án này, vấn đề kiểm soát luồng vốn ngoại đã được đề cập đến. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý sẽ được nhìn nhận theo quan điểm vừa khuyến khích vừa đảm bảo tính minh bạch nhưng không can thiệp trực tiếp bằng biện pháp hành chính.

Hiện nay, luồng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam đã lên tới hàng tỷ USD. Một trong những nguyên nhân là nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phát triển nhanh và bền vững. Thêm vào đó, khoảng hơn 1 năm trở lại đây, nguồn lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài kiếm được từ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam tăng đáng kể.

Theo nhà phân tích chứng khoán Trần Huy Hùng, ngoài tính hấp dẫn của một thị trường mới nổi, chính sách cởi mở cũng như không ràng buộc trong cơ chế đang tạo thuận lợi để các dòng vốn trên thế giới chuyển hướng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo thống kê, đến tháng 6/2007 đã có 206 tổ chức, quỹ đầu tư đăng ký tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó phần lớn là các tổ chức quy mô và có uy tín trên thế giới. Tuy nhiên, vốn ngoại vào nhiều đang đặt ra những vấn đề hết sức quan tâm. Nguồn vốn này giúp thị trường phát triển nhanh nhưng lại là một thách thức lớn trong công tác quản lý.

Đối với các dòng vốn của các nhà đầu tư ngắn hạn, họ coi thị trường Việt Nam chỉ là một danh mục đầu tư chứ không có cam kết đầu tư dài hạn trong khi không có ràng buộc nào về mặt pháp lý để hạn chế luồng vốn ra, vào. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thông qua các văn phòng đại diện rất khó kiểm soát bởi nó đã được thông qua một tổ chức đại diện (được hiểu như tổ chức tài chính trung gian). Ngoài ra, vốn ngoại vào nhiều sẽ đẩy cung tiền mua ngoại tệ lớn, nếu điều hành cung tiền không tốt thì có thể dẫn tới tình trạng lạm phát.

Nhà đầu tư nước ngoài chuyển vốn dưới dạng ngoại tệ vào để đầu tư, phải bán ngoại tệ lấy VND để mua chứng khoán. Kết thúc quy trình kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài phải mua lại ngoại tệ để chuyển vốn và lãi về nước. Trong trường hợp có quá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo kiểu ngắn hạn, cùng lúc bán chứng khoán thu hồi vốn và mua ngoại tệ để chuyển về nước thì sẽ làm nhu cầu về ngoại tệ tăng đột biến, gây áp lực lớn lên tỷ giá. Vì vậy, một số nước đã có những biện pháp quản lý để hạn chế luồng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán mang tính ngắn hạn, khuyến khích các dòng vốn đầu tư dài hạn.

Cũng có những ý kiến cho rằng, vốn ngoại vào nhiều khiến thị trường dễ bị nhà đầu tư nước ngoài thao túng, gây rủi ro cho hệ thống tài chính, sức ép lên đồng nội tệ càng lớn; và khi đồng nội tệ lên giá, tính cạnh tranh của nền kinh tế càng kém đi… Lượng vốn ngoại vào nhiều sẽ tạo một thách thức lớn đối với công tác quản lý ngoại hối. Ví dụ: nếu nhà đầu tư nước ngoài đồng loạt bán tháo cổ phiếu để rút vốn, ngoài tác động đến thị trường chứng khoán, lượng vốn rút ra sẽ lớn hơn nhiều so với lượng vốn đổ vào, gây áp lực lớn lên dự trữ ngoại hối. Còn trực tiếp trên thị trường chứng khoán, một vấn đề phát sinh trực tiếp nhất từ sự gia tăng nguồn vốn này trong thời gian qua là số trường hợp vi phạm trong khối nhà đầu tư nước ngoài đã gia tăng khá nhiều.

Trước tình hình thực tế nêu trên, mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình Chính phủ đề án thành lập Ban giám sát thị trường chứng khoán. Theo đó, một số biện pháp nhằm tăng cường quản lý dòng vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường sẽ được thực thi nhưng theo quan điểm vừa khuyến khích vừa đảm bảo an toàn, minh bạch và không can thiệp trực tiếp bằng biện pháp hành chính.

Về vấn đề kiểm soát luồng vốn ngoại, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: việc quản lý ngoại hối chung là do Ngân hàng Nhà nước đảm nhiệm và cụ thể là bên Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng nhà nước. Cơ quan này sẽ giám sát các nguồn vốn trực tiếp và gián tiếp vào và ra khỏi Việt Nam. Ví dụ: quy định tất cả những luồng vốn nước ngoài gián tiếp đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư phải mở một tài khoản chuyên dùng và tài khoản đó phải đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước.

Phía Ủy ban Chứng khoán cũng rất quan tâm tới nguồn vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán. Hiện nay, theo Luật Chứng khoán mới và quy chế chuẩn bị ra đời thì Ủy ban Chứng khoán cũng sẽ tiến hành giám sát luồng vốn này. Theo đó, các quỹ đầu tư nước ngoài phải đăng ký với Ủy ban về việc hình thành quỹ, nguồn vốn của quỹ, xuất xứ của quỹ và kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Từ đó có thể giám sát được luồng vốn đầu tư gián tiếp từ các quĩ đầu tư vào Việt Nam. Mục tiêu không phải là ngăn chặn nguồn vốn, mà muốn minh bạch để biết được lượng vốn vào ra, để có thể thích ứng linh hoạt trong quản lý ngoại hối và các chính sách liên quan.

Thị Trường 

Các tin tức khác

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Thiết bị Bưu Điện (19/07/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho Văn hoá Tân Bình (19/07/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Xây dựng Công trình 1 (19/07/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu của Giấy Viễn đông (19/07/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu của CTCP Cảng rau quả (19/07/2007)

>   Thông tin chấp thuận nguyên tắc niêm yết đối với Tổng Cty CP Xây dựng Điện Việt Nam (19/07/2007)

>   TNA Báo cáo tài chính QII/2007 (20/07/2007)

>   TRC niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên (19/07/2007)

>   PJT Gia hạn nộp báo cáo tài chính QII/2007 (19/07/2007)

>   GTA Bổ sung bản cáo bạch niêm yết (20/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật