Thứ Sáu, 20/07/2007 11:19

Người Nhật “chơi” chứng khoán trên sàn Việt Nam

Bất chấp thị trường chứng khoán Việt Nam trong một vài tháng gần đây rớt giá liên tục nhiều ngày, “làn sóng” các nhà đầu tư cá nhân Nhật Bản vẫn đổ xô tìm đến Việt Nam.

Như nhận xét của các chuyên gia chứng khoán thì họ chọn Việt Nam là chọn sự trưởng thành, chọn cho những dự định đường dài...

Khám phá thị trường mới

Đầu tháng 11-2006, Dai Bouchou - một nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán ở Tokyo (Nhật Bản) từ thông tin của một người bạn đang làm ăn tại Bình Dương (Việt Nam) về sự sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam đã quyết định đặt vé bay sang TP.HCM tìm hiểu một số công ty bất động sản, ngân hàng… Và chỉ trong khoảng thời gian 3 ngày, Dai Bouchou đã mở tài khoản giao dịch tại một công ty chứng khoán ở TP.HCM.

Sau khi về nước một thời gian, ông Dai Bouchou đã quyết định bỏ ra gần 800.000 USD để mua ba loại cổ phiếu đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Không lâu sau đó, đầu tháng 7 vừa qua khi quay lại Việt Nam, ông Dai Bouchou đã thực sự bất ngờ khi tính toán giá trị cổ phiếu mua trước đây giờ đã tăng vọt lên gần 1,5 triệu USD.

Trường hợp nhà đầu tư Dai Bouchou chỉ là một trong số hàng trăm nhà đầu tư của Nhật đã tìm đến Việt Nam. Anh Hùng - hướng dẫn viên của một công ty du lịch chuyên đón khách Nhật tại TP.HCM cho biết, xu hướng các nhà đầu tư cá nhân của Nhật sang Việt Nam du lịch kết hợp đầu tư chứng khoán bắt đầu xuất hiện từ hơn một năm trước đây và hiện nay đã trở thành một “cơn sốt chứng khoán Việt Nam” thật sự. “Chỉ riêng công ty chúng tôi, hầu như tuần nào cũng đón từ 1-2 đoàn là các nhà đầu tư Nhật sang Việt Nam du lịch kết hợp mở tài khoản để chơi chứng khoán”, anh Hùng cho hay.

Nắm bắt cơ hội này, nhiều công ty chứng khoán tại TP.HCM đã nhanh chóng thuê hẳn nhân viên người Nhật và những người biết tiếng Nhật nhằm mục đích hỗ trợ các nhà đầu tư đến từ xứ sở hoa anh đào. Anh Phạm Văn Thanh Dũng - nhân viên môi giới tại Công ty chứng khoán BSC (TP.HCM) cho biết 90% khách hàng người nước ngoài của BSC là người Nhật nên BSC đã xây dựng hẳn một chương trình phần mềm liên quan đến thủ tục bằng tiếng Nhật.

Vẫn theo anh Dũng thì trong số các nhà đầu tư nước ngòai đến mở tài khoản tại công ty, có đến hơn 90% là nhà đầu tư đến từ Nhật, tỷ lệ này tương đương với gần 1.500 người. “Nếu trước đây chỉ lác đác một vài nhà đầu tư đến mở tài khoản thì hiện nay con số này đã tăng vọt lên 100 nhà đầu tư Nhật mỗi tháng”, anh Dũng khẳng định.

Mua sự trưởng thành của Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Kimura Yoshiko - một nữ chuyên gia phân tích chứng khoán hàng đầu của Nhật đã cùng với 14 nhà đầu tư khác đã đến TP.HCM ngày 15-7 ví von: nền kinh tế Nhật hiện đang bước vào giai đoạn “xế chiều” trong khi nền kinh tế Việt Nam mới chỉ bắt đầu “buổi sáng bình minh”, do đó chắc chắn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ rất nhanh trong thời gian tới. “So với các nước trong khu vực, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam rất cao, chưa kể dân số của Việt Nam quá trẻ, đây là những yếu tố rất lôi cuốn các nhà đầu tư Nhật”, bà Kimura nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Akihiro Ichimura - chuyên gia của Matsui (một công ty có khối lượng giao dịch chứng khoán 200 tỉ yen mỗi ngày, có trụ sở tại Nhật), với các nhà đầu tư cá nhân Nhật, có thể khẳng định họ có đủ kinh nghiệm để "mua sự trưởng thành của Việt Nam”. Thực tế cho thấy, hầu hết những nhà đầu tư Nhật bản khi đầu tư chứng khoán tại Việt Nam đều quan tâm và tìm hiểu rất kỹ cổ phiếu của các ngân hàng, các công ty địa ốc, xây dựng hạ tầng. “Phần lớn họ là những người đang mua cổ phiếu như là “mua tài sản” cho những dự định đường dài”, ông Akihiro Ichimura nhận xét.

Khác với nhiều nhà đầu tư của Việt Nam, đầu tư chứng khoán theo kiểu “lướt sóng”, tức mua vào chỉ trong một thời gian ngắn sau đó bán ra, với đa phần nhà đầu tư Nhật, họ không quan tâm nhiều chuyện giá cổ phiếu biến động mỗi ngày, việc tăng hay giảm trong một vài tuần như vừa qua đối với họ vẫn là quá ngắn.

Theo ông Utsunomiya - giám đốc công ty The Million Millionaires Project (TMMP - chuyên cung cấp thông tin về thi trường chứng khoán Việt Nam), mục tiêu của phần lớn các nhà đầu tư Nhật là từ 10-20 năm. Chính vì vậy, việc đầu tư vào một công ty nào đó ở tại Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn trên đà tăng trưởng thì với họ đây vẫn là dấu hiệu tốt, dù cổ phiếu họ mua có thể trồi sụt trong một khoảng thời gian nào đó.

“Nếu so sánh với việc dùng số vốn đó đầu tư vào Nhật Bản hiện nay đang trong giai đoạn nền kinh tế bị chững lại thì chắc chắn sẽ không sinh lời bằng Việt Nam. Đây chính là cách suy nghĩ của phần lớn các nhà đầu tư Nhật khi đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua: có thể trong ngắn hạn có thể chưa đạt như mong muốn, nhưng về lâu dài 15-20 năm chắc chắn sẽ thành công”, ông Ustunomiya nhấn mạnh.

Sẽ tiếp tục “bùng nổ”!

Mặc dù chỉ số VN - Index  trong một vài tháng gần đây giảm mạnh và chỉ xoay quanh ngưỡng 1000 điểm, song thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam tại Nhật vẫn tiếp tục sôi động.

Theo chị Nguyễn Thị Bích Liên, sinh viên năm thứ 3 trường đại hoc kinh tế Tokyo, hiện đang làm việc tại công ty TMMP, chỉ riêng trang web http://www.tmmp.jp/ chuyên cập nhật thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam bằng tiếng Nhật, hiện có khoảng 4.400 người Nhật truy cập mỗi ngày.

Từ trang web của TMMP, các nhà đầu tư nào có nhu cầu sẽ được kết nối hướng dẫn các thủ cần thiết để sang Việt Nam mở tài khoản, khởi đầu cho bước thâm nhập vào thị trường chứng khoán của Việt Nam. Trong buổi tiếp xúc với phóng viên Tuổi Trẻ vào đầu tháng 7-2007 vừa qua tại tòa nhà Hibiya trung tâm Tokyo, Bích Liên cho biết tại đây mỗi tháng TMMP mở ít nhất là hai cuộc hội thảo tư vấn khách hàng và một chuyến đi Việt Nam dành cho các doanh nhân muốn tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, hiện nay tại Nhật có khoảng trên 300 công ty chứng khoán, trong đó rất nhiều công ty trực tuyến như Matsui Securities, E-trade Securities, Rakuten Securities, Monex Securities, Kabu.com Securities… có cập nhật thông tin thường xuyên về thị trường chứng khoán của Việt Nam. Đặc biệt, một số công ty môi giới chứng khoán của Nhật cũng cho thành lập hẳn những trang web bằng tiếng Nhật để chuyên phục vụ thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam như: www.viet-kabu.com, www.vn-kabusoken.comwww.vsi-news.com, www.moneyvietnam.com

Theo ông Utstunomiya, nếu không có thay đổi, chỉ sau hai năm nữa, số nhà đầu tư cá nhân của Nhật sang Việt Nam đầu tư chứng khoán sẽ lên đến con số 100.000 người. Vẫn theo ông Utsunomiya, ở Nhật các nhà đầu tư có vốn từ 20 vạn đến 50 vạn yen (khoảng 50.000 USD)  đang thiếu cơ hội đầu tư và họ đang tìm những nơi tốt nhất để bỏ vốn đầu tư lâu dài. Dù chưa có con số chính xác, nhưng các công ty môi giới chứng khoán của Nhật cho biết, hiện nay chỉ riêng thị trường Trung Quốc đang có khoảng 100.000 nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản và đầu tư vào thị trường này. Chính vì vậy, dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn tiếp tục hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư cá nhân của Nhật trong thời gian tới.

Với chủ đề “Cơn sốt chứng khoán Việt Nam”, liên tục trong vài tháng gần đây, nhiều phương tiện truyền thông đại chúng của Nhật như báo Yomiuri, Nikkei, đài NHK… đã cử phóng viên sang tận Việt Nam để tìm hiểu, thực hiện các bài phóng sự về xu hướng các nhà đầu tư cá nhân của Nhật đổ xô đến Việt Nam. Đặc biệt, đài NHK mới đây đã thực hiện phóng sự dài gần 30 phút đề cập đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhà báo Juko Noda - trưởng đại diện của NHK tại Việt Nam khi thực hiện phóng sự trên đã phải thừa nhận: “Sức “nóng” của thị trường khoán Việt Nam đã thực sự đang lôi cuốn hàng ngàn nhà đầu tư Nhật”.

TT

Các tin tức khác

>   Thông tin không phải là tất cả (20/07/2007)

>   “Thêm một cơ hội cho nhà đầu tư nhỏ” (20/07/2007)

>   Lợi nhuận của FPT sát với dự đoán (19/07/2007)

>   VC2 xin ý kiến cổ đông về phương án cháo bán CP giai đoạn 2 và niêm yết bổ sung CP (19/07/2007)

>   SJE công bố phương án phát hành cổ phiếu (19/07/2007)

>   Kiểm soát luồng vốn ngoại theo hướng khuyến khích và minh bạch (19/07/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Thiết bị Bưu Điện (19/07/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho Văn hoá Tân Bình (19/07/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Xây dựng Công trình 1 (19/07/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu của Giấy Viễn đông (19/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật