Nuôi thủy sản ở ĐBSCL: Loay hoay phát triển
Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 400.000ha mặt nước nuôi thủy sản với tổng sản lượng hằng năm lên đến hơn 1,5 triệu tấn, chiếm hơn 70% sản lượng thủy sản nuôi của cả nước (riêng cá tra, basa diện tích nuôi toàn vùng gần 5.000ha, tổng sản lượng năm 2007 khoảng 1 triệu tấn).
Nhưng hiện nay nghề nuôi thủy sản của ĐBSCL được đánh giá là không bền vững, các tỉnh ở khu vực vẫn đang loay hoay tự bươn chải để phát triển.
Ông Tư Trinh, chủ ao cá tra rộng 2.000m2 ở ấp 4, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) ngồi thẫn thờ vốc từng nắm thức ăn ném xuống ao. Bầy cá lên ăn rào rào, con nào con nấy nặng khoảng 1,5kg nhưng ông Tư mặt mày buồn xo, than vãn: “Giá cá còn 12.000 đồng/kg tui vẫn có thể cầm cự chờ giá lên để bán. Điều làm tui phiền lòng nhất là khi đầu tư gần 200 triệu đồng mua hai công đất đào ao nuôi cá thì không ai nói năng gì, bây giờ nghe xã tuyên bố khu vực này không nằm trong vùng qui hoạch nuôi thủy sản, không cho phép đào ao nuôi cá, có chết không chứ?”.
Hoàn cảnh của ông Tư Trinh chính là nỗi niềm của hàng ngàn người đang nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL. Năm 2006 khi con cá tra đội giá lên đến hơn 16.000 đồng/kg cá nguyên liệu thì cả ĐBSCL lên cơn sốt đổ xô đi mua đất đào ao nuôi cá. Trong khi người bán đất, người mua đất đào ao hí hửng trước viễn cảnh đổi đời thì... đùng một cái nhiều tỉnh siết chặt tình trạng đào ao nuôi cá tra.
Qui hoạch thủy sản: theo đuôi nông dân!
An Giang cấm đào ao nuôi cá từ tháng 3-2007, Đồng Tháp nghiêm cấm mua bán đất, đào ao nuôi cá ở những khu vực không qui hoạch nuôi thủy sản và xử lý cán bộ địa phương để xảy ra tình trạng này; Cần Thơ, Vĩnh Long tuy chưa đến mức cấm đào ao nuôi cá nhưng thừa nhận không thể kiểm soát được tình hình.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết trong sáu tháng đầu năm 2007, diện tích nuôi cá tra của tỉnh đã vượt con số 1.000ha và diện tích nuôi tự phát vẫn không ngừng gia tăng, ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan hữu trách.
Tại An Giang, ông Nguyễn Văn Thạnh, giám đốc Sở Thủy sản, cho biết toàn tỉnh có gần 1.400ha mặt nước nuôi cá tra trong đó có gần 200ha nuôi ngoài qui hoạch. Trong khi đó ở TP Cần Thơ, ông Dương Tấn Lộc, phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản, cho biết diện tích nuôi cá tra là 1.067ha nhưng không thể biết được có bao nhiêu hecta ngoài qui hoạch.
Vĩnh Long chỉ thống kê được diện tích nuôi cá công nghiệp là 228,5ha, tăng 24,65ha so với năm 2006 và không kiểm soát được diện tích nuôi cá nhỏ lẻ và tự phát. Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, nói tình trạng người dân ồ ạt đào ao nuôi cá tra là qui luật tất yếu của thị trường nên rất khó kiểm soát, ngăn chặn. Ông Quốc cũng thừa nhận hiện nay qui hoạch vùng nuôi thủy sản còn nhiều bất cập, chưa công bố rộng rãi cho dân biết, dẫn đến tình trạng nông dân mạnh ai nấy đầu tư tiền của đào ao nuôi cá, đến khi Nhà nước thông báo vi phạm qui hoạch thì... chuyện đã rồi, Nhà nước đành phải điều chỉnh!
Giám đốc Thạnh thừa nhận: “Qui hoạch của Nhà nước đang chạy theo dân”. Ông Lộc thì bức xúc: “Bộ Thủy sản và các địa phương nhiều lần nói sẽ công bố qui hoạch vùng nuôi thủy sản nhưng chỉ nói... khơi khơi, không cụ thể vùng nào sẽ nuôi con gì nên người dân tự phát nuôi cá, không thể trách dân vi phạm, phá vỡ qui hoạch vì... ngành thủy sản có công bố qui hoạch đâu?”.
Chế biến, tiêu thụ: khủng hoảng triền miên
Trong lúc các địa phương loay hoay qui hoạch vùng nuôi thủy sản thì giữa người nuôi thủy sản và các nhà máy chế biến vẫn âm thầm một “cuộc chiến thầm lặng” mang tính sống còn: đó là cuộc chiến thu mua, tiêu thụ. Hiện ĐBSCL có 70 nhà máy chế biến thủy sản với công suất tiêu thụ khoảng 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm; năng lực này trong mức an toàn so với tổng sản lượng tôm, cá toàn vùng.
Trên lý thuyết người nuôi thủy sản và nhà máy chế biến phải luôn luôn cùng nhau nhìn về một hướng để phát triển nhưng thực tế không như vậy, người thu mua và người nuôi luôn “rình rập” nhau. Ông Tư Nhân, chủ một ao cá rộng 5.000m2 ở xã Trung Hưng, Thốt Nốt, kể: “Tháng 6-2006 tôi và nhiều chủ ao lân cận ký hợp đồng bán 1.000 tấn cá cho doanh nghiệp ở An Giang với giá 14.000 đồng/kg, trọng lượng 1,05kg/con.
Hai tuần sau cá đạt kích cỡ nhưng chờ hoài không thấy doanh nghiệp ký hợp đồng đến mua trong khi cá ngày càng lớn và giá ngày càng tuột. Ba tuần sau giá cá rớt xuống 13.000 đồng/kg doanh nghiệp mới cử người đến thu mua nhưng không chịu mua theo giá đã ký hợp đồng. Cò kè mãi cuối cùng tôi đành bán giá 12.500 đồng/kg. Bài học rút ra của chúng tôi là: không tin vào hợp đồng”. Từ đó về sau mỗi vụ cá ông Tư Nhân và các chủ ao khác đều vui vẻ ký hợp đồng nhưng doanh nghiệp nào trả được giá là xé hợp đồng bán tuốt.
Ông Doãn Tới, tổng giám đốc Công ty Nam Việt (An Giang), than phiền: “Người nuôi cá chỉ biết lợi ích của mình mà không nghĩ đến lợi ích của doanh nghiệp. Từ khi có vụ ký hợp đồng bao tiêu đến nay chúng tôi chưa bao giờ mua được đúng giá đã ký hợp đồng”. Ở bán đảo Cà Mau mối quan hệ giữa người nuôi tôm sú và các nhà máy chế biến cũng căng thẳng.
Ông Phạm Văn Kim, chủ vuông tôm ở ấp 7, xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai (Bạc Liêu), nói bán được con tôm cho nhà máy rất cực, bị bắt bẻ kích cỡ, chất lượng và đánh rớt giá liên tục. Các cán bộ thu mua của doanh nghiệp thì nại lý do tôm nguyên liệu của nông dân thường bị bơm nước để gia tăng trọng lượng nên không thể thu mua theo đúng giá thị trường. Cuối cùng giải pháp được hai bên lựa chọn là mua bán thông qua hệ thống đại lý thu mua thủy sản, người nuôi tôm không hề biết rằng các đại lý thu mua đều là “tay em” của các nhà máy.
Sự “bất hợp tác” trong từng thời điểm luôn để lại hậu quả nặng nề: khi thừa nguyên liệu thì người nuôi quị lụy cầu cạnh doanh nghiệp và bán đổ bán tháo; khi thiếu nguyên liệu thì doanh nghiệp nâng niu o bế người nuôi, đẩy giá thu mua trên trời tạo ra những cơn sốt ảo.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, chủ tịch Hội nghề cá VN, nhận xét: sự bất hợp tác, mất lòng tin lẫn nhau giữa người nuôi thủy sản và doanh nghiệp chế biến là nguyên nhân mấu chốt làm giá cả bấp bênh dẫn đến tình trạng khủng hoảng thiếu, khủng hoảng thừa nguyên liệu triền miên. Hậu quả là nghề nuôi thủy sản của ĐBSCL tuy phát triển ồ ạt nhưng thiếu tính bền vững.
Chất lượng thủy sản: đèn nhà ai nấy sáng
Trong khi bài toán “phát triển thủy sản ĐBSCL như thế nào là bền vững” vẫn chưa có lời giải thì những ngày gần đây người nuôi và doanh nghiệp chế biến thủy sản của ĐBSCL lại đối mặt với một vấn nạn: chất lượng thủy sản ngày càng kém. Mới đây ngành thủy sản kiểm tra các ao nuôi cá tra ở TP Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã phát hiện 100% cá nuôi bị nhiễm bệnh, nhiễm dư lượng kháng sinh trong khi tỉ lệ này ở An Giang là hơn 80%.
Ông Võ Hoàng Ly, chánh thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết tình trạng mua bán thuốc thú y thủy sản và thức ăn chăn nuôi thủy sản kém chất lượng hoặc có các hóa chất cấm sử dụng ở các tỉnh ĐBSCL hiện nay rất đáng lo ngại. Trong tháng 5, tháng 6-2007 thanh tra nông nghiệp Đồng Tháp kiểm tra 30 mẫu thức ăn thủy sản thì có 17 mẫu không đạt chất lượng. Riêng thuốc thú y thủy sản thì... vô phương kiểm soát.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, chánh thanh tra Sở Thủy sản An Giang, cho biết: “Mức phạt hiện nay quá thấp (từ 3-5 triệu đồng/vụ vi phạm) trong khi lợi nhuận quá cao nên các cửa hàng bán thuốc thú y và thức ăn thủy sản bất chấp trách nhiệm. Đơn cử như trường hợp thuốc Diptecid chuyên trị bọ xít bị cấm lưu hành nhưng thường được bày bán công khai với giá 30.000 đồng/bịch để nông dân mua trị bệnh bọ đeo mang cá, người bán chỉ bị phạt khoảng 2 triệu đồng” (thuốc này mới đây đã làm 200 tấn cá tra ở Tân Lộc, Thốt Nốt (Cần Thơ) bị ngộ độc chết trắng hầm).
Ông Phan Văn Danh, chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, cho rằng Bộ Thủy sản phải nhanh chóng công bố rõ ràng các loại thuốc cấm và tăng cường công tác kiểm tra xử lý vì tình trạng này càng buông lỏng thì người nuôi thủy sản và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu càng gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề. Theo ông Doãn Tới, hiện nay nông dân đang sử dụng cả những loại thức ăn tăng trọng gia súc để nuôi cá nhằm làm cho cá nặng cân. Hậu quả là miếng cá phi lê thường mềm nhũn, kém chất lượng.
Trong lúc Bộ Thủy sản vẫn chưa có động thái gì rõ ràng để nghề nuôi và chế biến thủy sản ở ĐBSCL có thể phát triển bền vững thì các doanh nghiệp đã tìm đường tự cứu. Ở An Giang, Công ty Agifish là nơi đầu tiên thực hiện mô hình nuôi cá tra, ba sa sạch trên 20ha ở xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, kiểm soát gắt gao môi trường nuôi và dư lượng kháng sinh.
Mới đây Công ty cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu Việt An (An Giang) vừa đầu tư xây dựng vùng nuôi cá nguyên liệu sạch và chi 300.000 USD xây dựng một phòng thí nghiệm hiện đại chuyên kiểm nghiệm chất lượng cá trước khi đưa vào chế biến, xuất khẩu. Ông Lưu Bách Thảo, tổng giám đốc, cho biết công ty ông mạnh dạn đầu tư vốn để tự kiểm soát chất lượng vì không muốn hàng bị trả về do cách làm ăn cẩu thả, gian dối. Trong khi đó ông Nguyễn Đình Huấn, phó tổng giám đốc Công ty Agifish, đề xuất ngay từ lúc này các địa phương phải chú ý đến mô hình “khu công nghiệp thủy sản”.
Theo ông, hiện nay việc phát triển khu công nghiệp thủy sản là hết sức cần thiết, các địa phương chỉ cần bỏ vốn xây dựng ao hầm, hệ thống bờ bao, thủy lợi trên các khu cồn bãi, đất ven sông và cho doanh nghiệp thuê lại để nuôi cá sạch. Việc này mang lại nhiều lợi ích: Nhà nước quản lý được đất đai, môi trường, thuế má; doanh nghiệp có vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến, không còn thắc thỏm lo nguyên liệu thiếu trước hụt sau, kiểm soát được mức độ “sạch” của con cá xuất khẩu.
Theo thống kê của ngành thủy sản, tính đến tháng 6-2007, toàn vùng ĐBSCL có hơn 5.000ha mặt nước nuôi cá tra, vượt gần 2.500ha so với cuối năm 2006. Dự kiến sản lượng cá tra, basa cả năm 2007 sẽ vượt con số 1 triệu tấn trong khi Bộ Thủy sản qui hoạch ĐBSCL đến năm 2010 mới đạt được diện tích, sản lượng này(!?).
Cách làm qui hoạch của Bộ Thủy sản không sát thực tế địa phương trong khi qui hoạch của địa phương phải liên tục thay đổi theo tình hình thực tế. Do vậy có thể nói chắc chắn qui hoạch thủy sản của các tỉnh ĐBSCL sẽ bị phá vỡ một khi Bộ Thủy sản công bố qui hoạch vùng.
Tuoi tre
|