Thứ Sáu, 20/07/2007 14:15

"Nóng" chuyện đầu tư khi thị trường "lạnh"

Thị trường chứng khoán điều chỉnh theo chiều đi xuống, các công ty chứng khoán đang rơi vào cảnh suy giảm lợi nhuận. Trong khoảng lặng của thị trường, các công ty chứng khoán có thời gian để nhìn lại năng lực thực sự của mình và đẩy mạnh đầu tư để cạnh tranh tốt hơn. Nhất là khi các công ty chứng khoán mới thành lập ngày càng nhiều, báo hiệu cạnh tranh thị phần sẽ ngày càng khốc liệt.

Trước đây, vào thời điểm tăng nóng của thị trường, các công ty chứng khoán chỉ cần "treo biển, mở sàn" không cần mời gọi là nhà đầu tư đã kéo đến và công ty dễ dàng thu phí... Thực tế đã đảo chiều, các công ty chứng khoán đang chịu sức ép lớn do việc thị trường ảm đạm, nhà đầu tư rời sàn, giao dịch giảm. Các chiêu cạnh tranh: giảm phí, dịch vụ thuận lợi... của các công ty mới tỏ ra vẫn có hiệu quả. Thực tế này buộc tất cả các công ty chứng khoán phải tìm cách để thân thiện hơn với khách hàng, bằng cách mở rộng mạng lưới giao dịch và tăng cường khả năng công nghệ, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao.

Mở rộng mạng lưới: Chứng khoán về từng khu phố

Chứng khoán An Bình (ABS) đang triển khai mô hình hợp tác với các DN để mở đại lý nhận lệnh tại nhiều địa bàn khác nhau. Mới đây, ABS đã hợp tác với Công ty Sinh Thành để mở đại lý nhận lệnh tại phố Lý Nam Đế. Đây là đại lý thứ 2 ở Hà Nội sau đại lý đầu tiên tại Làng Quốc tế Thăng Long ra đời theo mô hình hợp tác này.

Cùng với sàn giao dịch chính ở Láng Hạ và phòng giao dịch ở Lý Thái Tổ, ABS đang mong muốn phát triển hệ thống đại lý nhận lệnh. Với mô hình này, giao dịch chứng khoán sẽ có mặt tại từng khu phố. Sự thuận tiện trong giao dịch sẽ giúp lượng khách hàng tăng lên. Chất lượng phục vụ sẽ được nâng cao khi việc tập trung quá mức tại sàn giao dịch chính được giãn ra.

Ông Võ Quyết Thắng - Phó Tổng giám đốc ABS cho biết, tập trung đầu tư phát triển hệ thống phân phối được ABS coi là một trong bốn yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh cùng với việc nâng cao năng lực tài chính, công nghệ và nhân lực. Ngoài việc phát triển hệ thống mạng lưới tại Hà Nội và TP.HCM, ABS sẽ mở phòng giao dịch ở Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu và Hải Phòng...

Công ty chứng khoán Thăng Long cũng đã mở thêm một phòng giao dịch ở TP.HCM. Trong khi đó, Chứng khoán Sài Gòn SSI và Chứng khoán Ngoại thương (VCBS) cũng đang lên kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động của mình.

SSI đã có thỏa thuận với Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC). Thực hiện thỏa thuận này cho phép SSI mở rộng mạng lưới giao dịch chứng khoán đến hầu hết các địa phương trên cả nước. Trong khi đó, VCBS cũng không bỏ qua lợi thế mạng lưới giao dịch của ngân hàng mẹ để mở rộng hệ thống của mình. Chủ trương của cả hai công ty này là không chỉ tập trung ở Hà Nội mà sẽ mở rộng thêm các địa bàn mới, các địa phương đang bị coi là tỉnh lẻ.

Có nhiều lý do để công ty chứng khoán quyết định mở rộng mạng lưới của mình. Thứ nhất qua thực tế điều chỉnh của thị trường, rất nhiều công ty đã nhận ra không thể dễ dàng kiếm lời nếu không phục vụ khách hàng tốt hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là việc mở rộng địa bàn là hướng đi thuận lợi nhất hiện này để mở rộng thị phần. Khi mạng lưới giao dịch rộng lớn, thân thiện với nhà đầu tư sẽ khiến cho thị trường chứng khoán càng trở nên đại chúng, tạo ra khả năng hút vốn rộng hơn trong dân.

Đầu tư công nghệ: Đưa chứng khoán vào tận nhà

Từ cuối tháng 6, Công ty chứng khoán APEC triển khai dịch vụ nhắn tin SMS giao dịch chứng khoán. Khách hàng của APEC sẽ được cập nhật thông tin chi tiết về kết quả giao dịch chứng khoán ngay khi lệnh giao dịch có kết quả. Bên cạnh đó, thông qua dịch vụ CyberInvestor, khách hàng có thể đăng ký mở tài khoản; đặt lệnh mua bán chứng khoán; kiểm tra tình trạng khớp lệnh chứng khoán qua một máy tính có kết nối Internet.

Công ty Chứng khoán VNDirect cũng đã thí điểm triển khai dịch vụ giao dịch trực tuyến từ đầu tháng 5/2007. Còn SSI, ACBS, SFC, BVSC... cũng cho biết đang triển khai thử nghiệm dịch vụ giao dịch trực tuyến trên mạng Internet... Đây là sự chuẩn bị của các công ty để đáp ứng giao dịch không sàn mà Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM dự kiến sẽ triển khai vào cuối năm nay. Nếu thành công, đây sẽ là cuộc cách mạng trong giao dịch chứng khoán. Cảnh chen lấn trên sàn sẽ chấm dứt, khách hàng chỉ cần kết nối dịch vụ trực tuyến qua máy tính để giao dịch một cách rất đơn giản.

Ông Trần Dũng Tiến - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Thái Bình Dương cho rằng, thị trường đang trải qua thời kỳ trầm lắng và đây cũng là thử thách sàng lọc các công ty chứng khoán. Các công ty muốn tồn tại phải chấp nhận đầu tư lớn cho nền tảng công nghệ. Tôi biết, các công ty lớn nhỏ đều đang rầm rộ triển khai các dự án hạ tầng công nghệ dù số vốn đầu tư không hề nhỏ, lên đến hàng triệu USD.

Ông Võ Quyết Thắng cho biết, ABS vừa thực hiện chuyến khảo sát các nước về hạ tầng công nghệ mà các công ty chứng khoán đang áp dụng. ABS đã quyết định đầu tư khoảng 4 triệu USD cho dự án hiện đại hóa toàn bộ hạ tầng công nghệ của mình.

Không chỉ ABS, các công ty khác cũng đã bắt đầu và cuộc đua công nghệ đắt tiền giữa các công ty chứng khoán đã có những kết quả đầu tiên khi Công ty Chứng khoán Thăng Long vừa ký hợp đồng trị giá hơn 600.000 USD để mua phần mềm của Thái Lan; trong khi đó, Sacombank chấp nhận đầu tư nhiều tỷ đồng để mua một phần mềm của Anh ứng dụng cho công ty chứng khoán.

Nền tảng công nghệ mới không chỉ giúp thích ứng mô hình giao dịch không sàn trong tương lai gần, cung cấp dịch vụ trực tuyến, qua điện thoại cầm tay, qua điện thoại cố định... mà còn có tiềm năng triển khai các dịch vụ chứng khoán mới, kết hợp các dịch vụ tài chính từ chứng khoán - ngân hàng - bảo hiểm... Công nghệ sẽ giúp giao dịch chứng khoán thân thiện hơn, dịch vụ chứng khoán sẽ vào tận từng nhà dân trong tương lai gần.

VNN

Các tin tức khác

>   Để hiểu hơn bản phân tích của Merrill Lynch về TTCK (20/07/2007)

>   Rung cây dọa … nhà đầu tư yếu bóng vía (20/07/2007)

>   Cuộc chơi lớn mới bắt đầu (20/07/2007)

>    Những liều thuốc “thần diệu” từ thị trường chứng khoán? (20/07/2007)

>   Người Nhật “chơi” chứng khoán trên sàn Việt Nam (20/07/2007)

>   Thông tin không phải là tất cả (20/07/2007)

>   “Thêm một cơ hội cho nhà đầu tư nhỏ” (20/07/2007)

>   Lợi nhuận của FPT sát với dự đoán (19/07/2007)

>   VC2 xin ý kiến cổ đông về phương án cháo bán CP giai đoạn 2 và niêm yết bổ sung CP (19/07/2007)

>   SJE công bố phương án phát hành cổ phiếu (19/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật