Thứ Sáu, 20/07/2007 14:10

Để hiểu hơn bản phân tích của Merrill Lynch về TTCK

"Nếu nhà đầu tư nào chỉ đầu tư vào Việt Nam, hoặc một số ít nước không tương quan nhiều với Việt Nam, bản phân tích đấy chưa đủ thuyết phục để nhà đầu tư rút tiền khỏi Việt Nam" - một độc giả từ Sydney - Úc nhận xét về bản phân tích chiến lược của Merrill Lynch về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tôi có cơ hội được đọc bài phân tích chiến lược của Merrill Lynch phát hành ngày 05 tháng 07 năm 2007. Khách quan mà nói, tôi đã thực sự ấn tượng về bản phân tích này vì những nhà chiến lược Merrill Lynch đã thể hiện kiến thức rộng lớn, bao gồm cả lĩnh vực văn hóa và lịch sử, chứ không chỉ gói gọn trong lĩnh vực tài chính và kinh tế. Trong bài phân tích có trích dẫn câu nói của người đời xưa, tương phản sự phát triển giữa phương Tây và phương Đông, phân tích nguồn gốc của các nền văn minh, cùng với lời bình luận của các nhà kinh tế, doanh nhân và báo chí.

Với sự phân tích sâu sắc cùng những dẫn chứng thuyết phục, kết luận của các nhà chiến lược của Merrill Lynch không phải là không có lý nhưng có thể khiến một số nhà đầu tư có những quyết định thiếu chính xác. Tôi viết bài này với mục đích giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn bản phân tích của Merrill Lynch và điều chỉnh những nhận thức sai lầm của nhiều người về bài phân tích này. Tác giả của bài viết này không hề có ý định đánh giá tình hình và triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn bài phân tích này của Merrill Lynch, chúng ta nên làm rõ ba vấn đề chính: (1) Mục đích của bản phân tích là gì; (2) Nên đọc bảng tóm tắt các chỉ số tài chính (bảng đính kèm) như thế nào; (3) Bản phân tích đấy có phải là quan điểm chung của Merrill Lynch hay không (nên hiểu bản phân tích như thế nào?).

Thứ nhất, bản phân tích đề ra chiến lược đầu tư cho những nhà đầu tư theo danh mục (portfolio investors) với đối tượng đầu tư là mỗi quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương (trừ Nhật bản). Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của những nhà đầu tư theo danh mục là sự tương quan (correlations) giữa các chỉ số thị trường của các nước trong danh mục đầu tư (chẳng hạn như VNIndex của Việt Nam và Shanghai Composite index của Trung Quốc).

Nếu sự tương quan giữa hai thị trường là rất cao, nhà đầu tư theo danh mục sẽ không được lợi nhiều từ việc đa dạng hóa danh mục đầu tư. Phương án tối ưu của họ là sẽ rút tiền từ một thị trường kém hơn và đầu tư vào thị trường tốt hơn. Xin lưu ý việc “kém” hay “tốt” ở đây được nhìn từ góc độ tương đối giữa hai thị trường chứ không phải là do thị trường kém hơn thực sự xuống dốc.

Việc Merrill Lynch khuyên nhà đầu tư rút tiền từ thị trường Việt Nam để đầu tư vào thị trường Trung Quốc, do vậy nên được hiểu từ quan điểm đầu tư theo danh mục. Việt Nam tăng trưởng 145% trong năm ngoái, đồng thời tăng trưởng 85% trong hai năm trước, từ đầu năm đến nay lại tăng khoảng 35% (số liệu từ bản báo cáo của Merrill Lynch). Việc thị trường nghỉ xả hơi (take a breath) hay điều chỉnh (correction) cũng không có gì là lạ.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc gần như ngủ quên từ năm 2001 đến 2005 và chỉ mới bắt đầu vùng lên từ năm 2006 đến nay, khả năng tiếp tục tăng trưởng nhanh là rất cao nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự quan tâm của các chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài, và phương tiện truyền thông đối với Trung Quốc.

Thứ hai, hãy để ý đến các thuật ngữ dùng trong bảng tóm tắt của Merrill Lynch. Có ba thuật ngữ trong cột Asset Allocation mà tôi xin lưu ý. OW (hay OverWeight) nghĩa là đầu tư vào quốc gia đấy với tỉ lệ của tổng danh mục (tỉ lệ danh mục) cao hơn tỉ lệ đại diện của quốc gia đó trong chỉ số chứng khoán của Châu Á – Thái Bình Dương (trừ Nhật). MW (hay MarketWeight) nghĩa là đầu tư vào quốc gia đó với tỉ lệ danh mục ngang bằng tỉ lệ đại diện và UW (hay UnderWeight) nghĩa là đầu tư vào quốc gia đó với tỉ lệ ít hơn tỉ lệ đại diện.

Để cho dễ hiểu, tôi xin lấy ví dụ từ thị trường chứng khoán Việt Nam. Giả dụ chúng ta đầu tư vào tất cả các công ty niêm yết trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp HCM theo tỉ lệ đúng như tỉ lệ vốn hóa của các công ty trong VNIndex. Như vậy vào ngày 19 tháng 07 năm 2007, tỉ lệ đầu tư vào Vinamilk và FPT sẽ lần lượt là 38.56% và 23.86% (theo số liệu từ TTGDCK TpHCM và SSI). Tỉ lệ này gọi là MarketWeight vì nó là tỉ lệ như trong thị trường.

Nếu chúng ta rút bớt 1% từ FPT và đầu tư vào Vinamilk, tỉ lệ đầu tư vào Vinamilk và FPT lúc này sẽ là 39.56% và 22.86%. Trong trường hợp này, chúng ta gọi tỉ lệ 39.56% là OverWeight vì nó cao hơn tỉ lệ trong thị trường (38.56%). Tương tư, chúng ta gọi tỉ lệ 22.86% là UnderWeight vì nó thấp hơn tỉ lệ thị trường (23.86%).

Nhìn vào bảng tóm tắt ở trên, tỉ lệ đầu tư vào Việt Nam là 0%, tương ứng với MarketWeight. Điều này có nghĩa tỉ lệ đầu tư vào Việt Nam tương ứng với tỉ lệ đại diện của Việt Nam trong chỉ số chung của Châu Á – Thái Bình Dương. Đây có thể do Việt Nam là một thị trường mới nổi, chưa được đưa vào để tính chỉ số này.

Nhưng quan trọng hơn, nhìn từ gốc độ tương đối, tỉ lệ 0% vào Việt Nam tương đương với tỉ lệ 9% vào Hongkong, và tương đương với tỉ lệ 28% vào Australia vì tất cả tỉ lệ này đều tương ứng với MarketWeight.

Thứ ba, cuối bản phân tích có một phần lưu ý đặc biệt, tôi xin trích nguyên văn:

Từ những từ này, chúng ta có thể hiểu rằng ngoài những nhà chiến lược (strategists) đã viết bản báo cáo mà chúng ta đang phân tích, còn có những nhà phân tích cơ bản (fundamental analysts) ở trong bộ phận khác của Merrill Lynch.

Đặc điểm của nhứng nhà phân tích cơ bản là chỉ thuần túy nhìn vào triển vọng của một quốc gia, một công ty mà không xét đến mối tương quan (correlations) đến với các quốc gia, các công ty khác. Nếu có thì cũng chỉ xét trong phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của mối tương quan đến các chỉ số tài chính của quốc gia, của công ty đang phân tích mà thôi. Momentum versus fundamental

Tóm lại, bản phân tích của Merrill Lynch chỉ thực sự có ích cho những nhà đầu tư theo danh mục trải khắp các quốc gia ở Châu Á – Thái Bình Dương. Nếu nhà đầu tư nào chỉ đầu tư vào Việt Nam, hoặc một số ít nước không tương quan nhiều với Việt Nam, bản phân tích đấy chưa đủ thuyết phục để nhà đầu tư rút tiền khỏi Việt Nam. Hơn nữa, có rất nhiều ngành nghề ở Việt Nam, nếu cẩn thận và có sự phân tích kỹ lưỡng, đầu tư vào những ngành phát triển cao thì nhà đầu tư vẫn có thể thu được lợi nhuận dù toàn thị trường có giảm.

Thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với thông tin. Một thông tin dù chính xác nhưng khi đưa đến sai đối tượng, có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường. Tôi thiểt nghĩ khi công bố một thông tin cho nhà đầu tư, chúng ta cần giải thích rõ những thông tin này là giành cho ai. Nếu thông tin khó hiểu thì nên có hướng dẫn cách đọc cho nhà đầu tư. Phải đặt nhà đầu tư lên hàng đầu thì thị trường mới phát triển bền vững được.

* Quang Ngọc (Nghiên cứu sinh chuyên ngành Chứng khoán, trường News South Waves, Sydney, Australia)

VNN

Các tin tức khác

>   Rung cây dọa … nhà đầu tư yếu bóng vía (20/07/2007)

>   Cuộc chơi lớn mới bắt đầu (20/07/2007)

>    Những liều thuốc “thần diệu” từ thị trường chứng khoán? (20/07/2007)

>   Người Nhật “chơi” chứng khoán trên sàn Việt Nam (20/07/2007)

>   Thông tin không phải là tất cả (20/07/2007)

>   “Thêm một cơ hội cho nhà đầu tư nhỏ” (20/07/2007)

>   Lợi nhuận của FPT sát với dự đoán (19/07/2007)

>   VC2 xin ý kiến cổ đông về phương án cháo bán CP giai đoạn 2 và niêm yết bổ sung CP (19/07/2007)

>   SJE công bố phương án phát hành cổ phiếu (19/07/2007)

>   Kiểm soát luồng vốn ngoại theo hướng khuyến khích và minh bạch (19/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật