Nhiều mặt hàng chủ lực gặp khó
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản đạt trên 3,7 tỷ USD. Trong tháng 6/2007, có thêm một mặt hàng xuất khẩu vượt ngưỡng 1 tỷ USD là đồ gỗ với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, nhóm hàng nông, lâm sản xuất khẩu có 2 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là gỗ và cà phê. Mặt hàng gạo cũng đang có tốc độ tăng trưởng tốt với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 730 triệu USD trong 6 tháng. Đáng chú ý là, mặc dù gặp nhiều thuận lợi về thị trường, cũng như giá cả, nhưng nguồn cung của nhiều mặt hàng nông, lâm sản xuất khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại.
Báo cáo của Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (Vicofa) cho thấy, tổng sản lượng cà phê xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 832.000 tấn, trị giá trên 1,2 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản (tăng 64% về khối lượng và 2,1 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước). Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó chủ tịch Vicofa, kim ngạch xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2007 đã cao hơn tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả năm 2006 (năm 2006, Việt Nam xuất khẩu 897.000 tấn cà phê, trị giá trên 1,1 tỷ USD). Đây là kết quả của việc giá cà phê biến động theo xu thế tăng liên tục, với mức giá bình quân hiện khoảng 1.530 USD/tấn (tăng 28 - 29% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, do ký hợp đồng xuất khẩu ồ ạt ngay sau khi vụ thu hoạch vừa kết thúc, nên đến thời điểm này, mặc dù giá cả đang rất thuận lợi, nhưng các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam lại không còn hàng để bán.
Dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2007 - 2008 ước đạt 109 - 112 triệu bao (60 kg/bao), trong khi nhu cầu tiêu thụ 118 -120 triệu bao. Theo Vicofa, mặt hàng cà phê sẽ tiếp tục có cơ hội đạt mức tăng trưởng cao về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nếu bên cạnh vai trò của Hiệp hội, có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn phân tích, dự báo về ngành hàng, diễn biến thị trường, cũng như có các biện pháp “cứng rắn” trong việc quản lý các DN xuất khẩu.
Cùng với cà phê, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo cũng có khả năng tăng về kim ngạch, do giá gạo thế giới đang ở mức cao, nhưng sản lượng xuất khẩu lại giảm do nguồn cung trong nước hạn chế. Theo nhận định, diễn biến thị trường đang có nhiều thuận lợi cho các DN xuất khẩu gạo. Cụ thể, nhu cầu nhập khẩu đang tăng (ước tính, nhu cầu tiêu dùng lương thực của thế giới năm 2007 vào khoảng 30 triệu tấn), trong khi nguồn cung của nhiều nước xuất khẩu đang chững lại.
Một quan chức Bộ NN&PTNT cho biết, tổng sản lượng lương thực cả nước năm 2007 ước đạt trên 36 triệu tấn, sau khi tính toán, cân nhắc về khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như phục vụ xuất khẩu, khả năng xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo trong năm nay là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, một vấn đề đặc biệt đáng lo ngại đối với sản xuất nông nghiệp là tình hình dịch bệnh rày nâu đang diễn biến hết sức phức tạp ở các tỉnh phía Nam (đặc biệt là ĐBSCL), khiến sản lượng lúa năm 2007 có nguy cơ giảm (năm 2006 do ảnh hưởng của dịch bệnh, sản lượng lúa ở các tỉnh ĐBSCL chỉ đạt 18,57 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn so với năm 2005).
Theo ông Nguyễn Đăng Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Thương mại), kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo chỉ nên giữ ở mức trên 1 tỷ USD, không nên chạy theo số lượng, mà nên có sự điều chỉnh cần thiết để giữ an toàn, không chỉ dự phòng cho tiêu dùng nội địa, mà còn đối phó với những biến động về giá có thể xảy ra. Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã yêu cầu các nhà xuất khẩu gạo ngừng thông qua các hợp đồng mới để tập trung vào việc cung cấp hàng theo các hợp đồng hiện có.
Đối với mặt hàng gỗ, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Việt Nam (Vifores), mặc dù là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng đồ gỗ Việt Nam lại rất “chông chênh” trên con đường xuất khẩu. Một điểm yếu của các DN gỗ Việt Nam là nguồn nguyên liệu chế biến phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Thống kê của Vifores cho thấy, hàng năm, ngành gỗ phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu (trong khi giá thành nguyên liệu mặt hàng gỗ chiếm tới 60%). 6 tháng đầu năm, giá trị nguyên liệu nhâp khẩu ước tính trên 400 triệu USD. Theo ông Quyền, việc nhập khẩu nguyên liệu cũng đang gặp nhiều khó khăn, do các nước ngày càng siết chặt xuất khẩu nguyên liệu gỗ…
ĐTCK
|