Vụ “thép C/O form D” nhập từ Philippines: Bài học cho cả DN và cơ quan quản lý
Sự kiện một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhập khẩu hàng chục ngàn tấn thép tấm lá cán nguội (CRC) được sản xuất tại Philippines, nhưng không đáp ứng điều kiện chứng nhận xuất xứ mẫu D (C/O form D), đã gây thiệt hại lớn cho các DN sản xuất thép trong nước. Vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Hải quan cho biết, họ đang phải làm việc “cật lực” vì trách nhiệm đối với DN, trong khi DN lại cho rằng, hải quan đang thụ động ngồi chờ…
Hải quan thụ động?
Trở lại vụ việc, trong khoảng thời gian từ ngày 6/1/2006 đến ngày 4/8/2006, nhiều DN Việt Nam đã nhập khẩu gần 42.000 tấn CRC được sản xuất tại Philippines, với tổng trị giá khoảng 24 triệu USD. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, Philippines hiện chưa sản xuất được nguyên liệu thép cán nóng (HRC), do đó, nếu xét theo 2 tiêu chí quy tắc chuyển đổi 2 bước (cán nóng và cán nguội) hoặc hàm lượng giá trị gia tăng (trên 40%) trong ASEAN, thì sản phẩm CRC được sản xuất tại Philippines không đủ điều kiện cấp chứng nhận C/O form D để được hưởng ưu đãi thuế suất nhập khẩu vào Việt Nam (CEPT) với mức thuế suất 0%.
Thế nhưng, mặt hàng CRC có xuất xứ từ Philippines vẫn được cấp đầy đủ chứng nhận C/O form D cho các khách hàng tại Việt Nam, với mục đích gian lận thương mại để trốn thuế nhập khẩu theo mức thuế suất 7% (CEPT). Đồng thời, khi được hưởng ưu đãi về thuế, các mặt hàng thép trên đã tự do “tung hoành” về mặt giá cả và có thể gây “lũng đoạn” thị trường thép trong nước, bởi giá chào bán loại thép này thấp hơn giá thế giới khoảng hơn 10% đối với sản phẩm CRC 0,25 - 0,5 mm.
Hành vi gian lận và bán phá giá nêu trên đã được Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ phát hiện. Công ty này đã sớm có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan và Hiệp hội Thép Việt Nam, kiến nghị cơ quan hữu quan yêu cầu phía nhà sản xuất giải trình về những vấn đề liên quan. Lúc này, cơ quan chức năng mới chính thức vào cuộc.
Ông Lại Quang Trung, Trưởng phòng Vật tư xuất nhập khẩu (Tổng công ty Thép Việt Nam) bức xúc: “Sự việc xảy ra từ tháng 11/2005 đến hết năm 2006. Khi phát hiện, DN đã kiến nghị với hải quan, nhưng việc triển khai rất chậm trễ và thiếu đồng bộ. Có những lô hàng cửa khẩu này thì cho thông quan, còn cửa khẩu khác lại không cho thông quan”.
Do không hiểu... “luật chơi”?
Về vấn đề trên, ông Phạm Thanh Bình, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) thừa nhận: “Đúng là hải quan không thể chủ động được. Muốn chủ động, hải quan phải nắm rất rõ về công nghệ sản xuất của tất cả các ngành nghề”.
Ý kiến của DN khác lại cho rằng, ngành hải quan đã có nhiều cải tiến, nhưng vẫn chưa theo kịp tình hình. Chẳng hạn, trong vụ việc trên, hải quan phải nắm bắt được các yêu cầu của “luật chơi” trong “sân chơi” hội nhập. Qua đó, hướng dẫn DN đừng vô tình hoặc thiếu hiểu biết mà “tiếp tay” cho hành vi gian lận từ phía nước ngoài, khiến thị trường Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa “giá rẻ” cho họ. Đồng thời, nhiều DN quan tâm đến việc hải quan Việt Nam có trực tiếp bay sang Philippines để làm việc với họ về C/O form D đối với sản phẩm CRC hay không, hay chỉ thụ động ngồi ở nhà chờ… thư phúc đáp?
Ông Bình cho biết, trong quy trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến bán thành phẩm đầu vào phải luôn có lý lịch (ID), trong đó lý lịch về giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, về hồ sơ người xin cấp và cơ quan cấp C/O form D… phải được lưu trữ. “Chúng tôi đã yêu cầu, nhưng phía Philippines vẫn chỉ trả lời chung chung rằng, C/O form D là đúng, chứ không trả lời chính xác về các ID. Nếu họ đưa ra được các ID này, thì chúng tôi sẽ dễ dàng xem xét”, ông Bình nói.
Vừa qua, hơn 10 DN sản xuất thép trong nước đã đồng ký tên gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp và các cơ quan chức năng kiến nghị can thiệp, giải quyết vấn đề gian lận thương mại về CRC có xuất xứ từ Philippines. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì sớm giải quyết vụ việc, mang lại sự công bằng cho các DN sản xuất thép trong nước. “Vì trách nhiệm với DN, chúng tôi đang xem xét rất kỹ và làm việc rất khẩn trương…”, ông Bình nói.
DN nhập khẩu vô can, nhà xuất khẩu khiếu nại!
Theo giải trình của các DN nhập khẩu CRC từ Philippines, C/O form D là do phía nhà xuất khẩu cung cấp, DN đã xuất trình đầy đủ cho cơ quan hải quan tại cửa khẩu ngay khi làm thủ tục nhập khẩu và đã được chấp thuận cho thông quan. Nếu ngay tại thời điểm đăng ký mở tờ khai, cơ quan hải quan nghi ngờ C/O form D, thì DN sẽ kịp thời yêu cầu người bán làm rõ tính chính xác của các tờ giấy chứng nhận xuất xứ này. Qua đó, sẽ đàm phám lại với đối tác xuất khẩu về đơn giá. “Đây là rủi ro mang tính khách quan, người nhập khẩu không có lỗi”, đại diện một DN bức xúc.
Ông Huỳnh Quang Báu, Giám đốc Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ cho biết, hàng CRC được nhập từ Philippines đã gây tác động xấu, như phá giá thị trường, gian lận thương mại và ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. “Đây là cơ hội đầu tiên để DN trong nước kiện các đối tác nước ngoài vì nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không đúng, bởi nếu DN Việt Nam không biết tự bảo vệ mình, hoặc không được bảo vệ chính đáng, hợp pháp, thì sẽ thua ngay trên sân nhà trong quá trình hội nhập”, ông Báu nhận định.
Song, sự việc này không chỉ dừng lại ở việc các DN sản xuất thép trong nước tiến hành khiếu nại, mà Công ty Global Steel Philippines (nhà sản xuất CRC xuất khẩu sang Việt Nam thông qua Công ty Stemcor có văn phòng đại diện tại TP.HCM) cũng gửi văn bản khiếu nại lên Bộ Tài chính. Công ty Global Steel Philippines cho rằng, hải quan Việt Nam không áp dụng thuế suất ưu đãi đối với sản phẩm CRC theo Chương trình Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) và cam kết tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã có ý kiến chỉ đạo: “Giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan giải quyết dứt điểm việc khiếu nại của Công ty Global Steel Philippines theo đúng quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2007”.
Bà Đặng Thị Bình An, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, đây là một bài học trong quá trình hội nhập cho cả DN lẫn cơ quan quản lý nhà nước. “Chúng ta cần phải có kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt hơn trong những trường hợp như thế này, nhằm tránh việc gian lận thương mại, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất trong nước”, bà An nói.
ĐTCK
|