Ngành thủy sản: Nguy cơ mất thị trường
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 1,64 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 44% kế hoạch năm nay là 3,7 tỷ USD), nhưng nguy cơ mất thị trường trong những tháng tới có thể xảy ra.
Thị trường ngày càng khắt khe
Việc Nhật Bản tiến hành kiểm tra 100% các lô hàng thủy sản nhập khẩu đã khiến hàng thủy sản nhập vào nước này trong 6 tháng qua giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản chế biến của nước ta gặp khó khăn.
Đơn cử như CTCP Cầu Tre, do nguồn gốc nguyên liệu gồm nhiều loại thủy sản, doanh nghiệp này đã phải cung cấp các nguồn nguyên liệu để phía Nhật Bản kiểm tra, mất nhiều thời gian, trong khi hàng chế biến có thời hạn sử dụng ngắn ngày, vì thế khả năng mất thị trường này là nguy cơ rất lớn.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Do vậy khi đưa hàng mẫu, kiểm tra chất lượng... đã khiến chi phí tăng rất cao, không còn có lãi... Nhiều danh nghiệp cho biết đã lỗ cả chục tỷ đồng vì các đơn hàng bị đình trệ.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản 6.000 lô hàng và có 94 lô bị cảnh cáo (chiếm 1,6%). Trong các lô hàng này có các loại kháng sinh cấm bị sử dụng như chloraphenicol, AOZ (dẫn xuất của Nitrofurans), Coliform... Nhật Bản cũng đã chính thức gửi thư yêu cầu Việt Nam cấp bách cải thiện chất lượng thủy sản và giải quyết các vấn đề tồn dư kháng sinh trong thủy hải sản xuất khẩu sang thị trường này.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm đã xuất hiện 4 thị trường có các rào cản kỹ thuật khắt khe đối với các sản phẩm thủy hải sản có xuất từ Việt Nam, ngoài Nhật Bản còn có Nga, Australia, lãnh thổ Đài Loan. Những doanh nghiệp xuất khẩu cá hiện “mất ăn mất ngủ” trước thông tin đoàn kiểm tra của Nga sẽ vào kiểm tra điều kiện vệ sinh môi trường chế biến cá xuất khẩu nước ta.
Trong khi đó, điều đáng quan ngại nhất hiện nay là môi trường nuôi trồng thủy sản chưa được kiểm soát chặt chẽ nên nguy cơ lây nhiễm các chất có dư lượng kháng sinh có thể cao hơn mức cho phép.
Theo ông Phạm Hoàng Hà, Giám đốc Sở Thương mại TPHCM, sắp tới theo qui định mới của Bộ Thủy sản, tất cả các lô hàng giáp xác, nhuyễn thể chân đầu và sản phẩm phối chế từ các loại nguyên liệu thủy sản trước khi xuất vào thị trường Nhật Bản phải thực hiện kiểm tra chứng nhận nhà nước về dư lượng hóa chất và kháng sinh cấm. Thế nhưng, số lượng máy kiểm tra hiện nay ít, không đáp ứng nhu cầu kiểm tra của các doanh nghiệp, tại TPHCM chỉ có hai máy kiểm tra AOZ.
Tăng cường kiểm tra chất lượng
Mặc dù vậy, thị trường xuất khẩu vào EU lại đang tăng mạnh, tăng 26,8% so với cùng kỳ và chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; tiếp theo là Hoa Kỳ, Hàn Quốc... Về năng lực chế biến, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, đổi mới thiết bị theo hướng tăng cường chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm chế biến.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, đã có thêm 18 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU nâng tổng số các doanh nghiệp đạt chuẩn lên 245 (nếu kể cả các doanh nghiệp chế biến đa ngành có mặt hàng thủy sản là 470).
Về quản lý chất lượng hàng xuất khẩu, hầu hết các lô hàng được kiểm tra chất lượng trước khi tiến hành thủ tục xuất khẩu. Nhờ vậy, 6 tháng qua, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn giữ vững 51 thị trường có rào cản kỹ thuật cao như EU, Hoa Kỳ, Canada...
Để giữ vững thị trường xuất khẩu thủy sản, một yêu cầu bức bách đặt ra là làm sao quản lý được chất lượng thủy sản trong nước, ngay từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, sơ chế và chế biến... Vì vậy, phối hợp trong kiểm tra, có qui định chế tài nghiêm khắc đối với các đơn vị vi phạm là rất cần thiết để giữ nghiêm chất lượng thủy hải sản xuất khẩu.
Thông tin mới nhất cho biết, Bộ Thương mại đang đề nghị số tiền từ Quỹ hỗ trợ thưởng xuất khẩu trước đây sẽ được sử dụng mua 5 máy kiểm tra, dự kiến giá trị khoảng 10 tỷ đồng, sẽ góp phần đáp ứng nhanh nhu cầu kiểm tra chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu.
SGGP
|