Thứ Bảy, 28/07/2007 11:26

Quyền kinh doanh của doanh nghiệp FDI

Sau rất nhiều chờ đợi của doanh nghiệp, cuối cùng, Thông tư hướng dẫn Nghị định 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) tại Việt Nam đã được Bộ Thương mại chính thức ban hành. ĐTCK-online đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển về những nội dung cơ bản của Thông tư này.

Thưa Bộ trưởng, đâu là vấn đề gay cấn nhất đối với Bộ Thương mại khi soạn thảo Thông tư này?

Đó là vấn đề làm thế nào để phân biệt giữa quyền nhập khẩu và quyền phân phối, làm thế nào để DN không lợi dụng quyền nhập khẩu để thiết lập hệ thống phân phối trá hình. Quyền kinh doanh, đặc biệt là quyền phân phối, luôn là vấn đề gay go trong các cuộc đàm phán thương mại trên thế giới. Vì thế, Bộ Thương mại đã phải nghiên cứu, cân nhắc rất kỹ vấn đề này.

Sự cân nhắc kỹ lưỡng việc phân biệt giữa hai quyền đó được cụ thể hóa bằng các quy định gì, thưa Bộ trưởng?

Theo Thông tư 09/2007/TT-BTM vừa được ban hành, quyền nhập khẩu của DN FDI là quyền đưa hàng đến Việt Nam, làm thủ tục hải quan, đứng tên trong tờ khai hải quan. Tuy nhiên, DN FDI đã được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu không được lập cơ sở để phân phối hàng nhập khẩu. Sau khi nhập khẩu hàng vào Việt Nam, DN FDI chỉ được bán mỗi nhóm hàng nhập khẩu cho một DN có đăng ký kinh doanh mua bán, hoặc phân phối bất kỳ nhóm hàng đó thôi, chứ không được bán cho nhiều DN khác nhau. Nếu bán cho nhiều DN thì vô hình trung, đã thành lập một mạng lưới phân phối. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, bởi trong khi khả năng cạnh tranh của các DN trong nước còn chưa cao, DN nước ngoài đã nắm được quyền nhập khẩu, lại có thêm quyền phân phối, thì họ sẽ có sức mạnh ghê gớm trên thị trường, vừa chiếm lĩnh người tiêu dùng, vừa có khả năng chi phối cả sản xuất.

Nếu nhà nhập khẩu lựa chọn một DN phân phối nào đó mà Bộ Thương mại không đồng ý thì sẽ xử lý thế nào?

Bộ Thương mại không có quyền chi phối việc lựa chọn nhà phân phối của DN FDI. Bộ Thương mại không cản trở, mà chỉ đưa ra tiêu chí lựa chọn. Đó là DN được chọn phải đảm bảo là thương nhân có đăng ký kinh doanh, mua bán hoặc có quyền phân phối chủng loại hàng nhập khẩu.

Thưa Bộ trưởng, hiện tại, bên cạnh các nhà phân phối trong nước, thì thị trường phân phối Việt Nam đã có nhà phân phối là DN FDI (được cấp phép trước khi Việt Nam gia nhập WTO)?

Đối với các DN FDI đã được cấp phép thực hiện quyền phân phối thì được bán buôn, bán lẻ, nhượng quyền thương mại, đại lý mua bán hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và hàng hoá nhậu khẩu vào Việt Nam, trừ hàng hoá thuộc danh mục không được quyền phân phối. Đối với hàng hoá thuộc danh mục phân phối theo lộ trình thì thực hiện các quyền trên theo lộ trình. Tôi muốn lưu ý thêm là, DN FDI đã được cấp phép lập cơ sở bản lề, không được thực hiện bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ đã được cấp phép.

Một số DN cho rằng, quy định về việc thành lập cơ sở bán lẻ thứ hai của Thông tư 09/2007/TT-BTM là quá chặt chẽ. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này?

Như tôi đã nói ở trên, phân phối là vấn đề rất nhạy cảm, vì thế chính sách của chúng ta là phải bảo vệ những hộ kinh doanh nhỏ. Trong đàm phán WTO, chúng ta đã đấu tranh để bảo vệ họ.

Thông tư quy định việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất được xem xét từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào số lượng các cơ sở bán lẻ, sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư trên địa bàn đặt cơ sở bán lẻ, sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch địa phương. Tóm lại, việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất phải dựa trên một môi trường kinh doanh hợp lý.

Vấn đề còn lại là cần cụ thể hoá những yêu cầu trên. Hiện tại, Bộ Thương mại đang nghiên cứu. Vì đây là vấn đề khó, nên cũng cần có thời gian mới đưa ra được những quy định, tiêu chí cụ thể.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Đồng Nai: cấp phép một cửa (28/07/2007)

>   Thận trọng với việc thành lập các tập đoàn kinh tế (28/07/2007)

>   7 tháng, xuất khẩu dệt may đạt 4,24 tỉ USD (28/07/2007)

>   Quy định về đầu tư ra nước ngoài trong ngành dầu khí (28/07/2007)

>   Ba tỉnh biên giới Việt-Lào-Thái Lan hợp tác du lịch (28/07/2007)

>   Sẽ kiểm tra chất lượng dịch vụ di động và ADSL (28/07/2007)

>   Bàn đạp… chưa đủ lực (27/07/2007)

>   Đáp ứng phụ tải điện tăng 20% là nhiệm vụ nặng nề (27/07/2007)

>   TPHCM: Huy động 782 tỷ đồng phát triển mạng cấp nước (27/07/2007)

>   Giá thép xây dựng có thể giảm nhẹ (27/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật