Kế hoạch tăng vốn bị đảo lộn
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2006 đến đầu năm 2007, nhiều ngân hàng, nhất là khối thương mại cổ phần đua nhau thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ. Theo kế hoạch tăng vốn của hầu hết ngân hàng đã được HĐQT thông qua, vốn điều lệ sẽ tăng lên 1.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng, thậm chí lên đến 3.000 tỷ đồng.
Có thể nói, việc đua nhau tăng vốn trong thời gian đầu năm 2007 của các ngân hàng không nằm ngoài khả năng tận dụng cơ hội phát triển của TTCK để phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Vì ở giai đoạn này, giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường luôn được xem là món hàng hiếm và thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.
Chẳng hạn, cổ phiếu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tăng lên trên 16 triệu đồng/CP trong thời gian đầu quý I/2007. Tương tự, cổ phiếu Ngân hàng ACB cùng thời điểm trên cũng đạt ngưỡng 290.000 đồng/CP…
Để nhanh chóng được chuẩn y kế hoạch tăng vốn trong giai đoạn TTCK sốt nóng, nhiều ngân hàng đã đôn đáo trong việc lấy ý kiến cổ đông, đồng thời phải chứng minh việc sử dụng nguồn vốn tăng thêm đạt hiệu quả tốt nhất trước NHNN. Tại thời điểm đầu năm 2007, bất kỳ ngân hàng nào có động thái tăng vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu, với giá bán ưu đãi thì ngay lập tức giới đầu tư chứng khoán sẽ đổ tiền vào mua. Từ đó, giá cổ phiếu của ngân hàng được điều chỉnh theo chiều hướng tăng nóng, do cung không đáp ứng đủ cầu. Chính sự hấp dẫn này đã hối thúc nhiều ngân hàng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhiều ngân hàng đã tạm ngưng kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động vốn, mặc dù phương án tăng vốn đã được chấp thuận về nguyên tắc.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Việt Á (VABank) sẽ tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 1.250 tỷ đồng trong năm nay, theo đó cổ đông sở hữu 2 cổ phần của VABank sẽ được mua thêm 1 cổ phần mới khi Ngân hàng phát hành cổ phiếu tăng vốn, với giá bằng mệnh giá. Tại thời điểm ĐHCĐ của VABank, giá cổ phiếu ngân hàng này giao dịch trên thị trường OTC ở mức trên 8 triệu đồng/cổ phiếu. Khi thông tin trên được công bố cho cổ đông, giá cổ phiếu VABank tiếp tục phi mã, tăng lên gần 8,5 - 9 triệu đồng/CP. Tuy nhiên, hiện giá cổ phiếu VABank tụt xuống ngưỡng 6 triệu đồng/CP. Việc TTCK chính thức liên tục điều chỉnh và kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường tự do khiến nhiều nhà băng e ngại việc thực hiện kế hoạch tăng vốn đã được thông qua. Trước đó, một cán bộ của VABank cho biết, phương án tăng vốn của Ngân hàng chắc chắn sẽ được thực hiện trong tháng 6 vì hồ sơ gửi NHNN rất đầy đủ. Tuy nhiên, đã sang đầu tháng 7 nhưng VABank vẫn chưa có động tĩnh gì về việc thực hiện kế hoạch trên.
Trước tình trạng ảm đạm của TTCK hiện nay, không chỉ có ngân hàng mà nhiều doanh nghiệp cũng ái ngại thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu, trái phiếu tăng vốn. Thực tế cho thấy, trong 2 đợt IPO Đạm Phú Mỹ và Bảo Việt vừa qua, tuy có thu hút được lượng lớn nhà đầu tư tham gia đấu giá, nhưng giá cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này lại không cao như kỳ vọng. Chính điều này đã khiến cho doanh nghiệp, trong đó có nhiều ngân hàng phải trì hoãn kế hoạch phát hành. Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) cho biết, kế hoạch tăng vốn đã được ĐHCĐ Ngân hàng thông qua hồi đầu năm, theo đó HDBank sẽ tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng trong năm nay. Tuy nhiên, trước mắt Ngân hàng chỉ trình NHNN cho tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng và nhiều khả năng, phần còn lại sẽ được Ngân hàng hoàn tất sau khi chọn được thời điểm phù hợp. Nguyên nhân chính của việc trì hoãn này, theo HDBank, tình hình thị trường hiện nay không phù hợp cho việc phát hành cổ phiếu tăng vốn. Hiện cổ phiếu của hầu hết ngân hàng đang giao dịch trên TTCK chính thức và thị trường OTC trượt giá mạnh khiến nhiều nhà đầu tư đứng ngồi không yên, nhất là nhà đầu tư chịu áp lực vốn vay.
ĐTCK
|