Cổ phần hóa là gì?
Ông Seth Winnick đã kết thúc nhiệm kỳ tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM hôm thứ ba 3-7 vừa qua. Ông còn là một nhà kinh tế chuyên về các nền kinh tế đang chuyển đổi, đã từng giữ nhiều chức vụ liên quan đến vấn đề phát triển, kinh tế và xã hội, đã từng “đi sứ” tại Nga. Cuộc trò chuyện với TTCT xung quanh chủ đề kinh tế, đặc biệt là cổ phần hóa.
* Ông dự đoán tình hình kinh tế VN các năm tới như thế nào?
- Có thể vài năm sắp tới sẽ khó khăn hơn từ góc độ chính sách. Khó khăn hơn do cạnh tranh nhiều hơn. VN phát triển như thế nào trong ba, bốn hoặc năm năm tới, điều đó tùy thuộc các quyết định đưa ra vào lúc này. Tôi nghĩ rằng quá trình toàn cầu hóa, hội nhập nền kinh tế thế giới, cổ phần hóa và tư nhân hóa hiện nay là những lợi ích mà các bạn thu hoạch được từ các quyết định, chính sách đã được dễ dàng thông qua trước kia. Nếu các bạn muốn tiếp tục tiến cùng tốc độ thì không thể chỉ tiếp tục đổi mới chính sách với cùng tốc độ đó, mà phải đẩy nhanh hơn nữa.
* Cụ thể như thế nào?
- Chính sách phải đi trước phát triển. Nếu chỉ tiếp tục quá trình cổ phần hóa mà thôi sẽ không đủ, phải cổ phần hóa nhanh hơn nữa. Nếu cứ tiếp tục dựa vào tăng trưởng trên cơ sở một vài lĩnh vực xuất khẩu thì không ổn. Các bạn còn phải khai thác mọi lĩnh vực. Nếu không chuyển dịch đủ nhanh chóng sẽ mất trớn.
Bản năng (nhà kinh tế) của tôi (cho phép thấy) rằng quốc gia nào tiến hành thành công quá trình tự do hóa nền kinh tế đều cải cách nhanh chóng. Vấn đề không chỉ là cởi trói và cho phép nền kinh tế đi tới, mà là tiếp tục dịch chuyển ngày càng nhanh hơn cho đến khi các bạn sánh ngang, về mặt chính sách, với các nước đối thủ cạnh tranh với các bạn.
* Ông muốn nói đến cổ phần hóa, tư nhân hóa?
- Tôi nghĩ rằng không một nước nào trên thế giới phát triển thành công, nhanh chóng và bền vững trên cơ sở kinh tế sở hữu nhà nước cả. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đến từ khu vực tư nhân. Ngay cả trong một hệ thống bao gồm cả khu vực tư nhân và khu vực nhà nước, khu vực tư nhân cũng không sao thành công được, do lẽ khu vực nhà nước vẫn cứ luôn hất khu vực tư nhân ra ngoài do được sự hậu thuẫn chính trị của nhà nước.
Ở VN hiện nay cũng đã có thay đổi phần nào, song từ 70-80% vốn của hệ thống ngân hàng vẫn trong tay các ngân hàng thương mại nhà nước. Điều đó khiến khu vực tư nhân không thể nào cạnh tranh tín dụng trên cơ sở thị trường nổi. Các ngân hàng thương mại tư không thể nào cạnh tranh thành công với các ngân hàng của Nhà nước khi mà các ngân hàng này to lớn hơn nhiều.
Cách duy nhất để phát triển nhanh chóng, thành công và bền vững là chuyển sang nền kinh tế với khu vực tư nhân. Ngày nay có nhiều cách khác nhau để tổ chức khu vực tư nhân. Có thể có một khu vực kinh tế tư nhân hoàn toàn gồm các công ty do các cá nhân sở hữu. Hoặc một khu vực tư nhân trong đó các ngân hàng thương mại sở hữu phần đáng kể của các tập đoàn lớn, giống kiểu của Đức.
Hoặc một hệ thống giống như của Hoa Kỳ, với một thị trường chứng khoán rất rộng lớn mà quyền sở hữu đa số nền kinh tế tập đoàn này là trong các cổ phần do một nhóm cổ đông, có thể đông hoặc ít người, nắm giữ hoặc các quĩ lương hưu hoặc các quĩ khác. Thành ra, không chỉ có một khuôn mẫu tổ chức khu vực tư nhân đâu. Song, rõ ràng là việc nhà nước nắm vốn sản xuất là không hay và sẽ chẳng bao giờ hay cả, cho dù đó là VN, Nga, Cuba, Trung Quốc hay Pháp(*). Nhà nước mà làm kinh doanh thì dở!
Khi nói đến cổ phần hóa hay tư nhân hóa, trước hết phải quyết định xem mục đích chính là gì. Đối với tôi, mục đích chính là chuyển tài nguyên sản xuất của nền kinh tế từ tay nhà nước sang tay tư nhân. Đó là điều duy nhất quan trọng trong cổ phần hóa hay tư nhân hóa.
Lý tưởng nhất là làm điều đó một cách minh bạch nhất, làm sao cho sản sinh ra nhiều vốn nhất để đầu tư. Lý tưởng nhất chính là khi đã sản sinh ra được vốn để đầu tư, thì vốn đó phải được để lại công ty. Chứ nếu bán đi một ngân hàng nhà nước, rồi lấy số tiền đó đem cất vô kho bạc thì còn gì nữa những lợi ích của việc cổ phần hóa.
Lý do để cổ phần hóa là để đẻ ra vốn, là chuyển quyền sở hữu từ khu vực công sang khu vực tư, chứ không phải để thu vốn cho nhà nước. Đó là một cách tiếp cận sai lầm. Điều đó không có nghĩa là sẽ để thất thoát tài sản vốn liếng. Không, sẽ không phải như thế. Mà là bán tài sản đúng với giá thị trường. Định giá tài sản thuộc sở hữu nhà nước là rất khó khăn. Lấy thí dụ một nhà máy điện. Có một xu hướng là lấy giá vốn đầu tư trước kia cho nhà máy đó, thí dụ là 100 triệu USD, nay cổ phần hóa, định giá bán 100 triệu USD. Có thể là như thế.
Song, cũng có thể nhà máy đó không đáng giá 100 triệu USD. Nếu nhà máy thủy điện đó nay không có đủ nước để chạy máy, thì sẽ không đáng giá 100 triệu USD thật. Song, cũng có khi giá cả lại cao hơn. Thành ra, định giá bằng cách cộng tổng vốn đầu tư trong quá khứ không phải là một cơ chế định giá có giá trị. Điều các bạn cần là một cơ chế định giá theo thị trường một cách sòng phẳng. Hiện có khối ngân hàng đầu tư đang giành nhau làm tư vấn, các bạn có thể tham khảo xem thiên hạ sẵn sàng trả giá nó bao nhiêu.
* Vẫn có những nguy cơ móc ngoặc, chia chác?
- Đúng thế. Chắc chắn là khi cổ phần hóa hay tư nhân hóa sẽ gặp phải tham ô móc ngoặc. Song, nếu đó là một tiến trình công khai minh bạch, nếu “người định giá” là thị trường, nếu có sự tham gia của nhà đầu tư trong nước lẫn ngoài nước thì sẽ khó mà gian lận được. Hãy để cho thị trường định giá tài sản.
* Đã có một mô hình cổ phần hóa theo kiểu “xẻ” tài sản một công ty này ra cho nhiều công ty khác, cũng của nhà nước, sở hữu cổ phần một cách “tự nhiên” và với giá ưu đãi, gọi là “cổ đông chiến lược”?
- Nếu cổ phần hóa hay tư nhân hóa theo kiểu “đơn giản” là lấy một nhóm công ty thuộc sở hữu nhà nước ra, rồi thay cơ cấu sở hữu sao cho nhóm công ty đó thảy đều sở hữu lẫn nhau thì không đáp ứng yêu cầu mà tôi đã nêu lúc nãy: không đem đến kết quả là chuyển quyền sở hữu từ khu vực công sang khu vực tư nhân. Làm như thế chỉ là chuyển quyền sở hữu trong nội bộ khu vực công.
Hãy bán tài sản theo một tốc độ mà nền kinh tế có thể “hấp thu” được.
Hãy để cho thị trường định giá tài sản và mở ra một hệ thống đấu giá mở sao cho ai cũng có thể cạnh tranh hiến giá. Đừng quyết định sẵn rằng công ty sắp cổ phần hóa này sẽ dành 30% cổ phần cho công ty nhà nước kia, 30% khác cho công ty nhà nước nọ, 30% là sở hữu của nhà nước và 10% là cho nhân viên.
Tôi đã từng nói với một số người rằng: cổ phần hóa ở VN sẽ thật sự là cổ phần hóa, ngày nào mà một công ty đã cổ phần hóa triệu tập cổ đông và sa thải ban giám đốc cũ, thiết lập ban giám đốc mới. Đó là ngày mà tiến trình cổ phần hóa ở VN trở thành, trong thực tế, tiến trình tư nhân hóa, khi mà quyền sở hữu chuyển từ nhà nước sang các cổ đông. Tôi nghĩ rằng có lẽ sẽ mất vài năm nữa, song tôi sẽ đợi ngày đó.
* Đã từng có thực tế “cổ phần hóa chôm chỉa” ở Nga. Nóng hổi nhất là trường hợp công ty điện UES được ông Chubais cổ phần hóa cho hơn tá rưỡi công ty “con”. Nhà nước Nga yêu cầu cổ phần hóa thật sự từ đầu thập niên này mà ông Chubais vẫn mãi không chịu. Đến tháng bảy này mới “mở cửa”được công ty đó.
- Tôi nghĩ rằng “thí dụ Nga” không thể áp dụng vào VN cho dù là một mô hình tích cực hay tiêu cực. VN có lợi thế là chuyển từ một nền kinh tế chỉ huy sang một nền kinh tế- dựa trên cơ sở thị trường một cách tuần tự, tiệm tiến. Liên Xô lúc đó là một nền kinh tế đã rã thật nhanh. Các nhà lãnh đạo Nga đầu tiên trong đầu thập niên 1990 đã có nhiệm vụ vừa phải giải thể nền kinh tế chỉ huy không còn hiệu quả, vừa phải thử xây dựng một nền kinh tế thị trường, lại vừa phải mày mò” đi qua một cuộc cải cách chính trị rộng lớn.
Họ làm tất cả điều đó trên cơ sở một nền kinh tế rệu rã, tan tành. Ngày nay người ta quên rằng vào những năm 1992, 1993 đó, đã từng có nỗi lo sợ rằng ở Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ phải trải qua một nạn đói qui mô lớn; song, điều đó đã không xảy ra do lẽ các nhà lãnh đạo đầu tiên của Nga đã nhanh chóng chuyển cơ cấu kinh tế và đã có những hỗ trợ quốc tế có mục tiêu. Ngày nay, nhìn lại kinh nghiệm đó, người ta nói rằng tư nhân hóa ở Nga đã cho phép mafia, các tay trùm nổi lên, mà quên rằng vào lúc đầu khi mọi việc khởi sự, tình hình tồi tệ như thế nào.Tôi nghĩ rằng vào thời điểm đó ở Nga không có mấy chọn lựa. Song, chắc chắn đó đã là một giai đoạn nguy hiểm.
Trong cái nhìn của tôi, mục đích của các nhà lãnh đạo Nga ban đầu đó là chuyển quyền sở hữu qua tư nhân. Song, việc đó đã được làm một cách rất không hữu hiệu. Nói cho ngay, lúc đó cũng khó có chọn lựa khác để làm cho hiệu quả. Lúc đó họ không có các ngân hàng đầu tư vào Nga có may mắn đi theo một tốc độ “phải chăng” và triển khai một hệ thống pháp luật đi trước.
Họ chẳng có chọn lựa nào khác mà chỉ có một hệ thống hoàn toàn tan tành. Thành ra, họ đã quyết định rằng cách duy nhất để tháo gỡ là hãy khởi đầu bằng cách chuyển sang tay tư nhân, và để cho các sở hữu chủ tư nhân cùng các cổ đông tiến hành cải cách nền kinh tế. Phân đoạn này đã trôi chảy. Sau đó, đến việc bán các tài sản nhà nước lớn nhất trên diện rộng.
Họ bán tống bán tháo rất nhanh và điều này đã gây tranh cãi, ngay cho cả đến bây giờ. Song, giai đoạn đó là một chương trình hoàn toàn khác với giai đoạn tư nhân hóa ban đầu, vốn chỉ nhằm xây dựng một nền kinh tế (thị trường) chưa từng có trước đó. Một trong những hiện tượng chung của giai đoạn lịch sử “sớm sủa” này của Liên bang Nga là đã có một số rất đông xí nghiệp đã tạo ra những giá trị thặng dư “âm”.
Các xí nghiệp này có tất cả, từ nhiên liệu, nguyên liệu đến sức lao động ít nhiều có giá trị, vậy mà họ đi đến kết quả là xí nghiệp của họ chẳng đáng giá là bao so với khi xí nghiệp đó khởi sự. Trong tình huống đó, chỉ có mỗi cách gọi là “ngưng hoạt động” thôi. Tiếng Anh có câu: “Đã lọt hố rồi thì đừng tiếp tục đào nữa!”. Trong thực tế, cả lô xí nghiệp bị đóng cửa. Đó là những xí nghiệp thua lỗ. Bán đi đặng đem chia cho người lao động, còn hơn là cứ trả lương chết đói do thu nhập giảm.
Một vấn đề khác nữa mà các nhà lãnh đạo Nga ban đầu phải đối phó là việc định giá. Có biết bao bộ đang sở hữu các ngành công nghiệp ở Nga. Bỗng dưng các bộ ấy được bảo “cần phải tư nhân hóa”. Thế là điều họ làm là cộng tổng số đầu tư vào từng đơn vị từ thời Stalin cho đến thời Gorbachev rồi hô: “Nhà máy này chúng ta đã đầu tư, thí dụ, 1 tỉ rúp. Vậy ai muốn mua nó thì cứ trả 1 tỉ rúp là mua”. Tất nhiên, do đó là những nhà máy chẳng được một xu lợi nhuận nên chẳng ai mua. Vấn đề định giá là ở đó!
(*): Pháp đang tư nhân hóa Công ty Điện lực Pháp (EDF), sau khi đã tư nhân hóa Air France vốn cứ bị thua lỗ triền miên. Từ mấy năm qua Air France đã sinh lời và sáp nhập cả Hãng hàng không KLM của Bỉ (chú thích của tác giả).
Tuổi trẻ
|