Thứ Hai, 09/07/2007 09:29

Giá trị thực mang lại lợi ích bền lâu

Định giá tài sản DN khi CPH là một chủ đề nóng luôn được cả xã hội quan tâm. Việc định giá đúng sẽ mang lại những lợi ích to lớn không chỉ cho Nhà nước mà còn cho các DN cũng như các nhà đầu tư. Doanh Nhân xin giới thiệu ý kiến của những “người trong cuộc” - các DN đã và đang thực hiện cổ phần hoá.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP invest, Uỷ viên HĐQT Cty Constrexim: “Định giá như hiện nay thì Nhà nước thiệt”

Định giá DN là vấn đề mà các cơ quan chức năng đang còn nhiều lúng túng. Được biết NĐ 187 đang được nghiên cứu sửa đổi dự kiến sẽ đưa giá trị đất mà DN đang sử dụng vào giá trị DN khi định giá. Đối với các tài sản vô hình của DN như thương hiệu hay lợi thế kinh doanh v.v... cũng sẽ được nghiên cứu để đưa ra các nguyên tắc định giá cho loại tài sản này. Tuy vậy, đối với các tài sản vô hình, việc xác định giá trị vẫn là một bài toán không đơn giản. Trên thế giới hiện có nhiều biện pháp định giá. Ví dụ với một DN xây dựng người ta có thể dùng phương pháp thống kê như điều tra xem tỷ lệ trong xã hội có bao nhiêu người biết về thương hiệu đó, có bao nhiêu người sẽ chọn DN đó khi có ý định xây dựng công trình v.v... Mặc dù không đơn giản song có thể dùng các biện pháp như xác suất hoặc thống kê... để xác định giá trị thương hiệu DN. Đối với trường hợp Constrexim, ngay khi mô hình Cty mẹ – con, chúng tôi đã xác định giá trị thương hiệu và tuỳ theo loại hình kinh doanh của các Cty con mà áp một mức nhất định. Chúng tôi lấy tiêu chí là DN con nào hoạt động trong lĩnh vực mà thương hiệu Constrexim có ảnh hưởng lớn như xây lắp thì tỷ lệ là 5%/vốn điều lệ của DN. Có nghĩa là nếu DN đó có vốn 20 tỷ thì khi trở thành thành viên của Constrexim, vốn vô hình mà Constrexim nằm trong Cty đó sẽ là 1 tỷ đồng. Hàng năm Constrexim được hưởng 5% lợi nhuận của DN đó. Tương tự đối với các DN thành viên trong lĩnh vực công nghiệp thì tỷ lệ này được xác định là 4% và 3% với các DN thương mại. Sở dĩ các DN xây lắp được đặt ở mức 5% vì Constrexim là DN có thương hiệu mạnh trong xây lắp, các DN này có thể dùng thương hiệu đó để đấu thầu và thắng thầu công trình... Chúng tôi đã nghiên cứu và định giá thương hiệu Constrexim trong bối cảnh chưa có các quy định cụ thể của Nhà nước song đã được các DN thành viên ủng hộ, với thương hiệu Constrexim các DN thành viên cũng đã hoạt động rất hiệu quả, lợi nhuận tăng rất mạnh.

Đối với phương pháp định giá DN như hiện nay, theo tôi Nhà nước bao giờ cũng thiệt vì bản thân các DN vì quyền lợi của mình luôn muốn định giá thấp DN còn cơ quan chức năng tham gia định giá thì cao hay thấp không ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của họ. Chúng ta vẫn thiếu một cơ chế định giá chuẩn và do đó ít, nhiều quá trình định giá sẽ khó phản ảnh được giá trị thực của DN.

Ông Vũ Duy Thái – Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội: Hãy dừng thí điểm

Cho tới nay, quá trình cổ phần hoá DN Nhà nước đã đi một bước dài về thời gian song chúng ta vẫn chưa có một cơ chế hữu hiệu và đồng bộ. Chính từ việc thiếu một cơ chế đồng bộ này đã dẫn tới nhiều tài sản nhà nước không được xác định đúng giá trị thực của nó. Cả hai giai đoạn thí điểm CPH đều đã và đang tiếp tục gây thất thoát tài sản nhà nước. Vậy có nên tiếp tục thí điểm không? Hãy dừng thí điểm và hoàn thiện một cơ chế đầy đủ, đặc biệt là kiện toàn một quy chế xác định giá trị DN trước khi tài sản nhà nước tiếp tục chảy vào túi cá nhân.

Ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc Cty Vinamit: "Giá trị ảo là rất nguy hiểm"

Tất cả các DN VN đều có thể định giá được. Ngoài các phần tài sản cụ thể như nhà xưởng, thiết bị máy móc, đất... thì việc định giá về thương hiệu là một phần không thể thiếu. Định giá thương hiệu của một DN cần phải dựa vào kết quả khảo sát thông qua các kênh phân phối, độ cảm nhận, sức lan tỏa... dựa trên 4 tiêu chí cơ bản của người tiêu dùng như: Biết – Thích – Yêu mến – Dùng sản phẩm và trong đó mức độ càng lớn thì giá trị của thương hiệu càng cao.

Tuy nhiên, đối với một DN, rất cần xác định sát với giá trị thực. Nếu như chúng ta đưa ra một giá trị ảo dù thấp hơn hay quá cao với giá trị thực sẽ rất nguy hiểm bởi trong quá trình hoạt động mọi điều có thể bộc lộ hết. Trong đó, việc định giá quá cao thì các nhà đầu tư sẽ tự bỏ cuộc ngay, ngược lại đưa ra giá quá thấp thì hầu hết các nhà đầu tư nhảy vào đầu cơ kiếm lời nhưng khi hết lợi thì chính những người này sẽ bỏ chạy trước.

Đối với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư với số tiền lớn hơn gấp nhiều lần giá trị tài sản hiện hữu của một DN. Một điểm rất quan trọng đối việc đi đến quyết định đầu tư vào bất kỳ một lĩnh vực hay DN nào thì điều đầu tiên họ sẽ nhìn vào tiềm năng phát triển, tìm đến giá trị thặng dư và cộng thêm vào đó là tài năng thực sự của đội ngũ điều hành trực tiếp hay nói cụ thể hơn là người chủ DN đó. Ngay trên các sàn giao dịch, hiện tại đang có rất nhiều DN tuy giá trị về tài sản không quá lớn nhưng lại được các nhà đầu tư sẵn sàng mua với giá cao hơn gấp hàng chục lần, thậm chí cao hơn gấp đến trăm lần. Đây là vì người ta nhận ra giá trị thặng dư của chính DN đó. Do vậy, để thu hút được các nhà đầu tư thì điều quan trọng nhất đối với một DN là phải tạo ra giá trị gia tăng liên tục. Thực tế, Vinamit cũng vừa mới hoàn thành việc định giá DN và ký kết hợp tác chiến lược với Quỹ Đầu tư Indochina Capital Holdings thông qua việc bán 20% cổ phần. Chúng tôi đã được đánh giá rất cao về nhiều mặt như thời gian trải nghiệm sau 15 năm đi vào hoạt động, lợi thế về phát triển, hiệu quả hoạt động, tiềm năng phát triển của các sản phẩm trong thời gian tới và đặc biệt việc đầu tư này sẽ tạo lên những sức sống mới, luồng khí mới trong lãnh đạo và nhân viên của Vinamit. Tất cả đã nhìn nhận ra những điều này và CPH là một điều hết sức cần thiết.

Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Traphaco: "Nhờ cổ phần hóa, Traphaco đã vươn lên vị trí dẫn đầu"

Trước khi cổ phần hóa, hoạt động của DN rất khó khăn, đời sống của người lao động không được đảm bảo. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, Traphaco đã trở thành một trong số những DN đi đầu trong lĩnh vực sản xuất các loại thuốc có nguồn gốc dược phẩm theo hướng “công nghệ mới kết hợp với bản sắc cổ truyền”.

Dựa trên cái nôi của một cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm về dược liệu, trên cơ sở thế mạnh của VN là nguồn dược liệu phong phú và tri thức Đông y ngàn đời, sau khi cổ phần hóa, chúng tôi đã đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, dây chuyền, công nghệ hiện đại, hợp tác rộng rãi với các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu...

Từ một vài chế phẩm ban đầu, hiện tại Traphaco đã sản xuất được hơn 130 loại thuốc và đăng ký bảo hộ quốc tế ở 15 nước. Cạnh tranh buộc chúng tôi phải đầu tư nhà máy thiết bị đồng bộ. Hiện nay chúng tôi đã có hai nhà máy sản xuất thuốc tại Thanh Trì (Hà Nội) và Phố Nối (Hưng Yên). Chúng ta đã gia nhập WTO, vị thế của VN tốt hơn, vốn cũng dễ huy động hơn, tìm kiếm bạn hàng dễ hơn. Traphaco đã chuẩn bị cho hội nhập cách đây 7 năm khi trở thành DN dược đầu tiên của VN thực hiện cổ phần hoá. Chính điều này đã khiến người lao động cảm thấy thực sự được làm chủ và họ gắn bó với Cty hơn. Nhờ đó chúng tôi đã hạn chế được tiêu cực giảm được chi phí đầu vào. Tăng trưởng bình quân trên 30% trong suốt 7 năm liền, tỷ suất lợi nhuận năm sau tăng hơn năm trước.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Cty Bảo hiểm dầu khí: “Quyền lợi của người lao động tăng theo giá trị thương hiệu”

Mặc dù trong những năm gần đây Bảo hiểm dầu khí luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhưng sau khi cổ phần hóa đã thực sự tạo ra một bước đột phá mạnh mẽ cả về chất và lượng, mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động kinh doanh.

PVI hiện là DN có tốc độ tăng trưởng cao nhất và là DN dẫn đầu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ở VN. Đạt được kết quả trên là do uy tín thương hiệu PVI sau khi cổ phần hóa được tăng lên rõ rệt. PVI đã mở rộng mạng lưới kinh doanh. Năm 2006, tổng Cty chỉ có 13 chi nhánh, đến thời điểm hiện tại đã có 17 đơn vị thành viên. Dự kiến đến cuối năm nay, PVI sẽ tăng lên 20 đơn vị thành viên. Bên cạnh sự điều hành của ban giám đốc, do gắn kết được quyền lợi của người lao động với hoạt động của Cty, PVI hiện là DN bảo hiểm có năng suất lao động cao nhất trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ ở VN, tính trung bình đạt khoảng 3 tỷ đồng doanh thu/người. Với tốc độ tăng trưởng như như hiện nay, khẳng định PVI đang có bước tiến vững chắc.

Từ nay đến năm 2020, tập đoàn Dầu khí sẽ phải đầu tư trên 30 tỷ USD vào các dự án mở rộng sản xuất, trong đó có các dự án rất lớn như khu lọc hóa dầu ở Nghi Sơn, Long Sơn, các nhà máy điện... Đây là cơ hội rất tốt để chúng tôi tham gia đầu tư và cổ phần hóa là cách tốt nhất để chúng tôi có thể huy động vốn và đầu tư vào các dự án có khả năng sinh lời cao của ngành dầu khí. Không chỉ quyền lợi của lao động cổ đông được đảm bảo mà Cty cũng có điều kiện để phát triển lên một tầm cao mới. Theo dự kiến, doanh thu năm 2007 của PVI sẽ đạt 1800 tỷ đồng.

DĐDN

Các tin tức khác

>   BIDV và ICB đã có nhà tư vấn CPH (08/07/2007)

>   Kế hoạch tăng vốn bị đảo lộn (07/07/2007)

>   HSBC sở hữu 15% cổ phần của Techcombank (07/07/2007)

>   MXBank họp Đại hội đồng cổ đông phiên bất thường lần I năm 2007 (07/07/2007)

>   Nhà đầu tư cần biết (07/07/2007)

>   Cổ phần hóa là gì? (07/07/2007)

>   Rà soát lại kế hoạch cổ phần hoá DN nhà nước (07/07/2007)

>   Vỡ đê! (06/07/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu ra công chúng của CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (06/07/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Cơ khí Lắp máy Sông Đà (06/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật