DN nhựa VN: Mở rộng thị trường xuất khẩu là hướng đi tất yếu
Ðại hội nhiệm kỳ IV (giai đoạn 2007-2012) Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) mới đây đã xác định, hiện nhựa là một ngành công nghiệp quan trọng ở nước ta, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu (XK). Bởi vậy, mục tiêu được đặt ra cho ngành vào năm 2010 là đạt giá trị XK 1 tỷ USD. Tuy nhiên, với tới con số 1 tỷ USD này không dễ chút nào, bởi trước mắt là vô vàn khó khăn, nhất là sản xuất nhựa trong nước đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu (NK).
Theo VPA, ngành nhựa tăng trưởng bình quân 20%/năm trong vòng 5 năm qua, hiện đạt tổng sản phẩm gần 2 triệu tấn. Sản phẩm nhựa có mặt ở hầu hết các ngành công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, thuỷ sản, xây dựng, điện-điện tử..., được sản xuất từ nguyên liệu cao cấp kết hợp với xử lý công nghệ mới. Ðặc biệt năm ngoái, toàn ngành đã đạt giá trị XK 600 triệu USD, trở thành một trong những mặt hàng có giá trị XK lớn ở nước ta. Hiện sản phẩm nhựa Việt Nam đã vươn tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu.
Song, các DN trong ngành đang phải đối mặt với thách thức lớn là giá dầu mỏ tăng, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Dù nguồn cung không thiếu hụt, nhưng giá nguyên liệu nhựa vẫn đứng ở mức cao từ trước đến nay. Ðáng lưu ý là đầu năm nay, giá hạt nhựa nguyên liệu đã đạt mức 1.300 USD/tấn, và được dự báo sẽ còn biến động khi giá dầu thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Việc gia công các sản phẩm nhựa trong nước phụ thuộc rất nhiều vào việc NK nguyên phụ liệu và các bán sản phẩm. Nguyên liệu chất dẻo được các DN nhập chủ yếu từ Ðài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc và Singapore.
Trước tình hình biến động về giá nguyên liệu đầu vào và chỉ tiêu XK trên 1 tỷ USD năm 2010, giới chuyên gia cho rằng DN ngành nhựa không còn con đường nào khác là phải đẩy mạnh đa dạng hoá sản phẩm, đặc biệt là mở rộng thị trường XK, chú trọng công tác quảng bá, xâm nhập trực tiếp vào kênh phân phối của các nước NK. DN nên tiếp cận thị trường và đối tác nước ngoài thông qua các cuộc triển lãm, hội chợ và xúc tiến thương mại. Ðiều đáng mừng là theo đánh giá của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc, đối với mặt hàng nhựa, nước ta có khả năng thâm nhập thị trường tương đối tốt và được hưởng mức thuế thấp, hoặc ngang với các nước XK khác ở hầu hết các thị trường XK. Ðặc biệt, trong Chiến lược phát triển ngành hoá chất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nhiều dự án sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất nguyên liệu nhựa như: lọc-hoá dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hoá), sản xuất chất dẻo DOP (Ðồng Nai)
đáp ứng sản xuất các nguyên liệu quan trọng như PE, PP, PS, PVC, đảm bảo 50% nhu cầu chất dẻo cả nước. Chính phủ cũng dành gần 1 tỷ USD hỗ trợ việc xây dựng và cải tạo nhà máy sản xuất nguyên liệu thô như PVC và PP, có thể đáp ứng 50-60% nhu cầu nguyên liệu thô cho ngành. Ngoài ra, Nhà nước còn dành nhiều khoản kinh phí để hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, thành lập các trung tâm dữ liệu ngành, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho việc mua thiết bị, cải tạo nhà xưởng.
Bộ Công nghiệp đã yêu cầu các DN nhựa tăng cường nghiên cứu và áp dụng đổi mới công nghệ để giảm tỷ lệ hao hụt nguyên vật liệu, giảm phế liệu phát sinh trong sản xuất; tận dụng triệt để các sản phẩm không đạt yêu cầu thông qua quy trình tái chế, tạo bột; tiếp tục nghiên cứu tiếp cận thị trường XK có giá trị NK cao như EU, Hoa Kỳ...; đầu tư mở rộng các dự án sản xuất sản phẩm nhựa chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới. Ðể làm được điều đó, trước hết, DN phải chú trọng hơn đến đầu tư sản xuất các mặt hàng XK chiến lược phù hợp với yêu cầu của thị trường NK, trước mắt là 2 nhóm sản phẩm bao bì và đồ nhựa cao cấp. Mặt khác, ngành nhựa phải hoàn thiện việc quy hoạch sản xuất và nguồn nguyên liệu; đầu tư mở rộng sản xuất hàng nhựa chất lượng cao, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao phục vụ ngành kỹ thuật cao như ôtô, xe máy, tàu thuỷ, máy bay và linh kiện điện tử.
Theo KTĐT
|