Thứ Bảy, 28/07/2007 12:26

Dịch vụ sản phẩm “trọn gói”: Đã mở nhưng chưa thông

Trong cuộc đua cạnh tranh thị phần khách hàng doanh nghiệp (DN), “dịch vụ ngân hàng (NH) trọn gói” đã được các NH trong và ngoài nước tăng cường khai thác. Tuy nhiên, thực tế dịch vụ này vẫn chưa là thế mạnh của các NH trong nước.

Tiện ích – chưa chắc được sử dụng!

Eximbank là một trong những NH đầu tiên ở nước ta triển khai dịch vụ “XNK trọn gói” cung cấp các dịch vụ từ tư vấn, bảo hiểm hàng hóa đến thuê kho bãi, bốc xếp hàng, khai thuế hải quan; giao nhận hàng từ kho người bán đến kho người mua… qua sự phối hợp với Công ty Dịch vụ cảng Sotrans và Công ty Bảo hiểm Bảo Minh.

VIB Bank phối hợp với Công ty Kho vận miền Nam, Công ty Tư vấn và đào tạo ATYS  triển khai dịch vụ “XNK từ A-Z” và “Chìa khóa thuế XNK”, hỗ trợ cho các DN toàn bộ thủ tục liên quan đến XNK như tư vấn miễn phí thông tin về thị trường, tư vấn hợp đồng ngoại thương, cho vay, bảo lãnh nộp thuế và đặc biệt là dịch vụ ứng trước tiền hoàn thuế. Các NH như Techcombank, ACB… cũng đã có các sản phẩm trọn gói như  “quản lý dòng tiền”, “tài chính kho vận trọn gói”… Có thể thấy việc sử dụng gói sản phẩm NH sẽ mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và nhân công cho DN thay vì sử dụng riêng lẻ từng mảng dịch vụ khác nhau, thế nhưng các DN vẫn chưa mặn mà với các dịch vụ trọn gói của các NH.

Sau một năm triển khai dịch vụ “XNK trọn gói”, đến nay Eximbank có trên 30 DN tham gia, nhưng chủ yếu chỉ sử dụng một vài mảng riêng lẻ trong gói sản phẩm, rất ít DN tham gia trọn gói. Bà Tùng Vân, Trưởng phòng thanh toán XNK Eximbank, cho biết  dịch vụ tư vấn, mua bảo hiểm rất ít được sử dụng vì hầu hết các DN đã mua bảo hiểm nguyên năm. Các DN lớn là khách hàng lâu năm luôn được các công ty bảo hiểm có chế độ ưu đãi đặc biệt nên rất ngại thay đổi đối tác giao dịch mới.

Ngay như các dịch vụ khai thuế, các DN chỉ làm việc với các đơn vị đặc thù của ngành thuế chứ chưa có suy nghĩ sử dụng dịch vụ của đơn vị khác. Ngoài ra, nhiều DN cho biết họ đã có sẵn bộ máy thực hiện nên không cần thiết phải thay đổi. Điển hình với dịch vụ “quản lý dòng tiền”, NH giúp các DN có hệ thống bán hàng rộng khắp có thể quản lý các khoản phải thu, phải trả…, giúp DN tiết kiệm chi phí và đảm bảo khả năng chi trả. Tuy nhiên hiện nay dịch vụ này lại phát triển rất èo uột, các DN sử dụng dịch vụ chi lương hoặc dịch vụ tiền gửi thanh toán là chủ yếu.

“Gói”  nhưng chưa “trọn”

Ông Đỗ Quang Thắng, Phó Giám đốc Công ty Toàn Thắng, cho biết: “Thực tế có nhiều trường hợp dịch vụ trọn gói của các NH không thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của các DN. Các đơn vị cho thuê kho bãi mà NH phối hợp có mạng lưới kho bãi còn hạn chế, trong khi theo quy định của NH thì tài sản thế chấp không được để ở kho riêng và các NH ngại thuê kho tư nhân… nên rất bất tiện cho DN trong giao dịch. Công ty ở huyện Bình Chánh mà kho hàng lại để ở quận 4 thì chúng tôi sẽ khó khăn trong việc quản lý và vận chuyển hàng hóa.

Chưa kể, phí kho thuê ở dịch vụ trọn gói của các NH cũng không cạnh tranh lắm với các đơn vị cho thuê bãi khác”. Hiện nay, DN nào vận chuyển và gửi hàng ở kho càng nhiều thì mức phí tính càng thấp và được giảm giá. Nhưng để bảo đảm an toàn, các NH thường đề nghị DN chia nhỏ khối lượng hàng hóa trong giao dịch nên thực tế mức phí dịch vụ DN phải trả cũng không rẻ.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Tổng giám đốc VIB Bank, việc cho ra đời dịch vụ trọn gói là không khó với một NH, nhưng nan giải là ở khả năng triển khai dịch vụ đó. Các NH nước ngoài có thực tiễn triển khai các sản phẩm trọn gói ở nhiều nước khác nhau nên khi đưa các sản phẩm này vào nước ta họ gặp nhiều thuận lợi hơn.

Các NH nước ta có thế mạnh là có mạng lưới hoạt động rộng khắp, công nghệ NH ngày càng hiện đại hơn, nhưng vẫn khó đáp ứng trọn các dịch vụ cho DN vì thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp. Điều này thể hiện ở sự phối hợp giữa các đơn vị tại các NH chưa thật sự ăn khớp và hiệu quả. Đó là một trong những nguyên nhân chính không thu hút các DN sử dụng dịch vụ trọn gói của NH, nhất là các DN lớn là những tổng công ty, tập đoàn.

Đến nay nhiều NH có sản phẩm trọn gói đang chuyển hướng đối tượng khách hàng mới là các DN nhỏ lẻ, chưa có mối quan hệ trong hoạt động kinh doanh, từ đó có chính sách ưu đãi phí, tín dụng, bảo lãnh… để thu hút DN làm quen với sản phẩm trọn gói.

SGGP

Các tin tức khác

>   Ngành thủy sản: Nguy cơ mất thị trường (28/07/2007)

>   Ba yếu tố đội giá tăng cao (28/07/2007)

>   Doanh nghiệp Sri Lanka xúc tiến đầu tư tại TPHCM (28/07/2007)

>   Linh hoạt trong thực hiện cam kết WTO (28/07/2007)

>   Quyền kinh doanh của doanh nghiệp FDI (28/07/2007)

>   Đồng Nai: cấp phép một cửa (28/07/2007)

>   Thận trọng với việc thành lập các tập đoàn kinh tế (28/07/2007)

>   7 tháng, xuất khẩu dệt may đạt 4,24 tỉ USD (28/07/2007)

>   Quy định về đầu tư ra nước ngoài trong ngành dầu khí (28/07/2007)

>   Ba tỉnh biên giới Việt-Lào-Thái Lan hợp tác du lịch (28/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật