“Chân gỗ” làm rối thị trường IPO
Ngày 18/7 là hạn chót nhận phiếu cam kết mua tiếp 15,66 triệu cổ phiếu (chiếm gần 26,4% vốn điều lệ) của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt). Đây là số cổ phiếu bị từ chối mua do một số nhà đầu tư trả hớ giá nên bỏ chạy trong đợt đấu giá phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối tháng 5/2007.
Đấu giá bằng... “chân gỗ”
Trong cuộc đấu giá cổ phiếu Bảo Việt, các nhà đầu tư đã nộp 20.158 phiếu đặt mua hơn 388 triệu cổ phiếu, cao gần 6,5 lần số chào bán (60 triệu cổ phiếu). Kết quả giá trúng cao nhất là 250.000 đồng/cổ phiếu, giá thấp nhất là 67.800 đồng/cổ phiếu và giá bình quân là 73.910 đồng/cổ phiếu. Số liệu tổng hợp kết quả đặt mua cho thấy toàn bộ cổ phiếu IPO đã được đăng ký mua hết. Thế nhưng, đến khi nộp tiền vì thấy thị trường bất lợi nhiều nhà đầu tư tự bỏ mất tiền cọc để “tháo thân”, làm cho 15,66 triệu cổ phiếu bị từ chối mua nên phải chào bán lần thứ hai.
Sở dĩ có tình trạng “bỏ của chạy lấy người” là do có nhiều nhà đầu tư nhỏ vì thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, đã trả giá hớ và không đủ tiền mua. Nhiều người chỉ tham gia đấu giá bằng cách đặt cái “chân gỗ” (tức chỉ có 10% tiền đặt cọc trên mức giá khởi điểm), nên sau khi trúng thầu vì không đủ tiền thanh toán và thấy bán sang tay không lời nên đã “cao chạy xa bay”.
Đặt cọc... quá thấp
Số bỏ cọc tại Bảo Việt chỉ chiếm gần 26,4% nên không phải tổ chức đấu giá lại, mà lần này chỉ để nhà đầu tư đăng ký mua tiếp, với mức giá khởi điểm bằng mức giá trúng trung bình của đợt đấu giá vừa qua. Kết quả trúng lấy từ mức giá cao xuống thấp, cho đến khi hết số lượng chào bán. Còn khi bỏ cọc với số lượng từ 30% tổng số cổ phiếu phát hành trở lên thì phải tổ chức đấu giá lại.
Quy định hiện hành mới ràng buộc người (và tổ chức) tham gia đấu giá chỉ đặt cọc với số tiền 10%/giá khởi điểm. Mức giá khởi điểm thường rất thấp nên số tiền đặt cọc chỉ chiếm một phần nhỏ so với giá trị trúng thầu. Khi giá trúng cao gấp hai lần giá khởi điểm thì tiền cọc chỉ chiếm 5% giá trị phải thanh toán. Nếu giá trúng cao gấp 4 lần mức khởi điểm thì tiền cọc chỉ còn chiếm 2,5% số tiền thanh toán.
Thị trường cổ phiếu phi tập trung (OTC) thường có biên độ biến động giá rất lớn. Vì vậy, khi thấy bất lợi, giá bán sang tay thấp, dẫn đến bị lỗ thì nhà đầu tư “chân gỗ” sẵn sàng bỏ mất tiền cọc, còn hơn ôm để chịu lỗ lâu dài. Do đầu tư theo kiểu “chụp giật” như vậy nên số nhà đầu tư “chân gỗ” sẵn sàng mua phá giá hoặc bán phá giá, làm cho thị trường thêm rối.
Cần nâng tỉ lệ đặt cọc
Trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều cuộc IPO lớn, vì vậy cần phải có quy định chặt chẽ để các cuộc đấu giá thành công trọn vẹn. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Á Châu, khi giá trị đặt cọc quá thấp nhiều người không đủ điều kiện cũng tham gia đấu, góp phần kích giá lên cao phi lý. Để ngăn chặn tình trạng này, cần quy định nâng tỉ lệ đặt cọc lên khoảng 30%/mức giá khởi điểm. Khi đặt cọc số tiền cao nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ trước khi bỏ phiếu đấu. Mặt khác, thời gian thanh toán tiền mua cổ phiếu cần rút ngắn lại chỉ còn một tuần (hiện tại hơn 2 tuần) kể từ ngày kiểm xong phiếu đấu giá hoặc ngày đấu giá. Thời hạn thanh toán ngắn thì nhịp độ biến động giá cổ phiếu trên thị trường thấp, giảm thiểu sự “tháo chạy” của các “chân gỗ”, vì vậy chất lượng đấu giá cổ phiếu IPO sẽ tốt hơn.
NLĐ
|