Thứ Bảy, 14/07/2007 10:27

BIDV sớm bán cổ phần lần đầu ra công chúng

Cổ phần hóa (CPH) là vấn đề không đơn giản với các doanh nghiệp nói chung và với các ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng. Với số vốn điều lệ đạt 7.500 tỷ đồng, Ngân hàng Đầu tư-Phát triển Việt Nam (BIDV) trở thành ngân hàng thương mại nhà nước lớn thứ 2 về mạng lưới, nguồn vốn. BIDV đang tích cực triển khai CPH để sớm bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Nhân sự kiện này, PV báo Hànộimới đã trao đổi với ông Trần Bắc Hà, Tổng Giám đốc BIDV...

- Ông có thể cho biết khi nào BIDV bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ?

- Thời gian qua, BIDV đã nỗ lực thực hiện CPH một cách minh bạch, công khai; thực hiện quá trình đấu thầu, lựa chọn tư vấn CPH theo đúng pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế... Điều đó được thể hiện bằng việc mới đây BIDV đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn CPH với ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới Morgan Stanley (Xingapo). Theo đó, Morgan Stanley sẽ thực hiện tư vấn tài chính cho dự án CPH của BIDV, với các công việc như tư vấn xây dựng và thực hiện phương án; xác định giá trị doanh nghiệp; lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược... Nếu không có gì thay đổi, BIDV thực hiện IPO trong nước vào quý IV-2007, niêm  yết  cổ  phiếu  tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí  Minh vào quý I-2008, sau đó sẽ phát hành và niêm yết cổ phiếu tại một sàn chứng khoán quốc tế.

- Vậy, tỷ lệ nắm giữ cổ phần mà BIDV dành cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ là bao nhiêu?

- Hiện tại BIDV chưa chọn được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nên chưa thể đưa ra tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu cụ thể. Từ nay đến 15-8, BIDV cùng Morgan Stanley thảo luận để đưa ra tiêu chí, cơ sở lựa chọn, quyết định về nhà đầu tư chiến lược. Chắc chắn tỷ lệ dành cho một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không vượt quá 20% (cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không quá 30%); tỷ lệ bán ra công chúng trong nước không quá 31%. Giá cổ phiếu phải chờ thị trường quyết định. BIDV sẽ không dành bất cứ sự ưu đãi nào về giá cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Giá bán cổ phiếu BIDV cho những nhà đầu tư này sẽ không thấp hơn giá khớp lệnh bình quân lần đầu khi BIDV bán công khai trên thị trường chứng khoán (TTCK).

- Dự báo, nguồn “cung” vào TTCK từ nay đến cuối năm sẽ rất lớn. Liệu BIDV có dùng chiến lược PR (quan hệ công chúng) để có mức giá “hấp dẫn” hơn?

- Được biết, từ nay đến cuối năm sẽ có 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiến hành CPH, trong đó có 3 ngân hàng có tổng tài sản, vốn chủ sở hữu tương đương nhau.  Đó là chưa kể các đơn vị ngoài ngân hàng sẽ thực hiện IPO. Như vậy, quan hệ cung-cầu trên TTCK sẽ được điều chỉnh. Đó là tín hiệu tốt để thị trường phát triển bền vững và ổn định. Giá cổ phiếu có chịu sự chi phối của chiến lược PR, nhưng không phải hoàn toàn như vậy. Việc PR “làm giá” chỉ dành cho tâm lý bầy đàn, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư cá thể, còn BIDV lại chủ yếu hướng tới nhà đầu tư có tổ chức. PR có nằm trong kế hoạch của BIDV nhưng không phải để “làm giá” cổ phiếu hay “đánh bóng” mình, mà để nhà đầu tư thấy được triển vọng của BIDV trong tương lai.

- Thời gian qua, có không ít ngân hàng kinh doanh hiệu quả, nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm. Ông có nhận định gì về tương lai của cổ phiếu ngân hàng?

- Năm ngoái, các ngân hàng đưa ra kết quả kinh doanh với tăng trưởng cao, lợi nhuận sau thuế lớn khiến nhiều nhà đầu tư tranh nhau mua cổ phiếu, đẩy giá cổ phiếu lên cao. Tuy nhiên, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quy chế cấp giấy phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần, Chỉ thị 03 khống chế mức cho vay để đầu tư chứng khoán không vượt quá 3% tổng dư nợ... cổ phiếu ngân hàng được điều chỉnh theo hướng giảm. Theo tôi, đây là điều bình thường đối với những ngân hàng vẫn đang kinh doanh hiệu quả. Với những ngân hàng có nguy cơ đứng bên bờ vực thẳm cách đây 2 năm nhờ những tin đồn thổi, giá cổ phiếu của ngân hàng đó tăng gấp 15-20 lần thì mới đáng sợ.

HNM

Các tin tức khác

>   Mua máy bay Boeing 787 để cho thuê (13/07/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (13/07/2007)

>   Sắp đấu giá hơn 4 triệu cổ phần Cty Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu (13/07/2007)

>   EVN sẵn sàng không tham gia CTCP mua bán điện! (13/07/2007)

>   Bán tiếp cổ phần Bảo Việt với giá tối thiểu 74.000 đồng (13/07/2007)

>   ĐBSCL sắp có Cty cổ phần đầu tư tài chính (13/07/2007)

>   PVI là nhà bảo hiểm gốc cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong 5 năm (13/07/2007)

>   Đã có 10 ngân hàng ngoại muốn đầu tư vào ICB (12/07/2007)

>   Dãn IPO, “băng” OTC có tan? (12/07/2007)

>   Shinhan lên kế hoạch mua cổ phần của Vietcombank (12/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật