Dãn IPO, “băng” OTC có tan?
Thời điểm này, khá đông nhà đầu tư trên sàn OTC rơi vào tình trạng "bán không được, giữ không xong". Những mã CP vốn rất nóng trên thị trường trước kia như CP ngân hàng, dầu khí, bất động sản... giảm khá mạnh. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cùng với sự đi xuống của thị trường niêm yết thì việc thị trường OTC "đóng băng" cũng là điều đương nhiên. Nhưng thực tế, nhiều người nhìn nhận việc phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) liên tiếp của hàng loạt doanh nghiệp đã và sắp diễn ra là nguyên nhân chính dẫn đến sự "đóng băng" này.
Theo số liệu tổng hợp, từ đầu năm đến nay có hơn 40 doanh nghiệp đã tổ chức đấu giá gần 460 triệu CP. Những đợt IPO được xem là "khủng" trong nửa đầu năm nay gồm: Công ty Phân đạm và hóa chất dầu khí (PVFCCo) - Đạm Phú Mỹ, Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Thủy sản Nam Việt, Công ty CP Bảo hiểm dầu khí (PVI), Công ty CP Vincom...
Các NĐT còn tiếp tục được tham dự các cuộc IPO lớn sắp đến như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với số vốn điều lệ lên đến 10.000 tỷ đồng và được thực hiện trong tháng 8; Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cũng dự kiến thực hiện IPO trong tháng 10; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có vốn điều lệ khoảng 14.000 tỷ đồng sẽ được IPO trong quý 4, MobiFone, Tổng Công ty Bia rượu và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công ty Bia rượu và nước giải khát Hà Nội...
Đợt suy thoái của TTCK trong thời gian qua cho thấy, sắp tới vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để TTCK Việt Nam có thể tiếp nhận một lượng cung khổng lồ từ nhiều đợt IPO liên tiếp lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng - lượng tài sản cực lớn của hàng trăm DN, trong đó nhiều nhất là BĐS và ngân hàng - những lĩnh vực "hot" nhất… Có thể lấy ví dụ : Với mức giá đấu thành công bình quân chỉ đạt 39.425đ/CP, gấp 2,5 giá khởi điểm nhưng lại bằng đúng một nửa giá đấu bình quân lần 1, kết quả phiên đấu lần 2 của Nhiệt điện Bà Rịa lại làm sàn đấu giá một lần nữa ủ ê. Nhiệt điện Bà Rịa cũng chịu chung "cảnh ngộ thụt lùi" của Tcty CP Bảo hiểm Dầu khí VN (PVI) hồi cuối tháng 6/2007.
Không như những đợt IPO vào cuối năm ngoái, mức giá đấu thành công bình quân của các đợt IPO từ tháng 3 đến nay đều chỉ hơn mức giá khởi điểm một chút. Điều này khiến số tiền thặng dự phát hành nhà nước thu được không cao như dự kiến.
Mới đây, Chính phủ đã dãn tiến độ IPO ra (xếp lịch mỗi tháng chỉ để một đại gia thực hiện IPO) tránh đổ hàng ào ạt lên TTCK làm giá CP tụt nhanh. Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp cho rằng, thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán có dấu hiệu cung vượt cầu. Những doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa hiện nay đều có quy mô gấp khoảng 100 lần những doanh nghiệp trước kia. Trong lúc thị trường chứng khoán cung đang vượt cầu, việc cung thêm hàng từ những doanh nghiệp nhà nước có thể khiến Nhà nước thất thu một lượng vốn thặng dư rất lớn trong quá trình đấu giá cổ phiếu.
Ủy ban chứng khoán cũng cho biết, trong những năm gần đây, UBCK đã nhận đựơc nhiều hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng. Những hồ sơ nàythường "dồn dập" tập trung vào một số thời điểm nhất định. Trước tình hình đó, UBCKNN đã khuyến nghị các công ty đại chúng nên xem xét nhu cầu vốn thực tế của mình và lựa chọn thời điểm chào bán chứng khoán cho phù hợp. Từ đó, huy động được số vốn cần thiết tốt nhất phục vụ cho nhu cầu đầu tư của chính DN.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vữngkhông chỉ phụ thuộc vào việc "điều tiết" IPO mà còn phụ thuộc vào các chính sách quản lý khác như chính sách tiền tệ, cho vay chứng khoán, thuế thu nhập kinh doanh chứng khoán, dòng vốn, tỷ lệ room nước ngoài...
Hanoinet
|