Thứ Sáu, 13/07/2007 11:26

EVN sẵn sàng không tham gia CTCP mua bán điện!

Những tranh luận xung quanh mô hình tổ chức của công ty mua bán điện (CTMBĐ) xem ra vẫn chưa đi đến hồi kết bởi sự ủng hộ của các cơ quan hữu trách tại cuộc họp lấy ý kiến của các Bộ, ngành do Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) chủ trì ngày 10 tháng 7 về mô hình công ty cổ phần mua bán điện do Tập đoàn Điện lực (EVN) đề xuất là chưa có.

Công ty 100% vốn Nhà nước hay công ty cổ phần có cổ đông là các doanh nghiệp Nhà nước ?

Theo đề xuất hiện nay của EVN, CTMBĐ sẽ là công ty cổ phần có các cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước gồm Tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản, TCT Sông Đà, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, TCT Lắp máy Việt Nam, TCT Xi măng, TCT Thép và EVN.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, trong nhiều năm qua, EVN đã chịu trách nhiệm đảm bảo cung cấp điện cho đất nước, là đơn vị duy nhất thực hiện việc mua và bán buôn điện. Tuy nhiên, do giá bán điện cho người tiêu dùng chưa được điều chỉnh kịp thời dẫn đến nhà đầu tư chào giá cao, EVN chỉ chấp nhận mua với mức giá phù hợp với giá đầu ra nên đã gây bức xúc từ một số nhà đầu tư. “EVN muốn sớm thành lập CTMBĐ để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm tham gia đầu tư phát triển ngành điện Việt Nam”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Mô hình công ty cổ phần có các cổ đông là doanh nghiệp nhà nước được EVN cho rằng ưu việt hơn mô hình Công ty TNHH một thành viên (dưới EVN) hay là một đơn vị hạch toán phụ thuộc EVN bởi hoạt động độc lập với EVN, tách bạch được chi phí của từng khâu, tạo được sự tin tưởng hoàn toàn vào sự vận hành minh bạch của thị trường điện… Đặc biệt, với các cổ đông đều là doanh nghiệp Nhà nước lớn thì có vẻ như Nhà nước vẫn can thiệp được trong những trường hợp cần điều tiết để đảm bảo mục tiêu ổn định cung cấp điện cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2010, khi Luật Doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực thì các công ty cổ phần có vốn của Nhà nước chiếm trên 51% phải tuân thủ theo các quyết định của đại hội cổ đông chứ không phải là hoạt động theo mô hình doanh nghiệp Nhà nước.

Vì vậy, chuyện Nhà nước có thể thông qua các cổ đông là những doanh nghiệp Nhà nước trong công ty cổ phần để điều hành hoạt động của doanh nghiệp là điều khó có thể. Khác hẳn với công ty 100% vốn nhà nước sẽ do chịu sự điều hành của chủ sở hữu vốn (Nhà nước).

Liên quan đến mặt hàng khá đặc biệt là điện năng, với mục tiêu hàng đầu được hướng tới là ổn định cung cấp điện cho nền kinh tế bên cạnh mục tiêu giá cả hợp lý thì việc cần có sự can thiệp của Nhà nước chắc chắn là khó tránh. Nhất là khi hệ thống điện quốc gia luôn trong tình trạng cung nhỏ hơn cầu và giá điện được Nhà nước quy định như hiện nay. Đặc biệt khi mà tình trạng cung cấp điện cũng được các chuyên gia dự báo là “vẫn còn nguy cơ thiếu điện” từ nay tới năm 2010. 

Ông Đặng Hùng, Cục trưởng ERAV cho hay, việc thành lập CTMBĐ như đề xuất của EVN tại thời điểm hiện nay sẽ khiến công ty này gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động của mình.

“Hiện nay EVN đang được bù đắp bằng các nguồn lực khác như thuỷ điện, điện giá rẻ để đảm bảo mục tiêu ổn định cung cấp điện cho nền kinh tế. Nếu thành lập công ty mua bán điện hoạt động độc lập thì chắc chắn sẽ lỗ vì không có nguồn bù đắp trong việc mua điện từ các nhà máy điện độc lập (IPP) và các công ty BOT để bán điện theo giá quy định hiện nay”, ông Hùng nói.

Chia sẻ quan điểm này, đại diện của Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính tại cuộc họp cũng đặt câu hỏi, “nếu là công ty cổ phần mà hoạt động có thua lỗ thì ai sẽ bù lỗ vì Nhà nước thì đương nhiên không rồi?”.

Theo đại diện này của Bộ Tài chính, “vẫn nên có CTMBĐ nhưng từ nay tới năm 2010, công ty này nên hạch toán phụ thuộc EVN để Nhà nước còn điều tiết vào những thời điểm quan trọng, đặc biệt là khi trong mùa khô. Sau năm 2010, khi giá điện đã được từng bước điều chỉnh theo các yếu tố thị trường thì sẽ tiến hành cổ phần hoá công ty này”.

Không ủng hộ mô hình hạch toán phụ thuộc, đại diện của Bộ Nội vụ tại cuộc họp cho rằng, nên để CTMBĐ hạch toán độc lập trong giai đoạn hiện nay. Tất nhiên, để công ty này không lỗ thì phải có cơ chế quỹ công ích đi kèm theo hay xem xét vấn đề bù lỗ, bù chéo.

Với thực tế, cơ chế giá điện hiện hành đang có sự bù chéo cho một số khu vực như điện nông thôn, 100 kWh đầu điện sinh hoạt… hiện nay thì khó có thể đảm bảo được rằng CTMBĐ sẽ lấy mục tiêu ổn định cung cấp điện là mục đích của mình nếu được tổ chức theo mô hình công ty cổ phần và chịu sự điều hành của các cổ đông.

EVN thực sự khoẻ?

Theo số liệu được công bố tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ cuối tháng 11 năm 2006 liên quan đến quyết định tăng giá điện trong năm 2007 thì giai đoạn 2002-2005, chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện (dầu, than, khí, giá mua điện…) tăng 78,9% - bình quân tăng 19,7%/năm trong khi sản lượng chỉ tăng 13-15%/năm đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận của ngành điện.

Năm 2005, tỷ suất lợi nhuận của ngành điện chỉ còn 2,48% và ước thực hiện năm 2006 là dưới 1%. Chính các quan chức đứng đầu của EVN khi trao đổi với Báo Đầu tư vào những ngày đầu năm 2007 cũng thừa nhận rằng, lợi nhuận năm 2006 có thể chưa tới 10 tỷ đồng.

Mức tỷ suất lợi nhuận này cũng được xem là thấp nhất từ trước tới nay. Chính vì vậy mà “gánh nặng” đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế và hoạt động phải có lãi xem ra khá nặng nề với ngành điện, nhất là khi EVN hiện là “doanh nghiệp duy nhất” thực hiện việc mua buôn điện của các nhà sản xuất khác để rồi bán trực tiếp đến các hộ tiêu dùng lớn cũng như các hộ sinh hoạt.

Dẫu vậy, tại cuộc họp với các Bộ, ngành vào ngày 10 tháng 7, tức là sau khoảng nửa năm nói trên, ông Đào Văn Hưng-Chủ tịch HĐQT EVN đã đưa ra những con số lợi nhuận của khoảng 5 năm trở lại đây đều từ 1.000 – 2.000 tỷ đồng, đặc biệt trong năm 2006 mức lợi nhuận sau thuế của EVN là 2.600 tỷ đồng để khẳng định rằng, “việc mua bán điện như EVN đã đảm nhiệm trong suốt 12 năm qua chỉ có toàn lãi nên chẳng có lý do gì phải quan ngại về chuyện CTMBĐ khi đảm nhận chức năng mua bán điện này sẽ phải thua lỗ”.

Thậm chí lãnh đạo EVN còn khẳng định rằng, đó chưa phải là mức lợi nhuận tối đa bởi nếu “muốn làm gì thì làm chắc chắn EVN đã lãi hai, ba chục nghìn tỷ đồng mỗi năm!!!”

Dĩ nhiên, con số 2.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế là một con số “rất ấn tượng” bởi lãnh đạo EVN thường xuyên ca điệp khúc “phải mua điện với giá cao và bán điện với giá thấp”!!!  Xác nhận mức lợi nhuận này của EVN là đúng, một quan chức của ERAV-nơi đang đảm trách việc xây dựng các phương pháp tính giá điện theo các yếu tố thị trường cho hay, con số này nằm trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Đáng nói là tính toán của EVN vào tháng 10 năm 2005 phục vụ cho đề nghị tăng giá điện của năm 2006 (đã bị hoãn lại) cho thấy, dự tính vào năm 2006, nếu sản lượng điện do EVN tự sản xuất ở thanh cái là 33,8 tỷ kWh; trong đó điện thương phẩm là 30,023 tỷ kWh thì EVN có lãi khoảng 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế, EVN sẽ phải mua điện ngoài của các nhà máy điện độc lập và nhập khẩu điện. Mà mức giá của các nhà máy điện độc lập bên ngoài này có nơi như Nhà máy điện Hiệp Phước tới cả 2.000 đồng/kWh.

Còn trước thời điểm tăng giá điện vào đầu năm 2007, theo số liệu của Tổ công tác giá điện, giá mua điện từ các nhà máy độc lập bình quân là 740 đồng/kWh, nếu tính cả phí truyền tải, phân phối thì chi phí giá thành điện đến khách hàng sử dụng là 1.056 đồng/kWh. Trong khi giá bán bình quân đến hộ tiêu thụ là 782 đồng/kWh nên cứ 1 kWh điện mua ngoài, EVN sẽ phải bù lỗ 274,3 đồng/kWh.

Điều này cũng có nghĩa là tỷ trọng điện mua ngoài càng cao thì EVN càng bị giảm lợi nhuận. Năm 2005, với 11,5 tỷ kWh điện mua ngoài, EVN đã bù chi phí khoảng 2.766 tỷ đồng. Tuy nhiên kết quả sản xuất kinh doanh của EVN năm 2005 cũng có mức lãi không dưới 1.000 tỷ đồng.

Còn năm 2006, lượng điện thương phẩm đạt 51,3 tỷ kWh với tỷ trọng điện mua ngoài cũng tăng lên mức xấp xỉ 50% và sau hàng loạt các nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế với giá điện theo quy định, EVN vẫn có mức lợi nhuận 2.600 tỷ đồng!!!

Vào tháng 6 năm 2006, trong báo cáo của Dự án cổ phần hoá ngành điện Việt Nam do EVN và một số công ty kiểm toán quốc tế và trong nước như KPMG, DLA  NERA, SSI, YKVN thực hiện có thống kê ra mức trợ cấp hiện hành theo biểu giá điện hiện tại. Theo các số liệu đó thì với giá điện bán cho khu vực sinh hoạt và bán buôn cho khu vực nông thôn, tổng mức bù chéo cho các đối tượng này đã lên tới khoảng… 7.000 tỷ đồng!

Điều này cũng lý giải được tại sao, các quan chức của EVN lại nhận xét rằng, nếu được “tự tung tự tác” mức lợi nhuận phải lên tới vài chục nghìn tỷ đồng.

Nhưng xin nhắc lại một điều rằng, EVN là một doanh nghiệp Nhà nước, được Nhà nước giao trách nhiệm đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế và đi cùng với nhiệm vụ đấy, EVN cũng được tạo điều kiện trong vấn đề đầu tư, hạn mức tín dụng mà không phải cứ doanh nghiệp nhà nước nào đầu tư xây dựng nhà máy điện cũng nhận được.

Vậy nên, tại cuộc họp lấy ý kiến nói trên, có chuyên gia đã nhận xét rằng, EVN không phải “toàn mua cao-bán thấp mà có cả mua thấp” nữa.

Chắc chắn, EVN đã không nhầm khi thông báo rằng, với mức giá điện 5 cent/kWh của nhà máy điện Cà Mau (do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là chủ đầu tư) thì mỗi năm sẽ phải tăng chi phí thêm 1.500 tỷ đồng và khoản này thì phải có những hỗ trợ nhất định khi giá bán điện bình quân chỉ là 842 đồng/kWh vì xét cho tới cùng, TĐ Dầu khí cũng là doanh nghiệp Nhà nước.

Nhưng dường như EVN “quên” rằng, có những nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là những nhà máy thuỷ điện công suất lớn được Nhà nước giao cho EVN quản lý đã hết thời gian khấu hao nên đang có giá điện rất thấp.

Tháng 7 năm 2004, khi EVN tiến hành chào giá điện cạnh tranh trong nội bộ các doanh nghiệp của mình như một bước tập dượt cho việc tiến tới thị trường điện cạnh tranh, các quan chức của EVN đã phấn khởi cho hay, giá điện thấp nhất được chào là khoảng 280 đồng/kWh là của một nhà máy nhiệt điện đã có thời gian vận hành lên tới trên 30 năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành điện cũng cho hay, giá điện của các nhà máy thuỷ điện lớn như Hoà Bình, Trị An hay Yaly còn cạnh tranh hơn cũng bởi các nhà máy này đã hết khấu hao, có công suất lại lớn. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, có nhà máy thuỷ điện lớn còn có giá thành dưới 100 đồng/kWh.

Trong cáo bạch của Nhà máy thuỷ điện Thác Bà (thành lập từ năm 1971) khi tiến hành cổ phần hoá, với 370 triệu kWh điện sản xuất ra trong năm 2005 với tổng chi phí là 21,596 tỷ đồng thì giá thành sản xuất điện của nhà máy có công suất 108 MW này là chưa tới 60 đồng/kWh. Sau khi chuyển thành công ty cổ phần thì giá điện mà EVN mua của công ty cổ phần thuỷ điện Thác Bà là 530 đồng/kWh.

Cũng tới thời điểm đầu năm 2007, khi EVN tiến hành chào giá cạnh tranh trong điều kiện đã cổ phần một số nhà máy điện của mình thì hầu như chẳng có nhà máy nào chào giá thấp hơn mức trần do EVN đưa ra là 742 đồng/kWh!!! Như vậy, nếu EVN không phải là DNNN, không có nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện ổn định cho nền kinh tế, thực thi các nhiệm vụ xã hội như đưa điện về nông thôn thì chẳng nhẽ Nhà nước cứ giao cho EVN quản lý 3 nhà máy thuỷ điện là Hoà Bình, Trị An, Yaly có tổng công suất lên tới 3.000 MW-chiếm 25% công suất của hệ thống hiện nay với giá thành sản xuất điện thấp như cho vậy.

Có lẽ cũng hiểu rất rõ thực tế này nên các Bộ chức năng từng tham gia thẩm định giá điện đã không “mặn mà” ủng hộ đề nghị thành lập CTMBĐ theo hình thức cổ phần.

Chính vì vậy, đề xuất bất ngờ của EVN là thành lập CTMBĐ không có sự tham gia của EVN làm cổ đông chi phối chắc chắn sẽ khiến cho các cổ đông còn lại “phát sốt” nếu hiểu rõ thực trạng bù chéo tới cả 7.000 tỷ đồng cho khu vực dân cư và nông thôn. Nhất là đã biết rất rõ giá điện các nhà máy mình đầu tư để bán điện cho EVN chẳng thể đem lại mức lợi nhuận như EVN thông báo khi giá đầu ra được quy định cứng như hiện nay.

Nên chăng, thay vì chú tâm tới công ty mua bán điện vào thời điểm này mà lợi ích chưa biết sẽ thuộc về ai, các cơ quan hữu trách hãy tách bạch từng khâu hoạt động của dây chuyền phát điện-truyền tải-phân phối điện để nhìn rõ hơn thực trạng hoạt động của hệ thống điện hiện nay. Đặc biệt là việc tách riêng các nhà máy thuỷ điện công suất lớn đa mục tiêu ra khỏi hoạt động kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận đơn thuần như đề xuất của tư vấn Kema (Hoa Kỳ) trong quá trình thiết kế chi tiết các bước đi để hình thành nên thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo mới đây.

Sự tách bạch đó cũng sẽ giúp EVN khỏi mang tiếng “độc quyền” như bấy lâu phải chịu, còn người dân sẽ hiểu rõ hơn về những khoản hỗ trợ từ phía Nhà nước để đưa điện lưới quốc gia “phủ sóng” đến với người nghèo với tỷ lệ gần 96,75% số hộ nông thôn trong cả nước hiện nay đã có điện.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Bán tiếp cổ phần Bảo Việt với giá tối thiểu 74.000 đồng (13/07/2007)

>   ĐBSCL sắp có Cty cổ phần đầu tư tài chính (13/07/2007)

>   PVI là nhà bảo hiểm gốc cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong 5 năm (13/07/2007)

>   Đã có 10 ngân hàng ngoại muốn đầu tư vào ICB (12/07/2007)

>   Dãn IPO, “băng” OTC có tan? (12/07/2007)

>   Shinhan lên kế hoạch mua cổ phần của Vietcombank (12/07/2007)

>   BIDV: Giá mỗi cổ phần sẽ do thị trường quyết định (12/07/2007)

>   VNPT và Vinaconex ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược (12/07/2007)

>   Bán cổ phần lần đầu của các DN nhà nước: Dừng hay tiến? (12/07/2007)

>   BIDV và ICB đã chọn được nhà tư vấn cổ phần hóa (11/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật