Thanh tra việc cổ phần hóa Dalat Toserco
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Huỳnh Đức Hòa đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra làm rõ việc cổ phần hóa (CPH) Cty cổ phần Du lịch Dalat - Dalat Toserco.
Như Báo CATP (ra các ngày 8 và 29-5-2007) đã phản ánh, hàng loạt các thắng cảnh quốc gia, cơ sở du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt đã bị “cho không” trong quá trình cổ phần hóa. Từ đó ông Nguyễn Thanh Tâm - một tư nhân từ TPHCM lên chỉ cần bỏ ra 15,6 tỷ đồng, đã được nắm quyền số tài sản công có giá trị hàng ngàn tỷ đồng. Đây là vấn đề đang gây bức xúc, thậm chí căm phẫn trong cán bộ, đảng viên và nhân dân TP. Đà Lạt. Dưới đây là một số ý kiến điển hình.
Ông Nguyễn Tiến Thanh - quyền Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng (Trưởng đoàn Thanh tra)
Nhiệm vụ của đoàn thanh tra là sẽ thanh tra toàn bộ quá trình CPH, quá trình thay đổi tỷ lệ phần vốn nhà nước (NN); việc quản lý, sử dụng tài sản có nguồn gốc từ vốn NN trong Cty cổ phần và các hoạt động có liên quan tại Dalat Toserco. Thời gian thanh tra từ ngày 11-7-2007 đến ngày 10-8-2007, thanh tra thời điểm từ khi Dalat Toserco tiến hành CPH (tháng 3-2004 đến ngày 30-6-2007). Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật chúng tôi sẽ kiến nghị Chủ tịch tỉnh, chuyển cơ quan chức năng xử lý. Tôi rất quan tâm tại sao cả một khối tài sản khổng lồ, có thương hiệu nổi tiếng, ở những vị trí kinh doanh bậc nhất của Đà Lạt nhưng chỉ được định giá có 46 tỷ đồng (?!). Vì họ chỉ trích tài sản trên đất. Trên thực tế không thể tách rời giá trị đất và tài sản trên đất được. Đất ở những địa chỉ “vàng” khác với đất ở hẻm hóc chứ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và kiến nghị việc này với UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Du (Tám Cảnh) - nguyên Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng
Cả một khối tài sản khổng lồ của Toserco (như Báo CATP liệt kê) mà định giá tài sản có 46 tỷ đồng là quá rẻ, trong khi chỉ một khách sạn Anh Đào hay thương xá La Tulip chẳng hạn cũng có giá trị chừng đó rồi! Thế hệ chúng tôi đã đổ xương máu chiến đấu để xây dựng Đà Lạt, xây dựng đất nước, xây dựng tài sản XHCN. Vậy mà cả một khối tài sản, tài nguyên quốc gia khổng lồ như thế khi CPH lại bị thất thoát là rất vô lý. Lãnh đạo Dalat Toserco, lãnh đạo UBND tỉnh, các giám đốc sở, tham mưu UBND tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy... ai thiếu trách nhiệm, ai sai, sai đến đâu cần làm ra tận gốc để xử lý! Các cán bộ hưu trí và là công dân như chúng tôi vô cùng đau xót trước vụ việc này. Không thể chấp nhận tình trạng cá nhân làm giàu trên tài sản của NN, tài sản của nhân dân bao năm gầy dựng...
Vợ chồng anh Đỗ Đức Minh, chị Vũ Thị Chung (ngụ Phan Đình Phùng - Đà Lạt)
Từ bé chúng tôi đã lớn lên với niềm tự hào về quê hương Đà Lạt cùng thác Prenn, Cam Ly; khách sạn Anh Đào, Mimosa... Gần đây, qua Báo CATP chúng tôi biết người ta đã “bán” khối tài sản, tài nguyên khổng lồ này với cái giá rẻ như bèo. Chúng tôi vô cùng bất bình, phẫn nộ và thấy tiếc. Những danh lam thắng cảnh là tài sản chung của nhân dân cả nước, là niềm tự hào, là văn hóa của nhân dân Đà Lạt, không ai được quyền “bán” như thế. Đề nghị chính quyền tỉnh Lâm Đồng xem xét lại. Cần tìm ra những người thực sự có tài, có tâm huyết với ngành du lịch Đà Lạt để góp phần làm thay đổi, khởi sắc giá trị tài nguyên của thành phố du lịch nổi tiếng này.
CA TPHCM
|