Cắt giảm lãi suất huy động: Bài toán khó
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định 1141 về việc tăng dự trữ bắt buộc lên gấp đôi, nhiều ngân hàng cho biết, phải tính đến bài toán cắt giảm lãi suất huy động trong thời gian sớm nhất để giảm chi phí đầu vào.
Tuy nhiên, thời gian đã trôi qua gần một tháng kể từ khi Quyết định trên được ban hành, các ngân hàng trong nước, nhất là khối cổ phần không những chưa cắt giảm được lãi suất đầu vào, ngược lại còn đua nhau tăng lãi suất. Để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động dưới nhiều hình thức khác nhau. Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp tăng mạnh đã buộc các ngân hàng phải vào cuộc đua tăng lãi suất USD, cho dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sau nhiều cuộc họp vẫn quyết định giữ lãi suất cơ bản của USD ở mức 5,25%.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa chính thức tuyên bố tăng lãi suất huy động cả VNĐ và USD. Theo đó, sau khi điều chỉnh, lãi suất huy động ngoại tệ sẽ tăng từ 0,05% đến 0,2% và lãi suất huy động VNĐ tăng từ 0,01% đến 0,055%. Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) có chương trình đa dạng hoá sản phẩm tiết kiệm. Sản phẩm tiết kiệm mới của SeABank với mức lãi suất cạnh tranh từ 7,74%/năm đến 9,84%/năm đối với VNĐ và 4,40%/năm đến 5,35%/năm đối với USD với kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng. Đặc biệt, tiết kiệm rút gốc linh hoạt cho phép khách hàng rút trước hạn một phần hoặc toàn bộ số tiền gửi mà vẫn được hưởng lãi suất trọn vẹn theo số tháng thực tế gửi nếu thời hạn thực tế đã đạt trên ½ thời hạn chọn gửi ban đầu với mức lãi suất từ 7,50%/năm đến 9,60%/năm…
Mặc dù, NHNN vừa có thông báo về một số mức lãi suất VNĐ và áp dụng từ ngày 1/7, theo đó lãi suất cơ bản bằng VNĐ là 8,25%/năm, song dường như không có tác dụng. Nhiều ngân hàng đã tung ra chương trình "gửi tiết kiệm trúng giải thưởng". Chẳng hạn, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có chương trình "gửi Techcombank, trúng Mercedes" trong ngày 1/7 vừa qua. Theo đó, khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Techcombank được tham gia chương trình dự thưởng trên, với điều kiện số tiền gửi từ 10 triệu VNĐ hoặc trên 1.000 USD trong kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Trước đó một ngày, theo ông Bùi Quang Thắng, Giám đốc Trung tâm nguồn vốn Techcombank, trong bối cảnh thị trường huy động vốn đang cạnh tranh gay gắt như hiện nay, cắt giảm lãi suất huy động quả thực là việc làm rất khó khăn đối với Ngân hàng. Techcombank cũng như nhiều ngân hàng khác đều biết, tăng dự trữ bắt buộc là cắt giảm doanh thu, nhưng trong lúc này không thể điều chỉnh lãi suất huy động. Ông Thắng cho rằng, việc huy động vốn đối với các ngân hàng hiện nay rất khó khăn, nhất là khi các kênh bỏ vốn khác cũng đang ăn nên làm ra. Do vậy, Techcombank vẫn trong quá trình xem xét tình hình từ các ngân hàng khác và chưa tính đến việc cắt giảm lãi suất huy động.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng tại TP.HCM cũng cho biết, cắt giảm lãi suất huy động trong lúc này là điều khó có thể thực hiện đối với các ngân hàng. Mặc dù lãi suất của các ngân hàng đã tăng cao, nhưng trên thực tế nhiều người dân vẫn không mặn mà với việc gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi. Trước đây, khi có tiền nhàn rỗi người dân chỉ có một kênh duy nhất là gửi vào ngân hàng lấy lãi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chứng khoán được xem là kênh bỏ vốn có mức sinh lời cao nên người dân chuyển sang đầu tư cổ phiếu, thay vì bỏ vốn vào ngân hàng như trước. Mặt khác, giá cả thị trường đang ngày càng tăng mạnh, nếu so với tốc độ tăng giá của thị trường thì lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng có khi còn âm. Như vậy, nếu phải cắt giảm lãi suất đầu vào, chẳng khác nào ngân hàng tự cắt giảm nguồn vốn huy động từ trong dân cư.
Điều này cho thấy, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng gấp đôi, đồng thời mức lãi suất cơ bản được NHNN công bố trên thực tế hầu như không kìm hãm được các ngân hàng thương mại trong cuộc đua huy động vốn. Trên thực tế, kể từ khi NHNN tăng dự dữ bắt buộc, chỉ có Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank) và mới đây Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chính thức cắt giảm lãi suất huy động VNĐ. Từ ngày 26/6, Sacombank đã giảm lãi suất huy động VND cho tất cả các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng giảm xuống còn 0,76%/tháng, 9 tháng xuống còn 0,745%/tháng… Trao đổi với ĐTCK-online, ông Nguyễn Phước Thanh, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) - Chi nhánh TP.HCM cho biết, đến thời điểm này VCB vẫn chưa tính đến bài toán cắt giảm lãi suất đầu vào. Vì theo ông Thanh, so với khối ngân hàng cổ phần, hiện lãi suất của khối quốc doanh vẫn còn thấp.
ĐTCK
|