Các tập đoàn gia đình trước bước ngoặt mới
Các tập đoàn gia đình lớn của châu Á đang chuẩn bị bàn giao cho thế hệ thứ ba, và giới chuyên môn lo ngại giới lãnh đạo mới này có nguy cơ đưa cơ đồ của họ tộc xuống bờ vực.
Châu Á là nơi mô hình doanh nghiệp gia đình đóng vai trò thống trị. Tạp chí FinanceAsia ước tính trong 100 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất khu vực này, có 40 công ty gia đình, 38 công ty Nhà nước và chỉ có 22 công ty đại chúng. Mô hình doanh nghiệp gia đình chịu ảnh hưởng về văn hóa của Khổng giáo và ảnh hưởng lịch sử của thời thuộc địa.
Nguy cơ tan rã
Trong nội bộ, các tập đoàn bị xé nhỏ vì tranh chấp quyền thừa kế, quan điểm hiện thực mới của người thừa kế. Bên ngoài, thị trường trong nước đang trên đà mở rộng, thị trường tài chính toàn cầu ngày càng tăng, và ở nhiều quốc gia, luật pháp cho phép cổ đông thiểu số có tiếng nói lớn hơn trong công ty cũng làm khó các công ty gia đình. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, với sự tham gia của nhiều tổ chức nước ngoài vào nền kinh tế nội địa, thuế đánh vào tài sản thừa kế cao cùng với sự bất đồng của những người thừa kế đã làm cho nhiều tập đoạn lớn như Samsung, Hyundai, LG và SK đứng trước nguy cơ bị chia sẻ.
Các tập đoàn gia đình ở châu Á hiện đang phải chấp nhận cùng lúc hai mô hình quản lý. Người cha sáng lập tự mình quản lý mọi vấn đề của công ty thời ban đầu, nên có thể không quan tâm đến tất cả những xu hướng thị trường, đặt niềm tin vào triển vọng lâu dài của công ty, và dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn trước mắt. Nhưng chính con người này đã cho con mình đi học những trường kinh doanh danh giá nhất thế giới. Nền giáo dục những người con thụ hưởng không giống với mô hình hoạt động xưa nay của công ty.
Đồng thời thế hệ kế tiếp sẽ không bao giờ có được sự khôn khéo về mặt chính trị và những quan hệ chặt chẽ với bộ máy quyền lực nhà nước như cha ông họ. Thế hệ kế thừa phải chọn lựa giữa hai con đường: giữ nguyên mô hình kinh doanh do gia đình làm chủ hay chấp nhận liều lĩnh đưa công ty lên tầm thế giới.
Nhiều ông trùm của các tập đoàn lớn hiện nay dành ưu tiên hàng đầu cho việc gìn giữ quyền kiểm soát của gia đình đối với công ty bằng những cách khác nhau. Wang Yung-chin, người sáng lập tập đoàn công nghiệp Formosa lớn nhất Đài Loan sử dụng mô hình thỏa thuận “sở hữu chéo”, cho phép các công ty trực thuộc nâng cổ phần trong các công ty đã niêm yết của tập đoàn. Bằng cách này, ông duy trì và thậm chí tăng thêm quyền kiểm soát của gia đình.
Tuy nhiên, cách này là một bước lùi trong việc hiện đại hóa công ty. Vào thập niên 1990, hình thức sở hữu chéo đã làm suy sụp các tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc, vốn ngập đầu trong nợ nần. Formosa may mắn không nợ nần nhiều, nhưng cũng mất đi sự tập trung vào những ngành kinh doanh chính, mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho công ty.
Hàn Quốc là điển hình cho thấy công ty sẽ nhanh chóng thay đổi cơ cấu sở hữu khi người sáng lập ra đi. Trong vòng mười năm qua, các tập đoàn lớn dần dần thoát khỏi ảnh hưởng của gia đình. Ở Samsung, hiện nay cổ đông nước ngoài sở hữu phần lớn công ty. Tập đoàn Hyundai bị chia nhỏ ra cho ba người con của Chung Ju-yung sau khi ông này mất.
Thực ra những điều này đã từng diễn ra ở châu Âu và Mỹ. Các công ty như Ford và General Electric khởi đầu cũng là doanh nghiệp gia đình, nhưng rồi những thành viên gia đình phải từ bỏ bớt quyền sở hữu mới có thể đưa công ty lên tầm thế giới.
SGTT
|