Thứ Năm, 28/06/2007 12:03

Xúc tiến thương mại: “Phải rõ đối tượng hưởng lợi”

Tại Hội nghị Xúc tiến Thương mại 2007 được tổ chức hôm qua (27/6), Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã có những gợi ý, đề xuất đầy tâm huyết để công tác xúc tiến thương mại của Việt Nam thời gian tới hoạt động hiệu quả hơn.

Ông đánh giá như thế nào về công tác xúc tiến thương mại trong thời gian qua?

Nói đến công tác xúc tiến thương mại có nhiều nội dung. Thứ nhất là công tác tổ chức thông tin khách hàng, thị trường cho doanh nghiệp, trên cơ sở đó các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và đầu tư.

Thứ hai là triển khai các hoạt động xúc tiến cụ thể thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của từng hiệp hội ngành hàng, của các hoạt động của các trung tâm xúc tiến thương mại địa phương, của các hoạt động hội thảo, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Thứ ba là xây dựng thương hiệu quốc gia.

Trong thời gian qua. công tác xúc tiến thương mại đã triển khai được nhiều hoạt động cụ thể. Tuy nhiên, cảm nghĩ của tôi là những hoạt động này tính khuyến khích, định hướng còn thiếu, do đó, hiệu quả chưa cao.

Vậy nguyên nhân nào khiến hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại vẫn chưa cao?

Nhiều chương trình xúc tiến thương mại của ta thiếu thông tin nghiên cứu kỹ tiền khả thi, thiếu kết nối thông tin giữa doanh nghiệp tham gia và cơ quan doanh nghiệp tổ chức, ví dụ các cơ quan thương vụ, các hiệp hội ngành hàng và các vụ nghiên cứu thị trường. Do đó hiệu quả thường không cao.

Thứ hai là các hoạt động hội chợ triển lãm thực hiện thiếu bài bản, thiếu chuyên nghiệp nên hàng hoá không nhiều, mẫu mã không đa dạng, phong phú, chưa thu hút được khách hàng.

Thứ ba là phương pháp xúc tiến thương mại vẫn còn đơn giản, thô sơ, hiệu quả rất thấp.

Thứ tư là hoạt động xúc tiến thương mại thiếu tính liên kết. Mô hình cụ thể chưa được xác định, có rất nhiều cách thức hoạt động khác nhau.

Theo Bộ trưởng, cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại?

Doanh nghiệp có thể có sản phẩm, có chất lượng tốt, nhưng nếu như không đến được tay người tiêu dùng thì doanh nghiệp đó không thể nâng cao tính cạnh tranh được. Muốn sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng thì phải làm tốt công tác xúc tiến thương mại. Như vậy, có thể coi xúc tiến thương mại là yếu tố nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của hàng hoá.

Ngược lại, thị trường mở cửa đấy, nhưng công tác xúc tiến thương mại không tốt nên hàng hoá người ta vào mình được mà hàng hoá mình lại không vào được người ta thì hiệu quả của việc ký kết các hiệp định tự do sẽ không còn.

Giải quyết vấn đề này phải rõ và phải nhìn trên tổng thể. Tôi đề nghị cần phải coi xúc tiến thương mại là yếu tố nâng cao sức cạnh tranh.

Cụ thể là như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Để làm được điều đó, trước hết phải thể chế hoá lại hệ thống xúc tiến thương mại từ trung ương đến địa phương, để đảm bảo tính liên kết sâu hơn, tính chỉ đạo cao hơn, thông suốt với nhau sâu hơn.

 Đúng là phải có một mô hình chung trong xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch nhằm tránh lãng phí nguồn lực, chồng chéo tổ chức, nhưng phải thấy được tính chuyên biệt của từng hoạt động một mới có hiệu quả.

Vấn đề nữa là tìm kiếm cơ chế nào là chính để có thể hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại. Tôi có thể gợi ý là chúng ta có thể trích ra một ít từ hiệu quả của việc ký kết do chương trình xúc tiến thương mại thực hiện do đối tượng được hưởng nộp lại cho chương trình, để có kinh phí tiếp tục thực hiện các hoạt động khác. Nhưng mà nên ở mức vừa phải thôi, không nên cao quá.

Ví dụ, đoàn doanh nghiệp đi triển lãm ký kết được các hợp đồng lớn. Có thể kết quả đó không do chương trình xúc tiến thương mại đem lại, nhưng cũng được coi là “bà đỡ” cho thành công này. Do đó, nên trích một phần trăm nhỏ giá trị hợp đồng để hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại tốt hơn, hiệu quả hơn.

Vậy đối với riêng chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của chương trình này?

Thực tế là trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chúng ta vẫn quá chú ý vào hỗ trợ cho những doanh nghiệp lớn mà chưa chú ý đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm và nguồn lực, cho nên nhiều khi không cần hỗ trợ, có cũng tốt bởi vì không ai dại gì mà không xin tiền nhà nước cả. Nhưng nếu không có họ vẫn làm tốt. Ví dụ như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) chẳng hạn, họ thực hiện chương trình xúc tiến thương mại rất tốt.

Trong khi đó, những doanh nghiệp nhỏ với hạn chế không đủ thông tin thị trường cũng như nguồn lực rất cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, đối tượng này chúng ta đang bỏ quên.

Cho nên khi xây dựng chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cần phải xác định rõ đối tượng hưởng lợi là ai. Nếu đối tượng hưởng lợi không hợp lý dứt khoát phải kiên quyết không phê duyệt, yêu cầu điều chỉnh lại đối tượng hưởng lợi, bảo đảm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Có một vấn đề là ngân sách chi cho công tác xúc tiến thương mại ở nước ta được đánh giá vào loại thấp nhất thế giới, nhưng theo số liệu năm 2006, chúng ta mới chỉ thực hiện được 85%. Tại sao lại có tình trạng như vậy, thưa Bộ trưởng?

Theo tôi có mấy nguyên nhân. Thứ nhất là vì chương trình có thể chưa đảm bảo hiệu quả. Thứ hai là thủ tục hành chính, phê duyệt chương trình còn hạn chế.

Muốn tận dụng được hỗ trợ của nhà nước một cách có hiệu quả thì phải giải quyết được hai phương diện.

Trước hết đó là chương trình xúc tiến phải có một sự chuẩn bị rất tốt từ công tác nghiên cứu thị trường, cách thức để thực hiện công tác xúc tiến, xác định đối tượng được hưởng lợi từ chương trình này, nói rõ được, đảm bảo được nếu thực hiện chương trình thì chắc chắn có hiệu quả.

Ngoài ra, công tác phê duyệt chậm, mức độ phê duyệt thường thấp hơn mức độ tổng thể, nhưng triển khai các chương trình phê duyệt còn chậm hơn nữa. Đó là những điểm yếu mà chúng ta cần phải khắc phục.

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Dầu ăn đồng loạt tăng giá. (28/06/2007)

>   "Ém"nước tương độc: Đề nghị kiểm điểm GĐ Sở Y tế TP.HCM. (28/06/2007)

>   Chưa tăng giá xăng vì doanh nghiệp đang có lãi (28/06/2007)

>   Khẩn trương thực hiện lộ trình thị trường hóa ngành điện (28/06/2007)

>   Nhượng quyền thương hiệu còn đi đường vòng (28/06/2007)

>   Sáp nhập Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp (28/06/2007)

>   Lạm phát sắp vượt tầm kiểm soát (28/06/2007)

>   Xây dựng mô hình chung cho xúc tiến TM, đầu tư và du lịch (28/06/2007)

>   Liên hợp quốc tiếp tục giúp VN phát triển kinh tế – xã hội (28/06/2007)

>   Tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp nước ngoài (28/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật