Thứ Năm, 28/06/2007 07:18

Lạm phát sắp vượt tầm kiểm soát

Mục tiêu Quốc hội đề ra là tốc độ tăng giá (CPI) năm nay phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP). Song, 6 tháng đầu năm, CPI đã lên tới 5,2% (vượt xa dự đoán 4%). Nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu ngày một rõ.

Theo chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay phải đạt trong khoảng 8,2-8,5%. Mục tiêu này được các chuyên gia cho là hoàn toàn có thể hoàn thành bởi 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP đã đạt mức 7,9%.

Tuy nhiên, vấn đề còn lại là làm thế nào để đảm bảo CPI tăng chậm hơn GDP khi 6 tháng đầu năm CPI đã lên tới con số 5,2%.

Trao đổi với VnExpress, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính phân tích, có một điều hơi bất thường là theo quy luật mọi năm, các tháng 5 và 6 CPI rất ổn định, tuy nhiên năm nay tình hình hoàn toàn ngược lại. Thậm chí ngay cả những dự báo của Tổ điều hành trong nước cũng có sai số lớn.

Ông Long lấy ví dụ, trong cuộc họp hồi tháng 5, các chuyên gia của Tổ điều hành thị trường trong nước đưa ra dự báo, CPI của tháng 6 sẽ chỉ tăng trong khoảng 0,3-0,4%. Tuy nhiên, con số thực tế đã lên tới 0,85% - cao gấp đôi so với dự đoán ban đầu.

Theo ông Long, như vậy là từ nay tới cuối năm, để đạt chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra thì CPI chỉ được phép tăng dưới 3%. Điều này, theo ông Long, là rất khó bởi những tháng cuối năm thị trường còn tiềm ẩn nhiều yếu tố tăng giá. Chẳng hạn như dịch cúm gia cầm vẫn chưa được đẩy lùi và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, sản xuất nông nghiệp vẫn bị đe dọa bởi thiên tai, lũ lụt (đặc biệt là sắp vào mùa mưa lũ), trong khi đó giá vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng đang tăng cao...

Theo ông Long, trong tình hình hiện nay, những biện pháp truyền thống như kiểm soát thu chi ngân sách hay thắt chặt chính sách tiền tệ là cần thiết, song phải cụ thể hơn. Điều quan trọng, theo ông Long, là phải "kê đơn đúng bệnh", phải tìm ra nguyên nhân tăng giá, từ đó đưa ra giải pháp cho phù hợp với nguyên nhân đó.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, đối với quốc gia mà tốc độ tăng trưởng như VN thì độ chênh giữa GDP và CPI khó giữ được ở mức 2-3%, mà nên xác định mức 1-1,5% là đạt yêu cầu. Với quan điểm như vậy, ông Tuyển cho rằng, nếu năm nay CPI đạt ở mức dưới 8% có thể đảm bảo mục tiêu lạm phát. "Tất nhiên không phải đơn giản để có thể kìm chế tốc độ tăng giá đúng như mong muốn. Song, về lý thuyết thì không phải là không thể đạt được bởi trên thực tế cũng đã có năm CPI giảm", Bộ trưởng nói thêm.

Giá thực phẩm tăng chóng mặt

Theo khảo sát của VnExpress, chỉ trong vòng hơn hai tuần qua, giá thịt lợn tại khu vực Hà Nội đã tăng lên ít nhất 5.000 đồng/kg. Tại các chợ lớn ở như chợ Gia Lâm, Mơ, chợ Hôm, Hàng Da hay Hàng Bè, giá thịt lợn thăn đang dao động quanh mức 55.000-60.000 đồng/kg (tăng gần gấp đôi so với hai tuần trước), mông sấn 40.000-50.000 đồng/kg, nạc vai 40.000-50.000 đồng/kg, dọi 35.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho rằng giá mặt hàng này sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Trước cơn lốc tăng giá trên, các bà nội trợ không giấu nổi lo lắng khi phải cân đối bài toán thu chi ngân sách gia đình. Bà Vinh ở số 11/139 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên than thở: "Thịt lợn là món ăn hằng ngày của gia đình tôi. Giá lên liên tục trong khi đồng lương thì vẫn vậy nên từ hai tuần nay, tôi buộc phải giảm bớt và thay thế bằng các loại thịt khác như thịt bò, hay thủy sản".

Không chỉ các bà nội trợ, những tiểu thương cũng đang "nhăn nhó" trước đà tăng giá. Chị Quyên, chuyên bán thịt lợn ở chợ Gia Lâm cho biết, hiện trung bình, một tạ thịt lợn đã tăng thêm 400.000-500.000 đồng. "Giá tăng cao quá mà hàng cũng không có mà mua. Trước đây mỗi ngày tôi mua 3 tạ thịt lợn nhưng giờ nài nỉ mãi lò mổ cũng chỉ nhường cho 1,5 tạ thôi. Nếu cứ tiếp tục như thế này, chúng tôi sẽ gặp khó khăn và khó giữ được khách quen", chị Quyên không giấu nổi lo lắng nói.

Theo các tiểu thương, giá thịt lợn tăng trong những ngày qua là do nguồn hàng khan hiếm. Sau đợt lợn bị chết hàng loạt do căn bệnh bí hiểm, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang nuôi gia súc khác. Trong khi đó, các lò mổ lại dành nguồn hàng ưu tiên cho các siêu thị và đại lý lớn, phần ít còn lại dành cho giới bán lẻ nên giá bị đẩy lên cao.

Ngoài các nguyên nhân trên, nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát đang trở thành nỗi lo của các bà nội trợ. Do vậy, họ chuyển sang ăn thịt bò, lợn, thủy hải sản hơn là ăn thịt gà, ngan hay vịt.

Chính vì vậy, giá một số mặt hàng thủy sản cũng đang tăng lên, đặc biệt là tôm đồng. Hiện tôm đồng nhỏ có giá 8.000-10.000 đồng/lạng so với mức 4.000-6.000 đồng/lạng cách đây hơn hai tuần.

Ngoài thực phẩm, giá một số mặt hàng khác cũng đang tăng cao, đặc biệt là dầu ăn và thép. Hiện dầu ăn các hãng khác nhau cũng tăng từ 4.000 đến 5.000 đồng/bình 5 lít. Giá thép nhập vào tại các cửa hàng bán lẻ tăng mỗi lần chỉ 100-200 đồng/kg nhưng tăng liên tục trong một tháng qua.

Trước tình trạng nhiều mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm tăng giá dồn dập thời gian qua, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết, ngày mai Bộ sẽ có cuộc họp phân tích kỹ về nguyên nhân tăng giá và tìm biện pháp đối phó, sau đó sẽ trình Chính phủ.

VNE

Các tin tức khác

>   Xây dựng mô hình chung cho xúc tiến TM, đầu tư và du lịch (28/06/2007)

>   Liên hợp quốc tiếp tục giúp VN phát triển kinh tế – xã hội (28/06/2007)

>   Tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp nước ngoài (28/06/2007)

>   Áo muốn hỗ trợ VN trong dự án metro (28/06/2007)

>   “Mày mò” xúc tiến thương mại (28/06/2007)

>   DN Luxembourg tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam (27/06/2007)

>   Hàng công nghiệp chế biến mới chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu (27/06/2007)

>   Ngành đóng tàu Việt Nam: Từ “lắp ráp” đến “đóng mới” (27/06/2007)

>   Nhà máy thủy điện Sê San 3A phát điện trở lại (27/06/2007)

>   Nhựa Thiếu niên Tiền phong đạt mức lãi kỷ lục (27/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật