Thứ Tư, 27/06/2007 23:30

Ngành đóng tàu Việt Nam: Từ “lắp ráp” đến “đóng mới”

Sự kiện Vinashin vừa bàn giao chiếc tàu 53.000 DWT - tàu lớn nhất từ trước tới nay được đóng mới tại Việt Nam cho thấy, công nghiệp đóng tàu sẽ sớm trở thành một trong nhóm hàng xuất khẩu mới của Việt Nam nếu được đầu tư đúng hướng.

Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp đóng tàu tiếp tục đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ. Giá trị sản xuất đạt 4.430 tỷ, tăng 53,2%, doanh thu đạt 3.685 tỷ, tăng 48%. Theo Bộ Thương mại, dự kiến đến năm 2010 ngành đóng tàu Việt Nam có thể xuất khẩu được giá trị đạt 1,7 tỷ USD.

Những thế mạnh của ngành đóng tàu Việt Nam là bờ biển dài 3.250km với nhiều địa điểm có thể xây dựng các cảng nước sâu có cơ hội để đón nhận xu thế đầu tư công nghệ diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Nhiều đánh giá cho thấy trong 5 năm tới, ngành công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam có thể đóng được các loại tàu từ 150.000 tấn đến trên 200.000 tấn và sửa chữa được các tàu có trọng tải lớn hơn. Ngoài ra, có thể đa dạng hóa sản phẩm từ việc đóng được các loại tàu từ tàu dầu sản phẩm đến tàu dầu thô cũng như các tàu container, các tàu khách ven biển và các loại tàu hàng khác.

Bên cạnh đó, mục tiêu khác mà ngành đóng tàu hướng tới là phải nội địa hoá trên 60% bằng việc ký một loạt các thoả thuận hợp tác về chuyển giao công nghệ cho mục tiêu nội địa hoá của ngành. Đồng thời nâng mức sản lượng từ 300.000 tấn tàu lên 3 triệu tấn vào năm 2010 và chiếm khoảng 6-7% thị phần đóng tàu thế giới với việc xây dựng thêm một số nhà máy đóng tàu lớn, sản xuất được các máy móc, trang thiết bị tàu thuỷ, cũng như các dịch vụ đi kèm. Hiện tại, xuất khẩu tàu thủy hiện nay đạt khoảng 150 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Tập đoàn Vinashin, để đạt được mục tiêu này, ngành đóng tàu Việt Nam trước hết phải khắc phục những vấn đề tồn tại không nhỏ hiện nay. Đó là năng lực nhỏ bé, trình độ lạc hậu, đầu tư phân tán và manh mún. So sánh những dự án gần đây của ngành đóng tàu Việt Nam với quốc tế cho thấy, quy mô dự án trong nước vẫn còn nhỏ và phải chia cho nhiều mục tiêu khác nhau, từ dự án tàu tải trọng lớn, tàu container, đến tàu dầu, tàu chở ôtô...

Thêm vào đó, những ngành công nghiệp phụ trợ gần như không thể phát triển. Chẳng hạn ngay hợp đồng đóng mới loạt 27 tàu giữa Vinashin và Tập đoàn Graig (Anh) nói trên, phía Việt Nam cũng phải nhờ tới chuyên gia của Đan Mạch, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu bởi một hãng của Na Uy. Cho tới nay, các doanh nghiệp chuyên thiết kế tàu của Việt Nam mới đảm nhiệm những tàu có trọng tải cỡ tàu hàng 6.300 DWT, tàu hàng 15.000 DWT tàu dầu 3.750 DWT và nhiều tàu có trọng tải 2000- 3000 DWT.

Theo các chuyên gia đánh giá thì hiện nay ngành công nghiệp tàu thuỷ trong nước đang chuyển từ công nghệ "lắp ráp" thành thực sự "đóng mới". Hiện tại, ngoài công việc đóng được vỏ tàu, phía Việt Nam gần như ít sản xuất thêm chi tiết trên tàu. Hầu hết các trang thiết bị thậm chí cả thép tấm đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Do vậy, trong thời gian qua, để giảm giá thành cho con tàu nhiều nhà máy đóng tàu mua tàu cũ rồi lấy máy lắp trên tàu mới, coi đây là giải pháp tình thế khi ngành chế tạo máy của nước ta chưa phát triển. Tuy nhiên đối với tàu cỡ nhỏ thì có thể chấp nhận được. Mặt khác, nếu tính kinh tế thì chi phí cho dầu máy, sửa chữa sau vài năm lớn hơn cả đầu tư cho đóng một chiếc tàu mới hoàn toàn.

Tuy nhiên, những con tàu này không được kiểm định quốc tế công nhận nên không được phép chạy các tuyến quốc tế. Đó cũng là lý do mà ngành công nghiệp tàu thuỷ của chúng ta đang phải đối mặt với thực trạng là hàng năm ở các cảng lớn số lượng tàu của Việt Nam bị giữ lại do không được kiểm định quốc tế công nhận thuộc loại cao trên thế giới.

Theo nhiều ý kiến hiện nay, giải pháp mang tính định hướng lâu dài cho đóng tàu Việt Nam nếu muốn vươn lên trở thành một ngành xuất khẩu mũi nhọn là tập trung vào một vài cụm công nghiệp đóng tàu nơi có sẵn lợi thế. Đồng thời, tập trung vào những công đoạn phù hợp, phát huy được lợi thế khi so sánh với đóng tàu quốc tế trong chiến lược phát triển các ngành phụ trợ.

Trên phương diện vĩ mô, thay vì đầu tư rất lớn cho kế hoạch hiện nay, Việt Nam nên tìm phương thức kết hợp lợi thế vốn có của mình là lao động rẻ với công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Nhà nước có thể xem xét mở rộng thêm cơ hội và phương thức đầu tư cho các đối tác nước ngoài, nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản. Trên cơ sở đó thúc đẩy sự chuyển giao công nghệ và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hạ nguồn.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Nhà máy thủy điện Sê San 3A phát điện trở lại (27/06/2007)

>   Nhựa Thiếu niên Tiền phong đạt mức lãi kỷ lục (27/06/2007)

>   Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Tuynidi (27/06/2007)

>   Xuất khẩu cà phê đạt mức kỷ lục (27/06/2007)

>   Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh 3 dự án dầu khí trọng điểm (27/06/2007)

>   Thêm 5,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (27/06/2007)

>   VNPT "tố" EVN mở rộng phạm vi dịch vụ nội vùng (27/06/2007)

>   Doanh nghiệp đòi kiện hải quan (27/06/2007)

>   Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang EU (27/06/2007)

>   Đề xuất thành lập Quỹ xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch. (27/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật