Doanh nghiệp đòi kiện hải quan
Công ty TNHH Sơn Hải không đồng tình với quyết định của cơ quan hải quan, bởi hải quan đã không tôn trọng trị giá giao dịch của doanh nghiệp (DN) này trong hợp đồng ngoại thương khi áp đặt giá tính thuế của xe Land Cruiser Prado nhập khẩu là trên 27.000 USD/chiếc. Nếu không được giải quyết thoả đáng, Công ty TNHH Sơn Hải có thể sẽ kiện Hải quan TP.HCM ra Toà án kinh tế.
Giá mua xe và giá tính thuế quá “vênh” nhau
Ngày 29/9/2006, Công ty TNHH Sơn Hải (địa chỉ tại số 4, Đinh Công Tráng, Hà Nội) đăng ký Tờ khai hải quan số 45/NKDO/KV1 nhập khẩu xe ô tô 8 chỗ ngồi hiệu Toyota Land Cruise Prado. Theo Tờ khai, ô tô này được nhập khẩu từ thị trường Oman (Trung Đông), do Nhật Bản sản xuất tại thị trường Oman. Công ty TNHH Sơn Hải khai báo loại ô tô Prado dung tích 2.7 lít, máy xăng có giá nhập khẩu là 18.500 USD/chiếc; loại xe dung tích 3.0 lít, máy dầu có giá nhập khẩu là 17.500 USD/chiếc.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, đây là mặt hàng chưa từng được nhập khẩu qua địa bàn Thành phố và Cục đã bác bỏ giá giao dịch của DN, tiến hành tham vấn giá với DN. Cục Hải quan TP.HCM đã áp dụng phương pháp 6 trong xác định giá tính thuế theo GATT, dựa trên giá chào bán trên mạng cho Cơ quan Liên hợp quốc (UNDP) qua địa chỉ www.webbuy.org, không trừ 20% chi phí đàm phán và các khoản thuế nội địa tại nước xuất khẩu như Công văn 3263/TCHQ-KTTT ngày 19/7/2006 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn để xác định giá của 2 loại xe ô tô này là 27.720 USD/chiếc đối với xe dung tích 2.7 lít, máy xăng và 27.637 USD/chiếc đối với xe 3.0 lít, máy dầu.
Công ty TNHH Sơn Hải không đồng ý với điều chỉnh trên của Hải quan TP.HCM, nên đã khiếu nại. Cục Hải quan TP.HCM đã yêu cầu Tổ chức thẩm định giá SGS xác minh giá xe của Công ty TNHH Sơn Hải tại thị trường Trung Đông. Kết quả xác minh của SGS không kết luận được giá trị thực tế thanh toán của lô hàng.
Trong thời gian đang giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Sơn Hải, Hải quan TP.HCM đã làm thủ tục cho lô xe nhập khẩu của Công ty TNHH Thương mại Đức Hoà ngày 2/3/2007 từ thị trường Dubai (Trung Đông). Giá khai báo của Công ty Đức Hoà với mặt hàng này là 19.000 USD/chiếc. Cơ quan hải quan đã tra cứu trên mạng của thị trường xuất khẩu, bác bỏ trị giá giao dịch của Công ty Đức Hoà, lấy mức giá trên mạng trừ đi 10% chi phí đàm phán và khoản thuế tại nước xuất khẩu và điều chỉnh mức giá là 23.400 USD/chiếc.
Hải quan TP.HCM đã lấy căn cứ này cùng với so sánh giá của một số xe Lexus nhập khẩu và tính giá xe nhập khẩu của Công ty TNHH Sơn Hải là 24.000 USD/chiếc đối với loại dung tích 2.7 lít, máy xăng và 23.400 USD/chiếc đối với loại dung tích 3.0 lít, máy dầu.
Chưa kịp phản ứng khiếu nại với quyết định này của Cục Hải quan TP.HCM thì Công ty TNHH Sơn Hải nhận được thông báo “gây sốc” từ Tổng cục Hải quan, theo đó yêu cầu Cục Hải quan TP.HCM xem xét lại mức giá mà đơn vị này đưa ra và Tổng cục Hải quan cho rằng, mức giá đó thấp hơn khoảng 4.000 USD/chiếc so với hàng hoá giống hệt.
Lý lẽ của Tổng cục Hải quan
Trong Công văn số 2972/TCHQ-KTTT ngày 1/6/2007 của Tổng cục Hải quan gửi Cục Hải quan TP.HCM, bà Đặng Thị Bình An, Phó tổng cục trưởng đã cho rằng, Cục Hải quan TP.HCM khi xác định giá tính thuế của loại xe này chỉ có 23.400 USD chiếc với xe máy dầu và 24.000USD/chiếc đối với xe máy xăng là chưa chính xác. Công văn trên đã dẫn ra những quy định việc xác định giá tính thuế như Nghị định 155/2005/NĐ-CP ngày15/12/2005 của Chính phủ, Thông tư số 113/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính, Công văn số 3263/TCHQ-KTTT ngày 19/7/2006 của Tổng cục Hải quan. Theo đó, việc xác định giá tính thuế theo phương pháp 6 đối với mặt hàng xe ô tô nói riêng và các mặt hàng khác nói chung phải căn cứ vào tất cả các nguồn dữ liệu hiện có tại thời điểm xác định giá tính thuế, nhưng không thấp hơn mức giá của mặt hàng giống hệt, tương tự được chấp nhận trị giá khai báo hoặc điều chỉnh trước đó.
Công văn này cũng nêu rõ, với trường hợp xác định giá mặt hàng xe ô tô 8 chỗ hiệu Prado, qua kiểm tra trên hệ thống dữ liệu GTT22 và theo báo cáo của chính Cục Hải quan TP.HCM thì mặt hàng này tại thời điểm xác định trị giá tính thuế tại hải quan một số địa phương và Cục Hải quan TP.HCM đã có giá khai báo và giá điều chỉnh là từ 27.000 USD/chiếc trở lên. Do đó, Tổng cục Hải quan không chấp nhận mức giá tính thuế mà Cục Hải quan TP.HCM đưa ra với Công ty TNHH Sơn Hải.
Doanh nghiệp không đồng tình
Trong buổi làm việc với ĐTCK-online ngày 22/6/2007, ông Đặng Phi Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Hải đã cho rằng, cơ quan hải quan không khách quan khi áp đặt giá tính thuế với hàng hoá nhập khẩu. Quyết định của Tổng cục Hải quan về giá tính thuế đối với xe ô tô Prado nhập khẩu là không công bằng với Công ty TNHH Sơn Hải.
Ông Hải cho biết, trong lần tham vấn mới đây nhất của Cục Hải quan TP.HCM (ngày 18/6/2007), ông vẫn không đồng ý với quyết định của Hải quan TP.HCM khi điều chỉnh mức giá từ 24.000 USD lên 27.000 USD/chiếc đối với ô tô Prado nhập khẩu, bởi mức tăng này là vô lý.
Vậy tại sao Công ty TNHH Sơn Hải đã phản ứng quyết liệt với cơ quan hải quan và cho rằng mình bị đối xử không công bằng?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH Sơn Hải đã có kinh nghiệm 19 năm trong việc nhập khẩu ô tô về bán trong thị trường trong nước. Sau nhiều năm tìm kiếm, Công ty này đã ký được với một đối tác tại Trung Đông để nhập khẩu mỗi năm từ 600 đến 800 xe ô tô về thị trường Việt Nam. Chính vì thế, Công ty TNHH Sơn Hải được hưởng chính sách về giá của đối tác, đổi lại Công ty TNHH Sơn Hải không được chọn lựa màu xe cũng như các điều kiện ràng buộc khác (mua hàng đều đặn với số lượng ổn định). Đây là lý do quan trọng để Công ty TNHH Sơn Hải có thể mua được hàng hoá với giá rẻ hơn so với các nhà nhập khẩu ô tô khác của Việt Nam.
Ngoài ra, theo Công ty TNHH Sơn Hải, nhà phân phối này cũng có mức chào giá rất khác nhau đối với cùng một sản phẩm xe Prado với các khách hàng đến từ Nga, Trung Quốc và châu Phi. Mặt khác, khi mở tờ khai nhập khẩu hàng hoá, Công ty TNHH Sơn Hải đã xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ hợp lệ để chứng minh giá trị giao dịch với cơ quan hải quan.
Ông Đặng Phi Hải cho biết thêm, việc cơ quan hải quan xác định giá xe Prado nhập khẩu trên 27.000 USD là khiên cưỡng. Giả sử, một chiếc xe nhập khẩu đơn chiếc qua cửa khẩu Chalo (Quảng Bình) chắc chắn sẽ có giá khác với cũng loại xe này được Công ty TNHH Sơn Hải nhập khẩu đưa về qua Tân Cảng (TP.HCM). Ông Hải lý giải, chiếc xe trên được đóng trong 1 container loại 20 feet, chuyển qua cảng Thái Lan, được thuê chở từ Thái Lan sang Lào (Lào không có cảng biển) rồi lại từ Lào chở về Việt Nam bằng đường bộ. Mức chênh lệch tối thiểu trong cách vận chuyển này cũng lên tới trên 2.000 USD/chiếc. Nếu cơ quan hải quan căn cứ theo mức khai báo này của DN để áp tính thuế cho những giao dịch của các DN khác là rất thiếu công bằng, bởi khả năng tìm kiếm đối tác, tìm kiếm thị trường của các DN là rất khác nhau.
“Không thể so sánh người chuyên nhập ô tô có thâm niên gần 20 năm như chúng tôi với một DN vừa chập chững vào nghề. Nếu cơ quan hải quan quá cứng nhắc trong việc áp giá tính thuế thì công sức chúng tôi đổ ra để tìm kiếm đối tác nhằm mua được hàng hoá rẻ chẳng còn ý nghĩa gì. Chúng tôi không thể chấp nhận việc trả một khoản tiền thuế quá lớn cho phần giá điều chỉnh tăng thêm bằng ý chủ quan của cơ quan hải quan”, ông Hải nhấn mạnh. Cung cấp cho phóng viên bản chào giá của chính Công ty Toyota cho UNDP Việt Nam, ông Hải cho rằng, giá xe ở đó cũng được chào bán với giá thấp. Theo đó, giá một chiếc Land Cruiser Prado 2.7 lít, 5 chỗ ngồi chỉ có giá 18.800 USD; hay như loại xe 3.0 lít, máy dầu cũng chỉ có giá là 17.590 USD/chiếc.
Được biết, Công ty TNHH Sơn Hải đang tiến hành khiếu nại lần 2 với quyết định điều chỉnh giá của Cục Hải quan TP.HCM đối với xe ô tô Prado nhập khẩu. Sau khi tiến hành các thủ tục tiếp theo, Công ty này sẽ tiến hành khởi kiện cơ quan hải quan ra Toà án kinh tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này tới độc giả trong các số báo sau.
ĐTCK
|