“Tiền Nhà nước cần cơ chế giám sát chặt hơn”
Việc chi tiêu đồng tiền Nhà nước hiệu quả đòi hỏi cơ chế giám sát và thanh tra chặt chẽ ngay từ khi dự án bắt đầu.
Báo giới đã phỏng vấn ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ, về vấn đề này.
Thưa ông, khi tiến hành thanh tra lĩnh vực đầu tư công, Thanh tra Chính phủ có phát hiện nhiều thất thoát? Nguyên nhân chính là do đâu và vai trò của Thanh tra Chính phủ là gì?
Tùy thuộc vào từng lĩnh vực nhưng ở trong tất cả các công trình xây dựng đã có số liệu công bố, mức độ thất thoát khá lớn, trên dưới 10%. Mức độ đó là có thật. Muốn chấn chỉnh vấn đề này thì phải chấn chỉnh toàn bộ quy trình xây dựng, triển khai, thực hiện dự án chứ không phải chỉ ở một khâu.
Có nhiều nguyên nhân, do thiếu trách nhiệm hoặc do tiêu cực cũng có. Tôi nói ví dụ như trong một công trình muốn giải tỏa đền bù nhanh nhưng làm không được, phía nhà đầu tư phạt mình do giải tỏa đền bù chậm, chẳng hạn riêng Quốc lộ 5 chúng ta phải nộp phạt đến mấy triệu Đôla Mỹ chứ không ít. Số tiền đó mình có thể làm được một công trình khác.
Đây không phải là tiêu cực mà là thiếu trách nhiệm và yếu kém trong điều hành, cả do năng lực và cơ chế phối hợp giữa cơ quan chủ quản với địa phương, các ngành các cấp. Hay khi có một biến động về giá cả mà không kịp thời điều chỉnh thì cũng dẫn đến tình trạng công trình bị đình trệ.
Trong việc giám sát này có nhiều cơ quan thực hiện nhưng trước hết phải nói tới Bộ Tài chính là cơ quan giám sát trực tiếp và sau đó là một số cơ quan khác như Kiểm toán Nhà nước.
Còn Thanh tra Chính phủ chỉ thông qua hoạt động thanh tra của mình để phát hiện những vấn đề lỏng lẻo trong cơ chế quản lý, trong việc sử dụng vốn nhà nước có hiệu quả hay không ở một số công trình. Từ đây chúng tôi sẽ báo cáo với Thủ tướng và Chính phủ để có những chấn chỉnh chung hay quy định cụ thể sao cho chặt chẽ để không xảy ra thất thoát. Chúng tôi không trực tiếp kiểm soát từng công trình.
Dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước mới được Thủ tướng công bố và đang lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Nếu được ban hành, nghị định này sẽ có ý nghĩa như thế nào trong quản lý đồng tiền công?
Vì nghị định này chưa được ban hành chính thức nên tôi cũng chưa nói cụ thể được. Ý tưởng của việc đề ra nghị định này xuất phát từ vấn đề luật phải cụ thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Anh không thể thiếu trách nhiệm, không thể để xảy ra quá nhiều vấn đề sai phạm hay thất thoát trong cơ quan anh quản lý mà lại không chịu trách nhiệm.
Mục đích của nghị định này là vậy. Còn nội dung cụ thể thì có rất nhiều tình huống, phương án để có thể quy định cụ thể. Tôi thấy trong lĩnh vực này còn khó, còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận với nhau nên mới có phương án lấy ý kiến rộng rãi trong dân.
Trong thanh tra, giám sát đầu tư công và chi tiêu công, đâu là vướng mắc lớn nhất hiện nay, thưa ông?
Tôi trở lại vấn đề cơ chế. Cơ chế về quản lý, phân bổ tài chính của nước ta hiện nay đã có một bước tiến rất xa, nhất là từ khi có Luật Ngân sách. Quốc hội cũng rất quan tâm đến vấn đề phân bổ, sử dụng ngân sách vì từ ngân sách mới ra tài sản công.
Chính vì vậy, cái gốc của vấn đề là chúng ta đã có chuyển biến về mặt này, tức là công khai và có định mức về tài sản công cũng như xem xét thận trọng từ đầu. Nhưng trong thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa rõ ràng liên quan đến cơ chế xin-cho. Khi nào còn cơ chế xin-cho thì còn có thể nảy sinh những vấn đề phức tạp, tiêu cực.
Ngoài ra, trong cơ chế mua sắm tài sản công hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Tôi lấy ví dụ, việc mua sắm tài sản công có nên để từng cơ quan mua hay có một cơ quan chuyên trách đấu giá để mua bán? Phải giải quyết triệt để vấn đề này nhằm tránh việc chạy theo hoa hồng khi mua sắm tài sản công.
Tôi nghĩ nên giao cho một cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm về việc mua sắm tài sản công và có quy định rõ ràng thì tốt hơn.
TBKTSG
|